Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Gia Lai: Bảo vệ rừng cây Kơ nia cổ thụ độc nhất vô nhị ở đồng bằng

T.Nhân - 3 giờ trước

Tại thôn Hoà Mỹ, phường Bình Định (Gia Lai), trước đây thuộc xã Nhơn Phúc có một cụm rừng cây Kơ nia, tuổi đời hàng trăm năm, được người dân xem như “báu vật” và bảo vệ nghiêm ngặt qua nhiều thế hệ. Địa phương cũng đang lập hồ sơ đề nghị công nhận rừng Kơ nia này thành rừng cây di sản Việt Nam.

Bóng cây Kơ nia giữa đồng bằng

Cây Kơ nia có nguồn gốc ở châu Phi và Đông Nam Á. Ở nước ta, cây Kơ nia phân bố chủ yếu ở các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, với người đồng bào Tây nguyên, loài cây này mang ý nghĩa tâm linh rất lớn. Họ coi loài cây này là nơi trú ngụ của thần thánh, vong linh những người đã khuất nên rất ít khi họ chặt phá.

Những cây Kơ nia cổ thụ che bóng mát cả một vùng
Những cây Kơ nia cổ thụ che bóng mát cả một vùng

Tại đồng bằng, dường như hiếm gặp loài cây này. Thế nhưng, không biết do đâu, tại thôn Hòa Mỹ, phường Bình Định lại có cây Kơ nia, mọc thành rừng và đã tồn tại hàng trăm năm qua. Ông Nguyễn Văn Cửu, một cao niên trong thôn cho biết, rừng Kơ nia có từ rất lâu, khi còn nhỏ đã thấy rừng Kơ nia cao lớn, ở địa phương, người dân thường gọi là cây cầy.

Cũng theo ông Cửu, ngày xưa, rừng Kơ nia có tới cả trăm cây lớn nhỏ. Có những cây cao tới hàng chục mét, hướng thẳng ánh mặt trời mà vươn lên, đường kính một số gốc khá “khủng”, phải 2-3 người ôm mới xuể. 

“Mỗi độ cây Kơ nia cho quả, bọn trẻ chúng tôi thường rủ nhau trèo lên trên ngọn hái những quả chín có màu vàng tươi rồi dùng lực đập thật mạnh lấy phần nhân bên trong ăn. Nhân có vị bùi, béo như hạt điều, hạt mắc ca nhưng không ngấy. Ai lớn tuổi hơn thì dạo quanh gốc, nhặt những hạt rụng xuống đất đem về chôn trong vườn nhà cho tróc hết phần vỏ, lấy hạt rửa phơi khô dùng dần”, ông Cửu chia sẻ thêm.

Cây Kơ nia cổ thụ 2 vòng tay người ôm
Cây Kơ nia cổ thụ 2 vòng tay người ôm

Còn ông Trương Đình Vọng, cho hay: Trải qua thời gian, sự tàn phá của thiên tai, nhân tai, số lượng cây Kơ nia bị cũng giảm sút đáng kể. Qua thống kê, hiện nay chỉ còn khoảng hơn 30 cây. Điều đó khiến những người ở đây rất tiếc nuối.

Xây dựng hồ sơ công nhận rừng cây di sản

Toàn thôn Hòa Mỹ có 3 khu vực có cây Kơ nia mọc. Tuy nhiên, nhiều nhất phải kể đến khu vực nhà văn hóa thôn (trước đây là khu đình làng). Người dân thôn Hòa Mỹ ai cũng có ý thức và trách nhiệm bảo vệ rừng cây.

Một cây Kơ nia cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm tại thôn Hoà Mỹ
Một cây Kơ nia cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm tại thôn Hoà Mỹ

Dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh những gốc cây Kơ nia, ông Phan Văn Thiệt, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Hòa Mỹ, chia sẻ: Hiếm có nơi nào ở đồng bằng mà có rừng cây Kơ nia như thế này nên nó đã trở thành “độc nhất vô nhị”, người dân trong thôn quyết tâm bảo vệ, không cho bất kỳ ai xâm hại đến.

“Để bảo vệ, giữ gìn rừng cây Kơ nia, Ban dân chính thôn Hòa Mỹ và các cụ cao niên trong thôn thường xuyên nhắc nhở người dân địa phương không được chặt cây lấy gỗ. Một quy tắc “bất thành văn” được lập ra là ai chặt phá cây sẽ bị bêu tên, kiểm điểm trong các cuộc họp thôn, xóm. Hầu hết người dân trong thôn đều tự giác chấp hành, bởi họ không muốn phá vỡ quy tắc”, ông Thiệt cho biết thêm.

Người dân thôn Hoà Mỹ xem những cây Kơ nia cổ thụ là một phần lịch sử của thôn và cùng nhau bảo vệ như là "báu vật"
Người dân thôn Hoà Mỹ xem những cây Kơ nia cổ thụ là một phần lịch sử của thôn và cùng nhau bảo vệ như là "báu vật"

Theo lãnh đạo phường Bình Định, người dân địa phương là “chủ thể” trong việc khoanh vùng, bảo vệ, bảo tồn, chăm sóc và phát huy giá trị của rừng cây Kơ nia. Địa phương cũng tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu và tích cực bảo vệ “lá phổi xanh” của thôn Hòa Mỹ. 

Chính quyền địa phương đã chỉ đạo Ban dân chính thôn Hòa Mỹ thành lập tổ tự quản để có những biện pháp chăm sóc, theo dõi rừng Kơ nia tốt hơn trong thời gian tới. Về lâu dài, địa phương sẽ lập hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng công nhận rừng Kơ nia là rừng cây di sản Việt Nam. Đặc biệt, trên địa bàn phường Bình Định có nhiều làng nghề truyền thống nên địa phương sẽ định hướng phát triển loại hình du lịch cộng đồng thăm quan các làng nghề và rừng rừng cây Kơ nia để phát huy giá trị của rừng cây và tăng thu nhập cho người dân.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Hai xe tải tông nhau, tài xế kẹt trong ca bin

Quảng Ngãi: Hai xe tải tông nhau, tài xế kẹt trong ca bin

Trên tuyến tỉnh lộ 675, đoạn qua xã Ngọk Bay, tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe tải, tài xế kẹt trong ca bin. Lực lượng chức năng phải cạy cửa, đưa nạn nhân đi cấp cứu.