Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phát triển cây dược liệu dưới tán rừng Tây Trà

PV - 10:27, 03/05/2018

Với điều kiện tự nhiên đặc thù, huyện vùng cao Tây Trà (Quảng Ngãi) có được nguồn dược liệu đa dạng và nhiều loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế.

Tận dụng lợi thế này, huyện Tây Trà đã tiến hành hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình trồng cây dược liệu, cây bản địa với kỳ vọng sẽ giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.

Ông Hoàng Như Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Trà cho biết: Vùng rừng núi huyện Tây Trà có một số loài cây bản địa, cây dược liệu đang sinh trưởng, phát triển rất tốt, có giá trị kinh tế cao như: khổ sâm, thiên niên kiện, sâm cau, đinh lăng… Ngoài ra, những loại cây trồng bản địa “đặc sản” như gừng gió, ớt sim cũng đang được thị trường ưa chuộng, nếu khai thác tiềm năng, lợi thế này để phát triển sẽ mở ra hướng sản xuất mới, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo.

 Mô hình trồng cây dược liệu thiên niên kiện dưới tán rừng ở Trà Nham. Mô hình trồng cây dược liệu thiên niên kiện dưới tán rừng ở Trà Nham.

 

Thời gian qua, huyện Tây Trà đã triển khai vận động, hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình trồng cây bản địa và dược liệu. Chỉ tính riêng tại 3 xã Trà Xinh, Trà Quân, Trà Nham đã bố trí 300 triệu đồng từ nguồn vốn 30a để hỗ trợ các xã này thực hiện các mô hình trồng cây sâm cau, cây gấc, đinh lăng, khổ sâm, thiên niên kiện, gừng gió và cây ớt sim. Trong đó, tại xã Trà Quân, huyện hỗ trợ người dân trồng sâm cau và mô hình trồng gừng gió xen ớt xiêm; xã Trà Xinh trồng cây gấc xen cây đinh lăng và gừng gió; xã Trà Nham, trồng khổ sâm và cây thiên niên kiện.

Theo ông Hồ Văn Tình, một hộ dân trồng gừng gió ở xã Trà Lãnh cho biết: So với gừng dưới miền xuôi thì, “đặc sản” gừng gió người dân chúng tôi trồng ở đây có giá bán cao hơn nhiều lần. Hiện tại, gừng gió có giá trên 100 nghìn đồng/kg, nhưng không phải mua lúc nào cũng có. “Chỉ cần trồng một sào gừng gió, qua 6-7 tháng, người dân có thể thu lợi từ 7-8 triệu đồng”, ông Tình cho biết thêm.

Tại xã Trà Nham, mô hình trồng cây khổ sâm và cây thiên niên kiện dưới tán rừng cũng đã phát huy được hiệu quả, vừa mang lại thu nhập cho người dân, vừa bảo vệ rừng. Ông Hồ Văn Nhân, Chủ tịch UBND xã Trà Nham cho biết, lâu nay những loại cây dược liệu này mọc tự nhiên ở dưới tán rừng, được người dân khai thác về bán cho tư thương. Được sự hỗ trợ của huyện, bước đầu chúng tôi đã quy hoạch vùng trồng cây dược liệu và giao lại cho người dân tự chăm sóc bảo vệ. “Hiện mô hình này phát triển tương đối tốt, với giá bán hiện tại từ 15-20 ngàn đồng/kg, người dân có thu nhập ổn định. Đặc biệt, những cây này chỉ sống dưới tán rừng, vì thế muốn có dược liệu thì người dân phải bảo vệ rừng”.

Hiệu quả từ cây dược liệu và cây bản địa đã thấy rõ, nhưng vấn đề hiện nay là những loại cây này vẫn chưa phải là cây trồng sản xuất hàng hóa. Đầu ra chủ yếu đều do tư thương tự mua bán với số lượng ít. Thế nên, khi triển khai nhân rộng, mở rộng diện tích, thì câu chuyện đầu ra cho sản phẩm là vấn đề mà chính quyền địa phương cần phải quan tâm tính toán.

Cùng với đó, một trở ngại nữa là, các loại giống, cây trồng mà huyện Tây Trà đưa vào xây dựng các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn như: gừng gió, ớt sim, khổ sâm, sâm cau, thiên niên kiện là những cây trồng không có trong danh mục hỗ trợ cây giống theo Quyết định số 372 của UBND tỉnh.

“Để tháo gỡ khó khăn này, huyện Tây Trà cũng đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh Quyết định 372 của UBND tỉnh về bổ sung danh mục một số giống cây trồng và quy định mức kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên của huyện, cụ thể: cây khổ sâm, thiên niên kiện, sâm cau, cây đinh lăng, cây gừng gió...”, ông Hoàng Như Lâm, bày tỏ.

Việc lựa chọn và phát triển sản xuất loại cây trồng bản địa ở huyện miền núi Tây Trà là ý tưởng tốt, vừa khai thác tiềm năng tự nhiên, lao động địa phương, vừa giúp người dân có điều kiện vươn lên thoát nghèo và bảo vệ được rừng. Song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn trở ngại. Các ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cần có những cơ chế, chính sách phù hợp và sát thực tế, tạo nền móng vững chắc để những mô hình này mang lại hiệu quả thiết thực.

ĐẠT THÀNH NHÂN

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.