Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Phát triển thương mại khu vực biên giới: Cần gỡ nhiều “nút thắt”

PV - 10:33, 19/04/2019

Việc hoàn thành phân định cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với Trung Quốc, Lào và Campuchia đã tạo điều kiện để các địa phương có cửa khẩu phát triển kinh tế mậu biên. Tuy nhiên, hoạt động thương mại khu vực biên giới vẫn chưa thực sự khởi sắc bởi còn nhiều rào cản.

“Nút thắt” cơ sở hạ tầng

Cao Bằng là một trong những tỉnh miền núi phía Bắc có đường biên giới với nước bạn Trung Quốc. Ngoài 1 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu chính thì trên tuyến biên giới của tỉnh Cao Bằng còn có 3 cửa khẩu phụ, 9 lối mở và điểm thông quan hàng hóa. Có một thực tế là, hoạt động thương mại biên giới ở một số lối mở dường như sôi động hơn ở một số cửa khẩu phụ.

 Kho bãi của cửa khẩu Lý Vạn tận dụng từ mặt bằng của xóm Lập nghiệp Lý Quốc. (Ảnh chụp ngày 16/3/2019) Kho bãi của cửa khẩu Lý Vạn tận dụng từ mặt bằng của xóm Lập nghiệp Lý Quốc. (Ảnh chụp ngày 16/3/2019)

Như cửa khẩu Lý Vạn (thuộc xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang), một trong 3 cửa khẩu phụ của tỉnh Cao Bằng. Theo báo cáo của Ban quản lý cửa khẩu Lý Vạn tại “Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2019”, năm 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu Lý Vạn đạt hơn 7,9 triệu USD.

Trong khi đó, tại lối mở Nà Lạn (thuộc xã Đức Long, huyện Thạch An), hoạt động thương mại biên giới lại diễn ra có phần sôi động hơn. Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XNK hàng hóa qua Nà Lạn đạt gần 36 triệu USD.

Vì sao có sự chênh lệch này khi mà xã biên giới Đức Long chỉ có lối mở Nà Lạn, còn Lý Quốc có hẳn cửa khẩu phụ là Lý Vạn? Có “tận mục sở thị” tại cửa khẩu Lý Vạn thì mới rõ có thể lý giải được điều này.

Là một trong 3 cửa khẩu phụ của tỉnh Cao Bằng nhưng cơ sở hạ tầng của Lý Vạn hiện rất hạn chế. Từ xã Đàm Thủy (huyện Trùng Khánh) lên cửa khẩu Lý Vạn chưa dầy 20km nhưng tuyến đường rất gồ ghề. Ngày nắng, phương tiện qua lại cũng phải mất gần 90 phút; còn ngày mưa thì lâu hơn gấp nhiều lần, thậm chí lưu thông ách tắc.

Đó là chưa kể, hạ tầng kho bãi ở cửa khẩu Lý Vạn còn rất tạm bợ. Một trong những kho bãi chính của cửa khẩu Lý Vạn là mặt bằng của xóm Lập nghiệp Lý Quốc. Đây là diện tích đất được san ủi, quy hoạch xây dựng Làng Thanh niên lập nghiệp Lý Quốc từ năm 2009.

Còn với lối mở Nà Lạn, từ năm 2013, tỉnh Cao Bằng đã đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng phục vụ XNK hàng hóa, phát triển thương mại biên giới. Đó là đường trục chính xã Đức Long hoàn thành năm 2013 (tổng mức đầu tư hơn 41 tỷ đồng); là tuyến đường thị trấn Đông Khê-lối mở Nà Lạn, hoàn thành năm 2015 (tổng mức đầu tư hơn 117 tỷ đồng); hệ thống kho bãi, điện lưới cũng được đầu tư đồng bộ,… Hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi nên hoạt động XNK hàng hóa qua lối mở Nà Lạn diễn ra khá sôi động.

Rào cản từ chính sách

Từ thực tế ở cửa khẩu Lý Vạn và lối mở Nà Lạn của tỉnh Cao Bằng để thấy rằng, cơ sở hạ tầng là nền tảng để thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển. Nhưng đây mới chỉ là “điều kiện cần”, bởi để phát triển thương mại biên giới thì “điều kiện đủ” vẫn là một cơ chế, chính sách phù hợp.

Trở lại thực tế của lối mở Nà Lạn của xã Đức Long để thấy, từ năm 2013, lối mở này được tỉnh Cao Bằng đầu tư hàng loạt công trình hạ tầng thiết yếu để phục vụ hoạt động thương mại mậu biên. Nhưng sẽ không có những công trình này nếu như không có Công văn 748/TTg-KTTH, ngày 27/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đồng ý cho thí điểm thực hiện một số cơ chế chính sách XNK, tạm nhập tái xuất tại lối mở Nà Lạn.

Những cơ chế, chính sách đặc thù dành cho lối mở Nà Lạn có hiệu lực đến hết năm 2015. Trong thời gian từ 2013-2015, tỉnh Cao Bằng đã tập trung nguồn lực để đầu tư cho Nà Lạn theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Còn cửa khẩu Lý Vạn cũng như nhiều cửa khẩu, lối mở khác trên cả nước chưa có những cơ chế, chính sách đặc thù. Việc quản lý, điều hành ở nhiều cửa khẩu, lối mở hiện chủ yếu vẫn thực hiện theo cơ chế chính sách chung về XNK.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, Việt Nam có chung đường biên giới đất liền với ba nước Trung Quốc, Lào và Campuchia dài khoảng 4.600km. Trên toàn tuyến hiện có 23 cửa khẩu quốc tế, 27 cửa khẩu chính, 65 cửa khẩu phụ, 21 lối mở và nhiều đường qua lại đang có hoạt động thương mại, đầu tư.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có chính sách cụ thể về xuất khẩu hàng hóa phù hợp với từng cửa khẩu và khu vực biên giới. Ngoài ra, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về thủ tục xuất khẩu hàng hóa thương mại biên giới với hoạt động thương mại thông thường; nhất là quy định về XNK qua đường tiểu ngạch, cho nên chưa khai thác được lợi thế để tăng kim ngạch xuất khẩu của nước ta.

Đây rõ ràng là những rào cản trên phương diện cơ chế chính sách khiến cho hoạt động thương mại biên giới chưa thật sự khởi sắc. Trong khi đó, chính sách thương mại các nước láng giềng nhiều lúc thay đổi nên hoạt động XNK, trao đổi hàng hóa bị ảnh hưởng. Theo các chuyên gia thương mại, việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển hoạt động thương mại biên giới là hết sức cần thiết, qua đó góp phần khuyến khích, thu hút được các doanh nghiệp, các hộ gia đình, những thương nhân và cư dân trong khu vực biên giới tham gia vào hoạt động thương mại tại địa phương.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Nhiều họat động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhiều họat động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), tại tỉnh Điện Biên và TP. Hà Nội diễn ra nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm tuyên truyền sâu rộng trong toàn Đảng bộ, các tầng lớp Nhân dân, lực lượng vũ trang và thế hệ trẻ về ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ.