Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch COP26, Chủ tịch WEF

PV - 01:15, 23/05/2022

Trước thềm Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới lần thứ 52 tại Davos, Thụy Sỹ, ngày 22/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) Alok Sharma, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende; Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành, Tập đoàn Vestas Wind Systems ông Henrik Anderson và Chủ tịch Ngân hàng phát triển mới (NDB) Marcos Troyjo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tiếp Chủ tịch COP26 Alok Sharma. Ảnh VGP
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tiếp Chủ tịch COP26 Alok Sharma. Ảnh VGP

G7 thống nhất đưa Việt Nam vào danh sách ưu tiên hợp tác năng lượng

Tại cuộc tiếp Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh, tuần hoàn nhằm thực hiện các cam kết đã đưa ra tại COP26.

Phó Thủ tướng chia sẻ việc vừa bảo đảm an ninh năng lượng để phục vụ mục tiêu tăng trưởng vừa giảm phát thải là một bài toán rất phức tạp, đòi hỏi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế về nguồn lực, công nghệ, năng lực quản trị, do đó Việt Nam mong muốn Anh, EU và các nước G7 khác sớm có cam kết cụ thể hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.

Bộ trưởng, Chủ tịch COP26 Alok Sharma bày tỏ ấn tượng và cho rằng Việt Nam đã quyết định đúng đắn khi đưa ra cam kết phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050 tại COP 26, đồng thời đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam thúc đẩy triển khai cam kết này, nhất là việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia thực hiện cam kết tại Hội nghị COP26 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban.

Bộ trưởng Alok Sharma đánh giá Việt Nam có nhiều thế mạnh về năng lượng tái tạo, cho biết tại cuộc họp tháng 3/2022, theo đề xuất của Anh, các thành viên G7 đã thống nhất đưa Việt Nam vào danh sách các nước G7 ưu tiên hợp tác năng lượng.

Ông Alok Sharma mong muốn các nước G7 và Việt Nam sẽ sớm đạt thỏa thuận hợp tác về chuyển đổi năng lượng công bằng, bền vững.

Quan hệ đối tác Việt Nam - WEF ngày càng phát triển tích cực và thực chất. Ảnh VGP/Trần Mạnh
Quan hệ đối tác Việt Nam - WEF ngày càng phát triển tích cực và thực chất. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam-WEF trong chuyển đổi số, năng lượng, phát triển nông nghiệp bền vững

Tại cuộc tiếp Chủ tịch WEF Borge Brande, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chuyển lời hỏi thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Giáo sư Klaus Schwab, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF.

Phó Thủ tướng đề nghị WEF tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong việc định hình các xu thế phát triển, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Hai bên vui mừng nhận thấy mối quan hệ đối tác Việt Nam - WEF ngày càng phát triển tích cực và thực chất.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam tập trung xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, hiệu quả và nâng cao vị trí của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chủ tịch WEF đồng tình với các định hướng và quan điểm phát triển của Việt Nam, bày tỏ mong muốn tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam-WEF, nhất là trong các lĩnh vực chuyển đổi số, tận dụng thành quả cách mạng công nghiệp 4.0, phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển đổi năng lượng, đào tạo kỹ năng lao động đáp ứng nhu cầu của thị trường trong kỷ nguyên mới.

WEF sẽ tiếp tục phối hợp với Việt Nam tổ chức Đối thoại chiến lược quốc gia lần thứ 2 trong thời gian tới.

Chính phủ Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tài chính tham gia, phát triển năng lượng tái tạo, đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam. Ảnh VGP/Trần Mạnh
Chính phủ Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tài chính tham gia, phát triển năng lượng tái tạo, đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Chính phủ Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài phát triển năng lượng tái tạo

Tại cuộc tiếp ông Henrik Anderson, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Vesta Wind System, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao năng lực, kinh nghiệm và nỗ lực của Tập đoàn trong việc tham gia phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng chia sẻ Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và hướng đến quá trình chuyển đổi năng lượng quốc gia.

Theo đó, tổng nhu cầu về nguồn điện của Việt Nam đến năm 2025 là hơn 100.000 MW, năm 2030 là 150.000 MW, trong đó, nhu cầu năng lượng tái tạo đến năm 2025 là hơn 36.000 MW, 2030 là gần 50.000 MW và tổng nhu cầu năng lượng tái tạo trung bình chiếm hơn 30% tổng nhu cầu điện.

Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm và tài chính tham gia, phát triển năng lượng tái tạo, đóng góp vào quá trình phát triển bền vững của Việt Nam.

Chủ tịch Vestas chia sẻ Việt Nam tiếp tục là một trong những thị trường trọng điểm của Tập đoàn trong thời gian tới.

Tập đoàn sẵn sàng trao đổi và phối hợp với Chính phủ Việt Nam để nâng cao hiệu quả và cạnh tranh của ngành năng lượng Việt Nam, theo đó mong muốn Việt Nam sớm hoàn thiện Quy hoạch điện VIII và có cơ chế giá cho năng lượng tái tạo ổn định.

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới (NDB) Marcos Troyjo đánh giá cao sự phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam trong những thập kỷ qua và Việt Nam sẽ là ngôi sao sáng trong phát triển kinh tế thời gian tới. Ảnh VGP/Trần Mạnh
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới (NDB) Marcos Troyjo đánh giá cao sự phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam trong những thập kỷ qua và Việt Nam sẽ là ngôi sao sáng trong phát triển kinh tế thời gian tới. Ảnh VGP/Trần Mạnh

Chủ tịch NDB: Việt Nam sẽ là ngôi sao sáng trong phát triển kinh tế thời gian tới

Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới (NDB) Marcos Troyjo đánh giá cao sự phát triển kinh tế vượt bậc của Việt Nam trong những thập kỷ qua và Việt Nam sẽ là ngôi sao sáng trong phát triển kinh tế thời gian tới.

NDB mong muốn hợp tác và cung cấp các hỗ trợ tài chính cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam.

Ông Marcos Troyjo cho biết các hoạt động của NDB được thiết kế phù hợp với điều kiện và nhu cầu của từng quốc gia nhằm phát huy hiệu quả cao nhất, tập trung vào các khoản vay trong lĩnh vực như: Năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, quản lý nguồn nước và vệ sinh, phát triển đô thị bền vững và hợp tác và hội nhập kinh tế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chia sẻ đây là những lĩnh vực Việt Nam đang có nhu cầu đầu tư lớn. Việt Nam có nhiều kinh nghiệm tham gia vào các tổ chức tài chính đa phương, trong đó Việt Nam có quan hệ song phương tốt đẹp, lâu đời và thân thiết với các nước thành viên hiện tại của NDB.

Đây là cơ sở để Việt Nam mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác với cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Ngân hàng NDB trong tương lai khi có điều kiện thuận lợi và phù hợp./.