Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

PV - 21:10, 13/09/2021

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, tiến độ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội chưa đạt yêu cầu đề ra và đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo, điều hành, thực hiện Chương trình quyết liệt hơn.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tai phiên họp. (Ảnh: QH)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tai phiên họp. (Ảnh: QH)

Tiếp tục phiên họp 13/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội.

Tại Phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, sau hơn một năm thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được Quốc hội giao, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức thực hiện và hoàn thành 3/5 nhiệm vụ, 2 nhiệm vụ đang tiếp tục triển khai thực hiện.

Cụ thể: hoàn thành việc tổ chức tổng kết các Chương trình mục tiêu quốc gia và các Chương trình mục tiêu làm cơ sở đề xuất xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; hoàn thành việc xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi của Chương trình. Về xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách trong tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình, Chính phủ đã hoàn thành việc xây dựng tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển cũng như việc xây dựng tiêu chí xác định các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù.

Chính phủ kiến nghị với Quốc hội cho phép Chính phủ ban hành cơ chế cấp phát toàn bộ đối với nguồn vốn vay ODA cho các địa phương phụ thuộc từ 90% ngân sách trung ương trở lên. Đồng thời dề xuất cho phép Chính phủ điều chuyển kế hoạch phân bổ kinh phí đã được Quốc hội phê duyệt cho Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 thực hiện năm 2021 sang năm 2022; đồng thời đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện năm 2022 được giao như kế hoạch trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động triển khai nhiệm vụ liên quan đến nguồn vốn đầu tư công và Quyết định đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 chưa được phê duyệt (dự kiến trong quý III/2021, tuy nhiên còn nhiều thủ tục về quy trình phân bổ để có thể triển khai khả thi tại các địa phương ngay trong năm 2021).

Toàn cảnh Phiên họp.
Toàn cảnh Phiên họp.

Thẩm tra báo cáo, về kiến nghị của Chính phủ với Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc đề nghị Chính phủ Chính phủ có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình theo Nghị quyết 120/2020/QH14 của Quốc hội. Đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở, tính phù hợp cho kiến nghị với Quốc hội cho phép sử dụng cơ chế cấp phát toàn bộ đối với nguồn vốn vay ODA cho các địa phương phụ thuộc từ 90% ngân sách trung ương trở lên và áp dụng tỷ lệ cho vay lại 10% đối với các địa phương còn lại trong Chương trình.

Bên cạnh đó, Thường trực Hội đồng kiến nghị Chính phủ trong quý IV/2021 ban hành Quyết định đầu tư Chương trình, văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn, cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ trong năm 2021. Xây dựng văn bản hướng dẫn thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo giữa 03 chương trình mục tiêu quốc gia, giữa 10 dự án thành phần của Chương trình, cụ thể, dễ áp dụng, tổ chức thực hiện. Thống nhất, phân công nhiệm vụ rõ ràng, gắn trách nhiệm của bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan làm công tác dân tộc trong chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện Chương trình.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, hơn 1 năm qua, việc triển khai chương trình chỉ nằm trên đề án, tiến độ thực hiện chưa đạt yêu cầu. “Chính phủ cần kiểm điểm trách nhiệm nằm ở bộ, ngành nào; nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, không thể “dĩ hòa vi quý” khi người dân rất kỳ vọng vào chương trình này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị sớm kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình từ Trung ương đến địa phương. Trên cơ sở đó, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, giao trách nhiệm cho cơ quan chủ trì hoàn thành xây dựng văn bản.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, đôn đốc và ban hành sớm Quyết định đầu tư, các văn bản quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện Chương trình; xây dựng phương án, lộ trình, nhiệm vụ và giải pháp đầu tư thực hiện Chương trình hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2025; xác định những nhiệm vụ cần tập trung chỉ đạo, cần ưu tiên đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, cần nhìn nhận Chương trình này trong tổng thể các Chương trình mục tiêu quốc gia; mục tiêu là người dân thực sự được hưởng các quyền lợi từ Chương trình, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng và tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào các dân tộc để phát triển nhanh, bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đối với các kiến nghị của Ủy ban Dân tộc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Dân tộc phải có tờ trình cụ thể về các kiến nghị để gửi các bộ xem xét thẩm định, trình Chính phủ; nếu vượt thẩm quyền của Chính phủ thì trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.

Công tác dân tộc và chính sách dân tộc là quá trình thực hiện lâu dài, liên tục, kiên trì, phải có sự vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, phải chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội./.

Tin cùng chuyên mục
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ IV, năm 2024

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Thông tham dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ IV, năm 2024

Sau phiên trù bị, chiều ngày 03/10, tại Trung tâm hội nghị tỉnh, Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển bền vững”, chính thức được khai mạc. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Y Thông dự và phát biểu chỉ đạo tại Đại hội. Tham dự đại hội, có đại diện lãnh đạo Vụ công tác dân tộc địa phương (Bộ phận Cần Thơ), Văn phòng UBDT; ngoài ra có sự tham dự của các Ban Dân tộc các tỉnh bạn gồm: Bình Thuận, Đồng Nai và Bình Phước.