Du lịch cộng đồng trên đà phát triển
Thời gian qua, các tỉnh Tây Bắc đã tập trung phát triển du lịch cộng đồng và đã xây dựng được thương hiệu, uy tín là các điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước như làng du lịch Nghĩa Đô, tỉnh Lào Cai; bản Lác, bản Văn ở Mai Châu, bản Sin suối Hồ ở Lai Châu, bản Lướt ở Sơn La, làng văn hóa - du lịch Xuân Sơn ở Phú Thọ, làng văn hóa du lịch Lô lô Chải ở Hà Giang… với sản phẩm du lịch không trùng lặp, mang bản sắc riêng, tạo ra trải nghiệm ấn tượng của từng điểm đến đối với du khách.
Mai Châu là địa danh nổi tiếng với những bản du lịch cộng đồng thị trấn Mai Châu, các xã Chiềng Châu, Mai Hịch, Xăm Khoè, Nà Phòn…với cảnh sắc thơ mộng, ẩm thực đặc trưng, đồng bào các dân tộc ở Mai Châu vẫn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa dân tộc đặc sắc đã luôn hấp dẫn du khách.
Đầu năm 2023, du lịch Mai Châu tạo thêm dấu ấn mới khi Giải thưởng Traveller Review Award (giải thưởng nhằm tôn vinh sự nỗ lực, cố gắng và lòng hiếu khách của đối tác) đã công bố, Mai Châu - Hòa Bình là 1 trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam.
Đặc biệt, đây là nơi có nền văn hóa lâu đời của các dân tộc Mường, Thái với lối sống đặc trưng từ trang phục, canh tác, nhà sàn. Nhưng điều để lại ấn tượng sâu sắc đến khách du lịch là sự chân chất, thật thà mến khách của người dân. Các địa điểm du lịch cộng đồng ở Mai Châu luôn thu hút du khách như Bản Lác, bản Pom Coọng, bản Nhót, đèo Thung Khe, thác Mu, hang Chiều, thác Gò Lào,... đa số đều có đường giao thông thuận tiện và gần trung tâm huyện.
Ngày 16/01/2017 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW xác định phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngày 18/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển hiệu quả du lịch bền vững.
Chị Charlotte du khách đến từ nước Úc cho biết: Lần đầu tiên đến du lịch ở Mai Châu, tôi cảm nhận cảnh sắc ở đây rất tươi đẹp, người dân rất thân thiện, mến khách. Chúng tôi đã dùng bữa tối và xem chương trình văn nghệ trong không gian nhà sàn Thái. Chúng tôi thực sự hân hoan, dâng trào cảm xúc vui tươi, đoàn kết khi tham gia nhảy sạp, múa xòe và trải nghiệm về cuộc sống của người dân nơi đây.
Hiện nay, trên địa bàn huyện có 148 cơ sở lưu trú, 7 điểm du lịch cộng đồng, 12 khách sạn, 28 nhà nghỉ, 106 homestay, thu hút, tạo việc làm cho 1.200 lao động trong lĩnh vực du lịch.
Để phát triển du lịch cộng đồng, chính quyền và người dân huyện Mai Châu đã nỗ lực phát triển dịch vụ gắn liền với bảo vệ môi trường, giữ gìn văn hóa truyền thống. Địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch phát triển du lịch, đến nay Mai Châu đã và đang thu hút được lượng khách nhất định.
Anh Ngần Văn Tuấn, Trưởng phòng văn hóa –Thông tin huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cho biết: Những năm gần đây, để phát huy giá trị tốt đẹp của di sản, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về di sản gắn với các hoạt động bảo tồn văn hoá, kích cầu du lịch; tổ chức các lễ hội, hội thi, chương trình giao lưu văn hoá tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch.
Khai thác tài nguyên văn hóa
Còn điểm du lịch cộng đồng xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai được cũng được đông đảo du khách tới thăm quan, trải nghiệm. Đây là một trong hai điểm du lịch cộng đồng của Việt Nam đạt giải thưởng hai điểm du lịch cộng đồng của Việt Nam đạt giải thưởng Homestay ASEAN năm 2023.
Với 98% dân số là đồng bào Tày sinh sống, có truyền thống văn hóa lâu đời và kiến trúc nhà ở còn nguyên vẹn, du lịch cộng đồng ở Nghĩa Đô được đầu tư khá bài bản. Người dân biết giữ gìn nét đẹp truyền thống, giữ gìn môi trường, cảnh quan để phát triển du lịch bền vững.
Dựa vào tài nguyên sẵn có là văn hóa dân tộc, cộng với thiên nhiên tươi đẹp, các sản vật địa phương phong phú, đồng bào DTTS Bảo Yên đã tạo ra các sản phẩm du lịch riêng có để thu hút du khách. Theo đó, Nghĩa Đô có gần 20 cơ sở lưu trú homestay do người dân làm chủ, 100% kiến trúc nhà sàn truyền thống.
Các thôn, bản đều xây dựng các đội văn nghệ dân gian. Các hoạt động chợ đêm được duy trì với văn hóa ẩm thực và nhiều sản vật của địa phương. Đặc biệt, đồng bào Tày nơi đây còn lưu giữ và bảo tồn nghề đan lát, nghề thêu thổ cẩm truyền thống, hấp dẫn du khách trực tiếp được tham gia trải nghiệm các công đoạn tạo sản phẩm.
Ông Nguyễn Sỹ Hồng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bảo Yên cho biết: Chiến lược để phát triển du lịch cộng đồng của địa phương là bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Với hướng bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, làm nền tảng tạo sản phẩm du lịch để thu hút du khách, đã phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương tạo thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch độc đáo
Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, thì du lịch cộng đồng được xem là một trong những loại hình du lịch chủ đạo, được khẳng định cần đẩy mạnh. Thông qua các hoạt động phục vụ du khách đến tham quan, như: lưu trú, ăn uống, trải nghiệm văn hóa bản địa, bán quà lưu niệm địa phương..., du lịch cộng đồng đang là sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Như tại Lai Châu có 16 khu, điểm là làng văn hóa du lịch đã được UBND tỉnh công nhận. Thời gian gần đây, du khách trong và ngoài nước yêu thích trải nghiệm thường tìm đến điểm du lịch cộng đồng ở các xã Sin Suối Hồ (Phong Thổ), Sì Thâu Chải (Tam Đường), thị trấn Than Uyên (Than Uyên)… Có thể nói, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ kết hợp với đời sống văn hóa phong phú và những món ăn độc lạ, đậm hương vị miền núi của đồng bào DTTS, là những lợi thế riêng có để Lai Châu phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Để phát triển du lịch cộng đồng, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Đề án "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến 2030".
Lai Châu đã tập trung xây dựng và đưa vào khai thác các điểm du lịch cộng đồng, mỗi điểm đều mang sắc thái và đặc trưng riêng. Du khách, đặc biệt là khách quốc tế thích tìm về môi trường tự nhiên, hòa mình vào cuộc sống cộng đồng để được trải nghiệm cảm giác 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động”, cũng như tìm hiểu nét đặc sắc trong văn hóa bản địa.
Nổi bật nhất trong các làng du lịch cộng đồng của Lai Châu là bản Sin Suối Hồ có 113 hộ, trong đó có 10 hộ làm du lịch theo hình thức nghỉ dưỡng homestay. Trước kia, du khách đến bản chỉ tìm đến địa danh đẹp, thưởng thức các món ăn địa phương và ra về ngay trong ngày.
Nay đến bản Sin Suối Hồ, cùng với tham quan phong cảnh, du khách còn được hòa mình vào cuộc sống sinh hoạt của bà con, hòa mình những hoạt động thường ngày, khám phá những món ăn độc đáo. Trung bình mỗi tháng, có hàng trăm lượt du khách đến du lịch và nghỉ dưỡng tại bản Sin Suối Hồ, trong đó đa số là du khách nước ngoài.
Ông Phạm Văn Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TT huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu cho biết: Trong bản Sin Suối Hồ có hơn 20% hộ dân phát triển du lịch cộng đồng. Người dân ở đây kinh doanh không chạy theo hướng thương mại hóa, mà các sản phẩm được tạo ra từ thiên nhiên, được lưu giữ từ bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch. Chính những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, ẩm thực, văn hóa, văn nghệ dân gian của đồng bào đã thu hút du khách đến trải nghiệm.
Theo ông Nguyễn Lê Phúc,Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, vùng Tây Bắc có tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng cả về tài nguyên tự nhiên và tài nguyên nhân văn, với cảnh quan thiên nhiên núi rừng hùng vĩ riêng có về địa hình, địa chất, khí hậu, hệ sinh thái, văn hóa đặc sắc và lịch sử hào hùng. Vì vậy, xu hướng liên kết phát triển du lịch trong giai đoạn mới, là thúc đẩy hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, phát huy giá trị tài nguyên du lịch của từng địa phương, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch chung của cả vùng.