Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Phó Chủ tịch nước dâng hương tại Nhà lưu niệm Bác Hồ và Đại tướng Lê Đức Anh

PV - 15:07, 03/08/2022

Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế, sáng 3/8, đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước dẫn đầu Đoàn công tác đến thăm, dâng hương tại di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại số 112, đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan, TP Huế
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến thăm Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan, TP Huế

Cùng đi với Phó Chủ tịch nước có lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước; lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh cùng các bộ, ban, ngành liên quan của Trung ương và tại Thừa Thiên Huế.

Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngôi nhà Bác Hồ đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ I (từ 1895-1901). Nơi đây đã lưu giữ nhiều kỷ niệm thủa thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo cán bộ thuyết minh tại nhà lưu niệm, năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào Huế thi Hội nhưng không đỗ. Để chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo, ông xin vào học Trường Quốc Tử Giám - Huế và được chấp nhận. Tuy nhiên, học bổng của trường rất ít, không đủ để ông sống tại đất kinh đô, vì vậy, ông về quê bàn với gia đình đưa vợ con vào Huế để gia đình có điều kiện giúp đỡ ông học hành và nuôi dạy các con. Đến Huế, nhờ người quen giới thiệu, ông Nguyễn Sinh Sắc đã thuê được một gian nhà nhỏ.

Ngôi nhà này đã lưu giữ nhiều kỷ niệm lúc thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứng kiến những năm tháng miệt mài đèn sách, khổ công học hành của ông Nguyễn Sinh Sắc, sự trung hậu, đảm đang của bà Hoàng Thị Loan, chứng kiến sự lớn lên và trưởng thành của hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Đặc biệt, ngôi nhà này là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ 4 là Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà Hoàng Thị Loan đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901).

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại 112 Mai Thúc Loan là một ngôi nhà gỗ rộng 3 gian, gồm 4 vài cột, kiến trúc theo kiểu nhà rường truyền thống của Huế, mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ, mặt trước là hệ thống cửa bản khoa “thượng song, hạ đố”, nối với nhà chính là nhà bếp, vách trát đất, mái lợp tranh. Ngôi nhà nằm trong một tổng thể nhà - sân - vườn hoàn chỉnh, được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1993.

Tại đây, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các thành viên trong Đoàn đã dâng hương, tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, Phó Chủ tịch nước dặn dò cán bộ, nhân viên Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên Huế cần giữ gìn, phát huy di tích, biến nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, tất cả chúng ta nguyện đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã vạch ra, sống, lao động học tập và rèn luyện để thực hiện thật tốt Di chúc vĩ đại của Bác Hồ. Phó Chủ tịch nước mong Bảo tàng Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên Huế giữ gìn di sản quý báu này để giáo dục cho lớp lớp thanh niên, thiếu niên và mọi người khi tham quan ngôi nhà này.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dâng hương tại Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: VPCTN
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dâng hương tại Nhà Văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh. Ảnh: VPCTN

* Sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đến đến dâng hương tại Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh (ở làng Bàn Môn, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, quê nhà của Đại tướng).

Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh có tổng diện tích khoảng 4.000m2, gồm nhiều hạng mục như: Nhà lưu niệm, thư viện, sân, vườn với hệ thống cây xanh và đèn chiếu sáng. Bên trong khuôn viên Nhà văn hóa có biểu tượng cột mốc chủ quyền của Việt Nam được dựng lại theo mẫu cột mốc tại Trường Sa năm 1988. Nhà lưu niệm có đặt bức tượng đồng chân dung nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.

Đặc biệt, thư viện có hơn 3.000 đầu sách, đầy đủ các thể loại cùng nhiều hình ảnh, tư liệu về Đại tướng. Tỉnh Thừa Thiên Huế và huyện Phú Lộc đã và đang xây dựng đề án tôn tạo Nhà văn hóa Đại tướng Lê Đức Anh tại xã Lộc An, nhằm phát huy giá trị của điểm đến văn hóa, “địa chỉ đỏ” giáo dục tinh thần cách mạng, tình yêu quê hương đất nước trong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Tại đây, Phó Chủ tịch nước và các thành viên trong Đoàn cùng lãnh đạo huyện Phú Lộc đã thành kính dâng hương tưởng niệm, tri ân nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Các đại biểu đã khắc ghi những cống hiến to lớn của Đại tướng Lê Đức Anh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, tài năng, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, ở đâu và trong bất cứ hoàn cảnh nào đồng chí Lê Đức Anh cũng tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng của Đảng là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn.

Trước anh linh của Đại tướng Lê Đức Anh, Đoàn công tác và các đại biểu cũng bày tỏ lòng thành kính và biết ơn sâu sắc, tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh; đồng thời, nguyện sẽ học tập và rèn luyện, tiếp nối sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đại tướng Lê Đức Anh và các đồng chí lãnh đạo tiền bối của Đảng, Nhà nước, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Phó Chủ tịch nước tặng 200 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VPCTN
Phó Chủ tịch nước tặng 200 triệu đồng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: VPCTN

Dịp này, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã trao tặng cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế 200 triệu đồng nhằm hỗ trợ, tặng quà, chăm sóc cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.