Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển vùng DTTS dưới góc nhìn của các chuyên gia

PV - 10:52, 21/12/2018

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới nằm trong khuôn khổ hợp tác lâu dài giữa Ủy ban Dân tộc, WB và Chính phủ Úc, với mong muốn đưa ra bằng chứng và những luận cứ thuyết phục về khoảng cách giữa các nhóm DTTS tại Việt Nam. Cung cấp đầu vào cho đối thoại chính sách và hoạch định các can thiệp.

phát triển DTTS Cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS (Trong ảnh: Chợ phiên vùng cao Hà Giang).

Nghiên cứu chỉ ra chỉ số HDI: (thu nhập+tuổi thọ+giáo dục) được coi là 3 chiều quan trọng nhất của mức sống. Chỉ số nghèo đa chiều MPI: theo chuẩn nghèo đa chiều của Việt Nam gồm: thu nhập+tiếp cận dịch vụ công (5 dịch vụ công gồm y tế, giáo dục, nước sạch và vệ sinh, nhà ở, tiếp cận thông tin). Mỗi chỉ số có đặc điểm riêng, sử dụng cả hai chỉ số này để “bổ trợ”. Nghiên cứu lựa chọn các dân tộc đại diện cho các vùng, miền trên cả nước.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, theo chỉ số HDI, các nhóm dẫn đầu là Hoa, Tày, Sán Dìu, Mường, Giáy, Nùng… Các nhóm có HDI thấp hơn gồm: Mông, Ralai, Khơ-mú, Xinh Mun, Xtiêng… Theo chỉ số MPI, nhóm có tỷ lệ nghèo thấp nhất: Hoa, Chơ-ro, Sán Dìu, Khmer, Chăm, Mường… Nhóm có tỷ lệ nghèo cao nhất: Khơ-mú, Bru Vân Kiều, Mông, Xinh Mun, Cor, Xơ-đăng… Kết quả lựa chọn (dựa trên kết quả từ HDI, MPI và tham vấn): Nhóm thành công nhất: Sán Dìu, Mường… Nhóm “cận thành công” là Khmer. Nhóm chưa thành công là: Mông, Khơ-mú... Nhóm cận tụt hậu nhất là Xơ-đăng…

Tiến sĩ Nguyễn Thu Hương, chuyên gia WB cho biết: Các nhóm thành công có kết nối hạ tầng tốt hơn. Các nhóm thành công đều có kết nối kinh tế tốt hơn (hoặc gần các khu kinh tế, khu công nghiệp; hoặc kết nối qua các mạng lưới xã hội), nhiều cơ hội tiếp cận thị trường lao động phi nông nghiệp. Sở hữu đất canh tác, đất sản xuất chất lượng tốt, thích hợp với nhiều cây có giá trị cao là điều kiện quan trọng để các nhóm thành công. Các nhóm tụt hậu thường gặp khó khăn, thiếu đất sản xuất màu mỡ.

Bên cạnh đó, chính sách tái định canh, định cư đưa đến không ít trải nghiệm khó khăn về sinh kế với các nhóm tụt hậu. Với các nhóm thành công thì thiếu sức lao động (do ốm đau, do nhà ít người) trở thành 1 nguyên nhân chính của nghèo “kinh niên” và cần phải có chính sách bảo trợ xã hội phù hợp (thay vì chính sách giảm nghèo).

Nghiên cứu cũng chỉ ra, rủi ro biến động giá cả thị trường xảy ra với tất cả các nhóm. Rủi ro thiên tai, xảy ra với tất cả các nhóm, nhưng với nhóm tụt hậu, thì nguy cơ và tần suất rủi ro thiên tai cao hơn, nhiều hơn. Khả năng ứng phó là điểm khác biệt giữa nhóm thành công và chưa thành công. Tình trạng lệ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên như một chiến lược sinh kế chính, càng tăng tính rủi ro đối với các nhóm chưa thành công. Cơ hội và kết nối thị trường, tham gia vào các cơ hội thị trường, sản xuất hàng hóa, chuỗi giá trị tạo thu nhập là một yếu tố căn bản dẫn đến thành công. Các nhóm thành công, nhờ kết nối tốt hơn, nên dễ tiếp cận với cơ hội việc làm tại các nhà máy lân cận hoặc tỉnh khác. Các nhóm chưa thành công cũng có cơ hội việc làm, nhưng thường là những công việc được trả lương thấp hơn, rất nhiều trong số đó là việc làm phi chính thức, vượt qua biên giới tìm công việc thời vụ.

Có thể thấy, nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS được đặt ra, vì vậy, thời gian tới việc tiếp cận chính sách cần có sự điều chỉnh. Tiến sĩ Phạm Thái Hưng, chuyên gia WB cho rằng, vấn đề giảm nghèo cho DTTS tiếp tục là ưu tiên trọng tâm trong nghị trình giảm nghèo của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Cần có kết nối với các đầu tư quốc gia về hạ tầng cơ sở để tăng cường kết nối kinh tế.

Ngay cả giai đoạn 2016-2020 hiện nay, thì chủ trương này, cũng chưa được thể hiện bằng thay đổi trong phân bổ ngân sách. Cần tính đến tiếp cận thị trường lao động trong chính sách giảm nghèo. Đảm bảo thực hiện lồng ghép giới một cách có thực chất xuyên suốt quá trình thiết kế, xây dựng chính sách. Giải quyết các vấn đề về chức năng, nhiệm vụ, phối hợp liên bộ ngành. Sắp xếp và tái định hình hệ thống các chính sách về DTTS để hạn chế tình trạng phân mảnh (Ủy ban Dân tộc quản lý một số ít, các chính sách khác ở nhiều bộ, ngành).

Đồng thời, cần đề cao vai trò, tiếng nói tham gia và triển khai thực hiện chương trình, chính sách của các chức sắc đại diện cho các thiết chế truyền thống phù hợp với thực tiễn địa phương. Tăng cường nâng cao năng lực cho cán bộ và cộng đồng. Tập trung tăng cường khả năng ứng phó, chống chịu của cộng đồng trước các biến động thị trường, diễn biến thời tiết khắc nghiệt và thiên tai. Đảm bảo và chú trọng tính hòa nhập xã hội cho các nhóm yếu thế trong cộng đồng DTTS nhằm tạo điều kiện, huy động để họ trở thành các nhân tố tạo sự thay đổi tích cực trong cộng đồng…

HƯƠNG TRÀ