Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Ông Tráng A Sử làm kinh tế giỏi

PV - 11:25, 30/05/2018

Ông Tráng A Sử là một trong những Người có uy tín tiêu biểu ở bản Chan II, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng (Điện Biên), mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Đồng thời bằng sự ảnh hưởng của mình, ông Tráng A Sử còn giúp cho nhiều hộ gia đình trong bản học và làm theo.

Sống trong vùng khó khăn ở miền núi, lại sinh nhiều con (4 người), thấm thía cái nghèo sẽ kéo theo nhiều cái khổ nên ông Tráng A Sử quyết tâm phải cố gắng vươn lên thoát nghèo, tạo điều kiện cho những đứa con được học hành-có cái chữ để biết tính toán làm ăn.

Gia đình ông Tráng A Sử hiện đang có đàn trâu, bò 40 con. Gia đình ông Tráng A Sử hiện đang có đàn trâu, bò 40 con.

 

Năm 2011, khi con gái thứ 3 tốt nghiệp THPT, mặc dù điều kiện gia đình khó khăn nhưng ông Tráng A Sử vẫn động viên con thi vào đại học. Để có nguồn lực đầu tư cho con ăn học, ông Tráng A Sử đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư mua giống trâu, bò về nuôi. Được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Mường Ảng hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng, ông Tráng A Sử đã mua 1 cặp bò cái để nuôi sinh sản.

Ngay trong năm đầu tiên, một con bò cái bị ốm chết khiến ông Sử hoang mang, không biết có nên tiếp tục chăn nuôi nữa hay không. May sao, con bò cái còn lại vẫn khỏe mạnh và sinh ra 2 con bò con. Ông Sử tiếp tục cho nhân giống đàn bò, sau 3 năm bán lứa bò đầu tiên, ông Sử thu về 25 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình ông đủ để trang trải chi phí sinh hoạt và gửi cho con thứ ba đang học tại Trường Đại học Luật (Hà Nội).

Từ ngày đầu tiên vay vốn ngân hàng để đầu tư chăn nuôi đến nay đã gần 8 năm (2011-2018), ông Sử đã phát triển đàn trâu, bò lên 40 con và nuôi thêm vài chục con lợn, dê núi; khai hoang, mở rộng diện tích ruộng, nương trên 5ha. Nhờ sự kiên trì, nỗ lực làm ăn, gia đình ông Tráng A Sử đã vươn lên thoát nghèo, đồng thời có điều kiện nuôi 2 đứa con học đại học tại Hà Nội.

Không chỉ là một người bố có trách nhiệm trong gia đình, hơn 7 năm qua, ông Tráng A Sử còn được bà con trong bản Chan II bầu là Người có uy tín trong cộng đồng. Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế của gia đình, ông đã vận động người dân trong bản tranh thủ cơ hội để phát triển kinh tế theo thế mạnh của gia đình mình: người nào có nhiều đất thì đầu tư vào phát triển sản xuất, người nào có khả năng chăn nuôi thì đầu tư vay vốn ngân hàng mua gia súc, gia cầm về nhân giống, phát triển đàn.

Nhờ tâm huyết của ông Tráng A Sử, bản Chan II đã có 3 gia đình mạnh dạn vay vốn ngân hàng để chăn nuôi, đời sống được cải thiện hơn nhiều so với trước đây. Bản thân ông đã trực tiếp đến từng gia đình hướng dẫn mọi người cách chăm sóc bò, làm chuồng trại và tiêm phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Nhờ đó, trên địa bàn bản Chan II không có gia đình nào bị thiệt hại kinh tế do trâu, bò bị chết vì dịch bệnh.

Ông Tráng A Sử chia sẻ, trong thời gian tới, gia đình ông sẽ mở rộng quy mô đầu tư, phát triển thêm nhiều giống mới như dê, gà. “Bằng tâm huyết, trách nhiệm của mình, tôi đang cố gắng giúp bà con phát triển sản xuất, chăn nuôi, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Nếu mọi người cần sự giúp đỡ, tôi luôn sẵn lòng hướng dẫn, ủng hộ bà con. Tôi cũng mong trên địa bàn huyện Mường Ảng sẽ có thêm nhiều Người có uy tín phát huy được chức trách của mình, vận động, chia sẻ với bà con để cùng nhau quyết tâm vượt khó xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn”, ông Tráng A Sử bộc bạch.

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bạch đàn

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bạch đàn

Cây bạch đàn là loại cây rất phổ biến ở nước ta vì có khả năng thích nghi với thổ nhưỡng ở nhiều nơi. Ngoài ra, loại cây này còn có rất nhiều công dụng. Nó có thể được sử dụng trong xây dựng, công nghiệp, y học và nhiều lĩnh vực khác mang lại lợi ích kinh tế cao. Việc đảm bảo kỹ thuật và chăm sóc cây bạch đàn là vô cùng thiết yếu giúp tạo ra những sản phẩm tốt và giá trị cho cuộc sống.