Tổ chức triển khai kế hoạch rà phá bom, mìn, vật nổ khu vực hạ lưu Nhà máy thủy điện Hòa Bình đến cầu Thống Nhất (thuộc địa phận Tp. Hòa Bình) bắt đầu từ ngày 6/5 đến ngày 6/6 của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình, ngày 19/5, lực lượng rà soát bom, mìn đã dò tìm, phát hiện và trục vớt thành công khối lượng lớn bom, mìn còn sót lại; trong đó có một nửa phần đầu quả bom tồn sót sau chiến tranh, tại lòng sông Đà.
Vị trí phát hiện quả bom nằm cách cầu Hòa Bình khoảng 100m và nằm ở độ sâu gần 1m nước, khi Nhà máy thủy điện Hòa Bình điều chỉnh hoạt động sản xuất để giảm mức nước tại khu vực hạ lưu.
Lực lượng chức năng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Hòa Bình sử dụng thiết bị chuyên dụng rà phá bom mìn, vật liệu nổ, làm sạch hạ lưu Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ảnh: TTXVNĐây là loại bom có sức công phá rất mạnh, có bán kính sát thương bằng mảnh văng có thể lên đến hàng trăm mét. Bên trong quả có chứa hàng trăm kg thuốc nổ mạnh loại TNT. Phần quả bom được trục vớt vẫn còn nguyên ngòi nổ và lượng thuốc nổ có trọng lượng khoảng 100 kg. Với lượng thuốc nổ còn lại, trong trường hợp phát nổ sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn cầu Hòa Bình, cầu Đúng và các công trình kiến trúc xung quanh, cũng như gây mất an toàn cho người và phương tiện khi qua lại trên các cầu, công trình kiến trúc.
Sau khi phát hiện, lực lượng làm nhiệm vụ đã tiến hành trục vớt thành công và đưa về vị trí niêm cất bảo đảm an toàn theo quy định; đồng thời, tiếp tục huy động lực lượng, phương tiện cùng các thiết bị dò tìm chuyên dụng để tổ chức tìm kiếm phần còn lại của quả bom tại khu vực lòng sông Đà và xung quanh.
Cũng trong thời gian này, lực lượng làm nhiệm vụ còn phát hiện, trục vớt, thu hồi 112 vật nổ, bom đạn tồn sót sau chiến tranh tại khu vực lòng sông Đà, nằm cách không xa khu vực giới hạn an toàn của Nhà máy thủy điện Hòa Bình (vị trí ngang và phía trên ngòi Đúng); trong đó, bao gồm 20 quả bom bi quả dứa màu vàng; 88 viên đạn 12,7 mm; 4 quả lựu đạn.
Đáng nói, toàn bộ các vật nổ được phát hiện đều ở trong tình trạng đặc biệt nguy hiểm, các chốt an toàn đã bị hủy, cơ chế kích nổ đã được kích hoạt; do vậy có khả năng phát nổ cao gây nguy hiểm cho người, phương tiện và các công trình kiến trúc tại các khu vực xung quanh.
Sau khi trục vớt, thu hồi, số vật liệu nổ, bom mìn này đã được đưa về vị trí niêm cất bảo đảm an toàn theo quy định để chuẩn bị cho các phương án hủy nổ.