Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Phát triển BHXH tự nguyện: Nới chính sách để tăng diện “phủ sóng”

Sỹ Hào - 10:34, 17/06/2020

Mặc dù đã có chính sách hỗ trợ nhưng hiện nay, số lao động người DTTS ở các địa phương miền núi tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện còn rất hạn chế. Để mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân thì cũng cần nghiên cứu xem xét nới rộng quyền lợi cho người tham gia.

Tuyên truyền là giải pháp cần được chú trọng để nâng cao nhận thức của người dân tham gia BHYT tự nguyện. (Ảnh TL)
Tuyên truyền là giải pháp cần được chú trọng để nâng cao nhận thức của người dân tham gia BHYT tự nguyện. (Ảnh TL)

Khó đạt chỉ tiêu

Thời gian qua, cơ quan BHXH đã tích cực phối hợp với các cấp ngành tuyên truyền, vận động nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Nhờ đó, trong 10 năm, số lao động tham gia BHXH tự nguyện đã tăng từ hơn 6.000 người (năm 2008) lên thành 460.000 người (năm 2018), chiếm 0,9% lực lượng lao động trong độ tuổi.

Từ năm 2018, thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu nâng tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện lên trên 1% vào năm 2021 và lên 2,5% vào năm 2025.

Việc thực hiện chỉ tiêu này bước đầu khả quan khi kết thúc năm 2019, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện được nâng lên thành 573.000 người, chiếm 1,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Tuy nhiên, để đạt tỷ lệ 2,5% vào năm 2025 lại là nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Chỉ với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện đã giảm, ảnh hưởng đến kế hoạch thực hiện chỉ tiêu được giao. Theo số liệu của BHXH Việt Nam, tính đến ngày 31/5/2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 600.600 người, đạt 50% kế hoạch giao.

Đáng chú ý, có một số địa phương có số người tham gia BHXH tự nguyện giảm mạnh. Đơn cử, hết tháng 5/2020 so với cuối năm 2019, Bình Dương giảm 122.165 người, Đồng Nai giảm 55.257 người, Long An giảm 23.909 người, Ninh Bình giảm 10.995 người…

Đặc biệt, đối với các địa phương miền núi, do đời sống kinh tế của đại bộ phận người dân còn thấp đã ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Đơn cử tại Hà Giang, trong 10 năm (2008 - 2018), toàn tỉnh chỉ tăng hơn 1.000 lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Nới chính sách

Từ các số liệu nêu trên có thể thấy, số lượng người tham gia BHXH tự nguyện bắt đầu tăng mạnh từ năm 2018. Đó là nhờ Nhà nước triển khai chính sách hỗ trợ với các mức: 30% đối với người thuộc hộ nghèo; 25% đối với người thuộc hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác; khuyến khích các cơ quan, tổ chức và cá nhân hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện. Chỉ ngay trong năm đầu thực hiện hỗ trợ (năm 2018), số người tham gia phương thức BHXH này đã tăng nhanh chóng, đạt 460.000 người.

Thực tế cho thấy, dù BHXH tự nguyện rất có lợi cho người lao động, nhưng nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung chế độ chính sách vẫn chưa đủ sức hấp dẫn. Nhóm đối tượng tiềm năng của chính sách này lại thường có thu nhập không ổn định, nên không dễ đóng góp hằng tháng. Trong khi đó, mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện vẫn được xem là thấp.

Để tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện, nhiều chuyên gia cho rằng, thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ những lợi ích mà loại hình bảo hiểm này mang lại, từ đó tự giác, tích cực tham gia; giao chỉ tiêu phát triển cho các địa phương, có thể thiết kế các “gói” quyền lợi linh hoạt; có sự kết nối giữa BHXH tự nguyện và bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình để người dân thuận tiện khi tham gia.

Nhà nước cần nghiên cứu tăng mức hỗ trợ cho người tham gia trong giai đoạn đầu để “kích cầu”, mở rộng diện bao phủ BHXH tự nguyện, vì đây là giải pháp đã được chứng minh là hiệu quả khi triển khai chính sách BHYT, giúp Việt Nam tiến nhanh trong lộ trình thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân.