Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Phát huy vai trò Người có uy tín trong phổ biến giáo dục pháp luật

PV - 10:46, 08/11/2018

Đồng bào DTTS sống ở vùng sâu, vùng xa thường có điều kiện kinh tế-xã hội rất khó khăn, vì vậy, việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào cần có những hình thức riêng biệt. Nhân ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (9/11), Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Lý Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc về một số kết quả công tác tuyên truyền PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS.

PBGDPL Ông Lý Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ủy ban Dân tộc.

Thưa ông, ông có thể cho biết công tác tuyên truyền PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS của Việt Nam hiện nay đang được thực hiện như thế nào?

Tuyên truyền PBGDPL trong vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ được Đảng, nhà nước ta quan tâm thực hiện từ lâu. Đặc biệt, đến năm 2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2021" (Đề án 1163) giao cho Ủy ban Dân tộc làm cơ quan đầu mối, chủ trì.

Trên cơ sở của Đề án 1163, trong thời gian qua, Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo các vụ, đơn vị tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trước hết, chúng tôi đã xây dựng mô hình điểm tại huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, từ đó làm cơ sở nhân rộng ra các vùng dân tộc và miền núi khác.

Bên cạnh đó, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức các hội nghị phổ biến, giáo dục pháp luật, kết hợp triển khai mô hình cho các cán bộ làm công tác dân tộc tại các tỉnh có đông đồng bào DTTS sinh sống; trực tiếp phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng là già làng, trưởng bản, Người có uy tín, trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, Ủy ban Dân tộc đang hoàn thiện 2 cuốn sổ tay kỹ năng phổ biến giáo dục pháp luật đặc thù vùng DTTS và miền núi dành cho báo cáo viên pháp luật và sổ tay hỏi đáp pháp luật dành cho đồng bào DTTS. Dự kiến cuối năm 2018 sẽ phát hành.

Đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, công tác tuyên truyền PBGDPL có những đặc thù gì, thưa ông?

Trước hết, chúng ta cần phải nhận thức, đồng bào DTTS là một đối tượng đặc thù. Đây cũng là nhóm đối tượng yếu thế sống ở vùng sâu, vùng xa vùng lõm thông tin. Bởi vậy, việc PBGDPL là hết sức cần thiết.

Thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào không thể tuyên truyền lý thuyết suông. Báo cáo viên không thể cứng nhắc viện dẫn điều nọ khoản kia trong luật. Thay vào đó, cán bộ cần phải gần dân, sát dân để nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Đây chính là căn cứ để cán bộ xây dựng nội dung tuyên truyền cho phù hợp và sát thực tiễn.

Khi giải đáp, tư vấn, cán bộ tuyên truyền phải giải thích cụ thể quyền lợi, trách nhiệm của người dân; đồng thời phải lý giải được nguyên nhân vì sao có các quyền và nghĩa vụ này. Ví dụ như khi tư vấn cho người dân về chính sách tái định cư, cán bộ phải chỉ rõ người dân được hưởng trợ cấp gạo bao nhiêu? Tiền trợ cấp như thế nào? Họ phải thực hiện các trách nhiệm gì? Đồng thời, phải giải thích thấu đáo nguyên nhân, ý nghĩa của việc làm này.

Một vấn đề nữa cần phải chú ý là, các yếu tố văn hóa, phục tục tập quán trong vùng đồng bào DTTS. Mỗi dân tộc khác nhau có văn hóa khác nhau, trong đó, nhiều đồng bào DTTS có các luật tục riêng. Vì vậy, trong quá trình xây dựng nội dung tuyên truyền pháp luật, cán bộ phải tìm hiểu các luật tục này. Những luật tục phù hợp sẽ được lựa chọn để tích hợp trong nội dung tuyên truyền. Đồng thời, phải nhận diện được các tập quán, luật tục lạc hậu (ví dụ như tảo hôn, hôn nhân cận huyết…) để giải thích vận động người dân từ bỏ.

Qua thời gian triển khai thực hiện Đề án 1163, chúng ta có thể rút ra các bài học kinh nghiệm như thế nào?

Có thể khẳng định, Đề án 1163 được Chính phủ quyết định phê duyệt là hết sức cần thiết. Đề án đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao hiểu biết pháp luật cho người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK. Tuy nhiên hiện nay Đề án cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là thiếu nguồn lực. Mặc dù, các địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của Đề án, nhưng nguồn lực có hạn nên không thể cân đối thêm. Về phía Trung ương nguồn vốn cho dự án còn khá thấp nên nhiều phần việc khi triển khai bị hạn chế.

Qua quá trình thực hiện Đề án, chúng tôi cũng thấy rằng, để công tác tuyên truyền PBGDPL đạt hiệu quả, tác động toàn diện đến nhận thức của người dân, một mình ngành dân tộc không thể làm hết được. Do đó cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Trong đó, ngành dân tộc đóng vai trò làm đầu mối chủ trì cần kết hợp với các ngành như, tư pháp, y tế, giáo dục, lao động xã hội… trong việc PBGDPL cho người dân.

Đặc biệt hiện nay, Việt Nam có hơn 34 nghìn Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, là những hạt nhân tích cực trong công tác vận động trực tiếp người dân chấp hành pháp luật. Do đó, chúng ta cần quan tâm hơn nữa đội ngũ Người có uy tín để họ phát huy vai trò cùng với Nhà nước tuyên truyền PBGDPL cho đồng bào DTTS.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục