Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi: Cần quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của từng địa phương

Nhóm phóng viên (T/H) - 10:45, 08/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Đỗ Văn Chiến đã trình bày Tờ trình đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Tại kỳ họp tới đây, Quốc hội sẽ thảo luận, xem xét thông qua Chương trình này. Cử tri vùng đồng bào DTTS và miền núi kỳ vọng Chương trình sẽ được thông qua, đồng thời kiến nghị những vấn đề cụ thể liên quan đến phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Báo Dân tộc và Phát triển lược ghi một số ý kiến của các cử tri.

Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi: Cần quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của từng địa phương

Ông Danh Phúc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang: “Tăng mức đầu tư để phát triển các địa bàn ĐBKK”

Để tiếp tục thúc đẩy phát triển vùng đồng bào DTTS của tỉnh Kiên Giang nói riêng, cả nước nói chung, trong thời gian tới, đề nghị nâng mức kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), bãi ngang ven biển và xã, ấp ĐBKK Chương trình 135 từ 1 tỷ đồng/xã/năm lên 2 tỷ đồng/xã/năm, 200 triệu đồng ấp/năm lên 400 triệu đồng ấp/năm để đáp ứng yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt và phục vụ dân sinh cho các địa phương này.

Trong việc thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ-CP ngày 18/7/2016 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn ĐBKK, đề nghị nên thực hiện cấp kinh phí để địa phương cấp lại cho học sinh hằng tháng bằng tiền, không thực hiện phương thức hỗ trợ gạo như hiện nay sẽ tiết kiệm được khâu vận chuyển, bảo quản cũng như bố trí cấp phát cho học sinh.

Chúng tôi cũng kiến nghị bộ, ngành Trung ương khi ban hành văn bản hướng dẫn cho địa phương phải có sự đồng bộ, kịp thời, đầy đủ để làm cơ sở cho địa phương thực hiện. Kiến nghị Trung ương tiếp tục hoàn thiện cơ chế chỉ đạo, điều hành và phối hợp bộ, ngành bảo đảm thống nhất và đồng bộ hơn nữa.

Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi: Cần quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của từng địa phương 1

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Bát Xát (Lào Cai): Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới

Mặc dù cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn huyện đã có bước phát triển, nhưng đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn nên việc quan tâm, chăm lo học hành cho con em mình cũng còn hạn chế. Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng các phòng học chức năng, bộ môn, trang thiết bị dạy học để chuẩn bị đầy đủ các điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn huyện Bát Xát có nhiều trường mặc dù có học sinh bán trú nhưng lại chưa được công nhận là trường bán trú, đề nghị Nhà nước có chính sách đối với đội ngũ giáo viên công tác tại đây. Bởi vì công việc của các thầy, cô giáo ở đây giống như đối với các trường phổ thông dân tộc bán trú, nhưng lại không được hưởng phụ cấp (0,3 mức lương cơ bản) như các trường bán trú. Ngoài ra, trong thực hiện chính sách này của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như của tỉnh Lào Cai yêu cầu huy động trẻ dưới 3 tuổi ra lớp, nhưng hiện nay lại không có chế độ ăn trưa cho các cháu. Đề nghị cần hỗ trợ chế độ ăn trưa giống như đối với trẻ 3, 4, 5 tuổi như đang thực hiện.

Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi: Cần quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của từng địa phương 2

Ông Lăng Văn Hà, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội): Khó khăn vì thiếu đất sản xuất

Ba Vì là xã miền núi của TP. Hà Nội, chiếm tới 98% là đồng bào dân tộc Dao với 525 hộ, 2.337 nhân khẩu, nhưng cả xã lại chỉ có 378ha diện tích đất canh tác. Trong khi đó, từ bao đời nay đồng bào dân tộc Dao sinh sống và gắn bó với nghề thuốc Nam truyền thống nhưng vì thiếu đất sản xuất không trồng được nguyên liệu nên việc phát triển ngành nghề thuốc Nam của xã chưa bền vững. Thậm chí, để chế biến được thuốc Nam, người dân đã phải đi thu mua nguyên liệu từ các tỉnh khác về chế biến với mức giá cao… Thiếu đất sản xuất cũng là một rào cản trong lộ trình giảm nghèo của xã Ba Vì, khi hết năm 2019, toàn xã vẫn còn 39 hộ nghèo, chiếm 7,47%.

Hiện cấp ủy, chính quyền địa phương cũng đang rất trăn trở làm sao để dân có đất vừa phát triển kinh tế vừa trồng, bảo tồn và phát triển thuốc Nam. Để giải quyết được khó khăn này, người dân và chính quyền địa phương chúng tôi kỳ vọng Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan từ huyện, thành phố đến Trung ương tạo điều kiện để xã Ba Vì canh tác trồng thuốc Nam trên diện tích từ cốt 100 - 400 của Vườn quốc gia Ba Vì, để vừa giữ được màu xanh của Vườn quốc gia vừa giúp dân phát triển nghề thuốc Nam và có nguồn thu nhập ổn định.

Phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi: Cần quan tâm giải quyết những vấn đề bức thiết nhất của từng địa phương 3

Anh Diệp Hà Công, Bí thư Huyện đoàn Mai Châu (Hòa Bình): Quan tâm hỗ trợ thanh niên DTTS khởi nghiệp

Hiện nay, vấn đề cần thiết nhất đối với thanh niên nói chung, thanh niên DTTS nói riêng là việc làm, thu nhập. Việc hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tại vùng đồng bào DTTS hiện nay có nhiều thuận lợi, như: Vùng đồng bào DTTS giàu tiềm năng về bản sắc văn hóa, là nền tảng, thế mạnh cho thanh niên được khai thác, kinh doanh về du lịch, về sản xuất nông sản, dược liệu...

Chính phủ, các cấp, ngành cần có chính sách hỗ trợ đặc thù theo từng địa phương, để chính sách hỗ trợ khởi nghiệp thực sự trở thành nguồn lực và động cơ thúc phát triển KT-XH ở vùng đồng bào DTTS. Bởi khởi nghiệp đối với vùng đồng bào DTTS bên cạnh việc tạo việc làm, giảm nghèo và phát triển KT-XH, còn gắn với mục tiêu bảo tồn sự đa dạng văn hóa, khơi dậy sự tự tin, hòa nhập của thanh niên vùng DTTS…