Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi: Hóa giải khó khăn từ các chính sách đồng bộ

Hoàng Anh - 09:06, 13/09/2021

Nhờ các chính sách hỗ trợ đặc thù mà những năm gần đây, chất lượng cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã có những khởi sắc rõ nét. Chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các chính sách hỗ trợ đã mang lại một diện mạo mới. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Lê Như Xuyên- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạ
Ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc (Bộ Giáo dục và Đào tạo).

PV: Xin ông chia sẻ những nét nổi bật trong phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thời gian vừa qua?

Ông Lê Như Xuyên: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và xã hội dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác giáo dục ở vùng DTTS và miền núi. Thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển, sự nghiệp GD&ĐT vùng DTTS, miền núi đã có những chuyển biến đáng kể: Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, bảo đảm đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ học sinh (HS) đến trường tăng cao, HS lưu ban, bỏ học ngày càng giảm, qua đó kết quả phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, phố cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS ngày càng được duy trì bền vững.

Hệ thống giáo dục chuyên biệt (Trường phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT), Trường phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT), trường dự bị đại học (DBĐH) ngày càng phát huy hiệu quả tích cực vào công tác tạo nguồn nhân lực có chất lượng. Chế độ cử tuyển đã góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người DTTS có trình độ ở địa phương. Các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định. Qua đó đã khuyến khích công tác dạy và học, tạo sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần phát triển KT-XH.

PV: Nhiều chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo được quan tâm thực hiện. Điều này tạo động lực cho thầy cô nơi đây thế nào, thưa ông?

Ông Lê Như Xuyên: Nhà giáo công tác tại vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, ngoài việc được hưởng các chính sách chung đối với nhà giáo theo quy định, còn được hưởng thêm các chính sách khác, như: Phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng,…

Chính sách hỗ trợ nhà giáo công tác ở vùng đặc biệt khó khăn là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm động viên, thu hút và tạo điều kiện cho nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đến công tác tại vùng đặc biệt khó khăn đóng góp công sức đối với sự nghiệp GD&ĐT.

Các chính sách hỗ trợ đã góp phần giảm bớt những khó khăn về vật chất, cải thiện được cuộc sống đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn; giúp nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục yên tâm công tác, gắn bó và tâm huyết với con em đồng bào DTTS, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Học sinh Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Ba Vì (Hà Nội) (Ảnh chụp thời điểm trước khi có dịch Covid-19)
Học sinh Trường Phổ thông dân tộc Nội trú Ba Vì (Hà Nội) (Ảnh chụp thời điểm trước khi có dịch Covid-19)

PV: Trong hệ thống các chủ trương, chính sách phát triển giáo dục vùng DTTS và miền núi thì việc thực hiện Nghị định 57/2017/NĐ-CP quy định chính sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên DTTS rất ít người đem lại những hiệu quả thế nào, thưa ông?

Ông Lê Như Xuyên: Thực hiện chính sách ưu tiên trong tuyển sinh DTTS rất ít người, rất nhiều trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên thuộc đối tượng này được ưu tiên vào học tại các cơ sở giáo dục phù hợp theo nguyện vọng. Trẻ mẫu giáo được học tại các trường mầm non; trường, lớp mẫu giáo công lập; HS tiểu học được học tại các trường PTDTBT, trường tiểu học; HS hoàn thành chương trình tiểu học được vào học tại các trường PTDTNT, PTDTBT, trường THCS; HS tốt nghiệp THCS được tuyển thẳng vào học tại các trường PTDTNT, trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp và trung cấp; học sinh tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng vào học tại các trường, khoa dự bị đại học, các cơ sở giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các địa phương, các cơ sở giáo dục đã thực hiện nghiêm túc quy định về ưu tiên trong tuyển sinh đối với các DTTS rất ít người trên địa bàn.

Về hỗ trợ chi phí học tập, riêng đối với trẻ em, học sinh, sinh viên 16 DTTS rất ít người, trong 3 năm học vừa qua (từ 2017-2020) đã có 15.384 lượt trẻ mầm non, 32.899 lượt học sinh các cấp học phổ thông, 236 học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng, trung cấp được hỗ trợ chi phí học tập…

PV: Để góp phần vào việc phát triển đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS, ngành Giáo dục có các chế độ ưu tiên thế nào với học sinh sau khi tốt nghiệp THPT được tiếp tục học lên đại học, cao đẳng, thưa ông?

Ông Lê Như Xuyên: Xác định nguồn nhân lực DTTS sẽ quyết định đến sự phát triển KT-XH của các địa phương, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ đối với học sinh, sinh viên người DTTS. Cụ thể như:

Tuyển thẳng vào đại học: Thí sinh là người DTTS rất ít người và thí sinh thuộc các huyện nghèo được xét tuyển thẳng vào học đại học, cao đẳng.

Cộng điểm ưu tiên trong tuyển sinh: Thí sinh là người DTTS ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn được hưởng ưu tiên theo đối tượng (nhóm ưu tiên 1) và ưu tiên theo khu vực khi dự thi vào trường đại học, cao đẳng theo Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy; thí sinh có hộ khẩu thường trú tại các địa phương thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ khi xét tuyển vào các cơ sở đại học đóng trên địa bàn thì được ưu tiên 1 điểm

Ưu tiên trong tổ chức đào tạo: Tổ chức bồi dưỡng bổ sung văn hóa 1 năm cho các sinh viên được xét tuyển thẳng vào đại học theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ và sinh viên cử tuyển theo Nghị định số 134/2006/NĐ-CP.

Chính sách cử tuyển: Cử tuyển là một trong nhiều giải pháp quan trọng có hiệu quả góp phần tăng cường đội ngũ cán bộ là người DTTS cho các tỉnh miền núi, vùng DTTS; là giải pháp mang tính phát triển bền vững nguồn nhân lực, cần thiết đối với các tỉnh có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Theo đó, từ năm 2006 đến nay, đã có hơn 20.000 học sinh, sinh viên DTTS được cử tuyển vào học các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp. Cơ bản đáp ứng nhu cầu về đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cho các địa phương vùng DTTS, miền núi.

Chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên hộ nghèo, cận nghèo ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn. Chính sách học bổng khuyến khích học tập cho sinh viên khá giỏi, xuất sắc; chính sách khen thưởng học sinh DTTS đoạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế… cũng đã góp phần phát triển đội ngũ trí thức, nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS và miền núi.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!