Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Phó Thủ tướng: Cần cơ chế đột phá để bảo đảm không thiếu điện

PV - 17:51, 12/07/2018

Phát biểu tại cuộc làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Bộ Công Thương sáng 11/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định nếu không có các cơ chế, chính sách mang tính đột phá, sẽ không thể bảo đảm cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống của người dân.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã báo cáo thêm về một số nhiệm vụ của Bộ Công Thương cũng như tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ trong lĩnh vực công thương.

Theo Phó Thủ tướng, Bộ Công Thương có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra các sản phẩm chủ yếu của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và quốc tế, do đó là nhân tố quyết định phát triển kinh tế-xã hội. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Bộ Công Thương đã có rất nhiều nỗ lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

điện Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Trước hết, Bộ đã đóng vai trò chính trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nếu không thực hiện tốt, đã không có tăng trưởng kinh tế, cải thiện đời sống người dân như thời gian qua”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

“Tuy nhiên, yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt là điện, hiện đang rất bức thiết, trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư, cơ chế chính sách, các yêu cầu bảo vệ môi trường đang là thách thức rất lớn”, Phó Thủ tướng nói.

Theo Phó Thủ tướng, năm nay có khoảng 45.000 MW nguồn điện, đến năm 2020, dự kiến phải có khoảng 60.000-65.000 MW, năm 2015 là 90.000 MW, 2030 là 129.000 MW. Trong khi đó, nhiều dự án hiện đang rất chận so với tiến độ.

“Hiện nay chúng ta đang đủ điện, nhưng trong vài năm tới, khả năng thiếu điện là hiện hữu. Thiếu điện không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của ngành điện, mà sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của nền kinh tế, đời sống của người dân”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Do đó, cần rà soát, hoàn thiện, cập nhật, bổ sung các quy hoạch phát triển năng lượng, trong đó có Quy hoạch điện 7 hiện đã được điều chỉnh nhưng còn rất lạc hậu so với thực tế hiện nay. Cùng với đó, cần rà soát, lập các quy hoạch “nhánh” như quy hoạch điện mặt trời, điện gió…, các quy hoạch phát triển năng lượng khác. Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó chú ý lựa chọn các dự án ưu tiên để huy động nguồn vốn đầu tư.

Cùng với đó, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tập trung xây dựng chính sách, pháp luật để huy động vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực phát triển nguồn điện, bởi nếu không có cơ chế phù hợp thì không thể huy động được vì liên quan đến bảo lãnh Chính phủ, bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ…

Trong thời gian trước mắt, cần tập trung đẩy nhanh các dự án điện đang triển khai nhưng bị chậm tiến độ; phát triển mạnh các nguồn điện tái tạo, trong đó có thủy điện; đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm mua được điện từ Lào.

Trước đó, phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong 15 năm tới, mỗi năm phải bổ sung thêm công suất mới từ 5.000-7.000 MWh. Đầu tư riêng cho điện khoảng trên 10 tỷ USD mỗi năm, chưa kể hệ thống truyền tải, phân phối… gây ra thách thức rất lớn trong bối cảnh năng lực chung của ngành năng lượng với tập đoàn than, dầu khí, điện, còn rất hạn chế, thu hút đầu tư nước ngoài còn khó khăn.

Đến thời điểm hiện nay, mới có 4 nhà máy điện do đối tác nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT đi vào sản xuất, còn 4 dự án khác đang đàm phán và không đạt tiến độ trong tổng sơ đồ phát triển ngành điện, kéo theo nguy cơ thời gian giai đoạn 2021-2025 sẽ rất khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng đủ điện.

Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Việt Nam hiện đã phải nhập khẩu than, điện từ nước ngoài. Trong khi đó, việc sử dụng năng lượng lại không tiết kiệm, chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là phát triển năng lượng xanh, trong khi khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, điều này gây ra sức ép rất lớn cho ngành năng lượng.

“Khác với các dự án khác, năng lượng là ngành quy mô dự án rất lớn, thời gian thi công dài và phức tạp, trong khi đó, nhà đầu tư trong nước năng lực hạn chế. Trong thời gian tới, ngành năng lượng rất cần có cơ chế chính sách mang tính đột phá để có thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.

điện Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Rà soát từng sản phẩm trọng yếu để bảo đảm tăng trưởng

Về các nhiệm vụ mà ngành công thương cần tập trung triển khai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước mắt, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ KH&ĐT, các bộ quản lý kinh tế ngành và các địa phương theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thị trường để kịp thời tháo gỡ khó khăn, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng năm 2018 khoảng 6,7%.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phải chủ trì đánh giá toàn diện tác động chính sách bảo hộ mậu dịch của các nước đến kinh tế Việt Nam để đề ra biện pháp ứng phó, bảo vệ sản xuất trong nước.

Đối với các nhiệm vụ trung và dài hạn, Chính phủ và Bộ Công Thương sẽ tập trung tiếp tục tái cơ cấu các ngành, lĩnh vực, sản phẩm do Bộ Công Thương quản lý nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, chi phí hợp lý, tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường gắn với bảo vệ môi trường.

Tiếp tục tái cấu trúc các doanh nghiệp nói chung, trọng tâm là các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp đang thua lỗ, thất thoát, trong đó có 12 dự án đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở tái cấu trúc, sẽ thực hiện rà soát, bổ sung, lập mới các quy hoạch.

Bộ Công Thương cũng cần tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển hơn nữa các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, ô tô… và các ngành công nghiệp hỗ trợ.

“Trên cơ sở các chính sách hiện có, cần xây dựng thêm chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hướng lấy thị trường khu vực và quốc tế làm mục tiêu phát triển, chọn các doanh nghiệp có năng lực, kinh nhiệm để phát triển công nghiệp hỗ trợ, từ đó nhân rộng điển hình. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các doanh nghiệp “đầu tàu” trong việc dẫn dắt các doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ”, Phó Thủ tướng nói.

“Đối với ngành công nghiệp ô tô, cần tạo bước phát triển đột phá, nâng cao tỉ lệ nội địa hoá, tạo điều kiện để sớm có ô tô thương hiệu Việt Nam”, Phó Thủ tướng yêu cầu. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đồng thời nhấn mạnh các nhiệm vụ khác như phát triển thị trường cho sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam, trong đó tổ chức lại thị trường, đặc biệt là thị trường bán lẻ; phát triển hạ tầng thương mại; kiểm soát chặt chẽ hàng hoá nhập khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu cho nông sản; phòng chống gian lận thương mại.

THEO CHÍNH PHỦ

Tin cùng chuyên mục
Sóc Trăng: 247 học viên tham gia lớp đào tạo tiếng Khmer năm 2024

Sóc Trăng: 247 học viên tham gia lớp đào tạo tiếng Khmer năm 2024

Sáng 10/10, tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Huỳnh Cương, Ban Chỉ đạo Đề án đào tạo tiếng Khmer cho cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng tổ chức khai giảng các lớp đào tạo tiếng Khmer năm 2024. Tham sự kiện có: ông Võ Chí Công, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các ban, ngành của tỉnh Sóc Trăng; các thầy cô và học viên là cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.