Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: "Tham mưu, hoạch định chính sách phải dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng đồng bào DTTS..."

Thanh Huyền -Tuấn Ninh - 13:11, 16/10/2024

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ủy ban Dân tộc, sáng ngày 16/10/2024, tại trụ sở Ủy ban Dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong tham mưu, hoạch định chính sách phải dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Các thủ tục triển khai chính sách dân tộc cần đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện...

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh, đánh giá cao những nỗ lực của Uỷ ban Dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ và khẳng định triển khai thực hiện chính sách dân tộc đã góp phần vào sự phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh, đánh giá cao những nỗ lực của Uỷ ban Dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ và khẳng định triển khai thực hiện chính sách dân tộc đã góp phần vào sự phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi

Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Y tế; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nội vụ...

Về phía Ủy ban Dân tộc có Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh; Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Vinh Tơr; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Y Thông; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Thị Hà; lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Ủy ban Dân tộc.

Công tác dân tộc đạt được nhiều thành tựu quan trọng

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết: Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đến vùng đồng bào DTTS bằng nhiều chương trình, chính sách thiết thực, góp phần phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Để chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong thực tiễn, Phó Thủ tướng Thường trực mong muốn nắm bắt tình hình công tác dân tộc, triển khai thực hiện chính sách dân tộc; lắng nghe những ý kiến tham mưu, hiến kế của Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành về giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai thực hiện chính sách dân tộc trong thời gian tới, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719).

Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chia sẻ: Ủy ban Dân tộc là cơ quan ngang bộ của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc trong phạm vi cả nước; quản lý nhà nước các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban Dân tộc theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng báo cáo về cơ cấu, tổ chức, bộ máy cơ quan công tác dân tộc Trung ương và địa phương.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào DTTS, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào DTTS, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết: Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và các cấp ủy, chính quyền địa phương, Ủy ban Dân tộc và hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc các cấp đã nỗ lực phát huy vai trò, trách nhiệm, tích cực, chủ động tổ chức thực hiện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc đạt được nhiều thành tựu quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; huy động được sức mạnh đoàn kết các dân tộc đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, toàn diện, bao quát hầu hết các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế -xã hội của vùng đồng bào DTTS và miền núi và thường xuyên được quan tâm rà soát, điều chỉnh, bổ sung thống nhất về cơ chế quản lý, tập trung nguồn lực, khắc phục tình trạng trùng lắp; phân cấp mạnh cho địa phương và thể hiện rõ tính công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện; ưu tiên tập trung đầu tư đối với địa bàn đặc biệt khó khăn. Cơ chế chính sách từng bước thay đổi cách thức tiếp cận theo hướng phát huy nội lực của đối tượng thụ hưởng.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào DTTS, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; thu nhập được nâng lên, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; số hộ nghèo giảm nhanh; giáo dục, y tế được quan tâm; văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp từng bước được bảo tồn và phát huy; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

"Sẽ dành sự quan tâm đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc" 2
Quang cảnh cuộc làm việc

Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho rằng, việc thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân tộc chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ, không ổn định. Việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số chưa được chú trọng đúng mức; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS trong hệ thống chính trị nói chung chưa đạt tỷ lệ quy định. Năng lực trình độ của một số cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ là người DTTS có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Ngoài ra, một số bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm, cụ thể hóa các chương trình, chính sách dân tộc theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới (Kết luận số 65). Tình hình an ninh chính trị vùng đồng bào DTTS và miền núi còn tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ổn định; kinh tế-xã hội còn rất nhiều khó khăn; các giá trị văn hóa truyền thông đang có nguy cơ bị mai một...

Hiện nay, 98,4% xã vùng đồng bào DTTS và miền núi có đường ô tô đến trung tâm; 96,7% hộ DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường lớp mầm non, trường tiểu học, trung học cơ sở; 99,3% xã có trạm y tế với 83,5% xã có trạm y tế đạt chuẩn, 69,1% số trạm y tế có bác sỹ, y tá khám chữa bệnh cho người dân; trên 90% xã được phủ sóng phát thanh, truyền hình; 100% xã có hạ tầng viễn thông và được phủ sóng di động. Thu nhập bình quân của các DTTS vào khoảng 1,1 triệu/người/tháng, gần bằng ½ so với mức bình quân chung của cả nước.

Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc xác định tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt các Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến công tác dân tộc. 

Đặc biệt là Kết luận số 65 và Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục tham mưu, thực hiện rà soát và sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống cơ quan công tác dân tộc đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Tập trung xây dựng và hoàn thiện các đề án, chính sách dân tộc trong trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2024 (09 đề án, chính sách).

Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình MTQG 1719; chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn vướng mắc kịp thời và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình đúng tiến độ, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch tổng kết Chương trình, làm cơ sở cho việc xây dựng và thực hiện Chương trình giai đoạn 2026 – 2030.

Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình trên địa bàn vùng DTTS và miền núi, kịp thời cung cấp thông tin, báo cáo về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là các điểm nóng về an ninh trật tự, tình hình thiên tai, dịch bệnh, môi trường,... giải quyết những vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tăng cường phối hợp xây dựng thể chế, chủ động rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chương trình, chính sách dân tộc để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của chính sách giai đoạn 2021 – 2030; rà soát đánh giá thực trạng, đổi mới mô hình giáo dục vùng DTTS nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo cơ hội việc làm cho người DTTS. Phối hợp với Tổng cục Thống kê tổng hợp và công bố kết quả Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế -xã hội của 53 DTTS năm 2024 làm cơ sở cho việc xây dựng, hoạch định chính sách dân tộc giai đoạn 2026-2030 và những năm tiếp theo.

Phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ triển khai thực hiện Nghị định số 127/2024/NĐ-CP ngày 10/10/2024 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1087/QĐ-TTg ngày 02/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030”...

"Sẽ dành sự quan tâm đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc" 3
Lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu tại buổi làm việc

Ủy ban Dân tộc đề nghị, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng thẩm định Nhà nước sớm thẩm định Báo cáo điều chỉnh nghiên cứu khả thi Chương trình MTQG 1719 làm cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh Chương trình.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương cụ thể hóa các chương trình, chính sách dân tộc theo Kết luận số 65; Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ Ban hành Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan quan tâm phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội; ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đường giao thông, công trình thuỷ lợi, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Kết luận số 65; tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số; sắp xếp ổn định dân cư, chấm dứt tình trạng di cư tự do. Thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1657/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khẩn trương hoàn thành các nhiệm vụ, đề án, chính sách dân tộc theo kế hoạch được giao.

Công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đạt được kết quả tích cực, đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo ở 74 huyện nghèo giảm xuống còn 31,72% (giảm 6,9% so với năm 2022); ở các xã ĐBKK giảm 3-4%/năm. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của vùng DTTS và miền núi cả nước là 16%, cận nghèo là 10,52% (còn 02 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lớn hơn 30% là: Hà Giang 36,03% và Điện Biên 32,91%). Điều kiện sống của người dân không ngừng được cải thiện: tỷ lệ hộ DTTS có nhà ở kiên cố và bán kiên cố đạt 88,5%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 90,5% người DTTS; tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh đạt 60,6%.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ tham mưu quy định thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan làm công tác dân tộc đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở; có cơ chế đặc thù trong tuyển dụng và hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện quy định, bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS trong hệ thống chính trị.

Đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan sớm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến chính sách đào tạo vùng đồng bào DTTS và nguồn nhân lực DTTS; chỉ đạo các trường đại học, học viện trực thuộc dành tỷ lệ nhất định để tiếp nhận học sinh người DTTS đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng hệ dự bị đại học đáp ứng các tiêu chuẩn quy định vào học tại trường.

Đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ sớm phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030 (giai đoạn II)”.

Ngoài các kiến nghị nêu trên, Ủy ban Dân tộc cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng chỉ tiêu biên chế cho Ủy ban Dân tộc và bổ sung 02 đồng chí Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm để thực hiện tốt hơn nữa công tác dân tộc và chính sách dân tộc; quan tâm bố trí kinh phí để thực hiện Đề án “Tăng cường chuyển đổi số lĩnh vực công tác dân tộc đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...

"Sẽ dành sự quan tâm đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc" 4
Công chức, viên chức, người lao động Ủy ban Dân tộc đón Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đến thăm, làm việc tại Ủy ban Dân tộc bằng một điệu Khèn Mông

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành khẳng định vùng đồng bào DTTS và miền núi là vùng có vị tri chiến lược quan trọng; đánh giá cao những nỗ lực của Ủy ban Dân tộc và thành tựu quan trọng trong công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, góp phần vào sự phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, an ninh chính trị ổn định; đồng bào các dân tộc tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. 

Chia sẻ những khó khăn của vùng đồng bào DTTS và những vướng mắc, thách thức đặc thù của lĩnh vực công tác dân tộc, lãnh đạo các bộ, ngành đã giải đáp, nêu giải pháp giải quyết những kiến nghị, đề xuất của Ủy ban Dân tộc liên quan đến từng lĩnh vực cụ thể. Đồng thời, các bộ, ngành cũng khẳng định sẽ tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban Dân tộc để triển khai thực hiện tốt chính sách dân tộc trong thời gian tới. Đặc biệt, tăng cường truyền thông nhận thức cho đồng bào DTTS phát huy nội lực vươn lên.

Đồng lòng, tâm huyết, trách nhiệm với đồng bào DTTS 

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình biểu dương, hoan nghênh Ủy ban Dân tộc đã làm tốt công tác chuẩn bị, xây dựng báo cáo đầy đủ, toàn diện về tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi, kết quả công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.

Phó Thủ tướng Thường trực hoan nghênh, đánh giá cao những nỗ lực của Uỷ ban Dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ và khẳng định triển khai thực hiện chính sách dân tộc, đã góp phần vào sự phát triển của vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống Nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo, bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn...

 Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình đánh giá cao Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh, với vai trò người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc đã nắm chắc tình hình, lĩnh vực công tác dân tộc để báo cáo, tham mưu, đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Thường trực cũng đánh giá cao sự có mặt đầy đủ của các bộ, ngành liên quan đã thông tin, giải đáp, đề xuất thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác dân tộc. Điều đó thể hiện trách nhiệm với công tác dân tộc và đồng bào DTTS.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đề nghị các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc và các địa phương trong triển khai chính sách dân tộc; bố trí nguồn lực, kinh phí. Trong tham mưu, hoạch định chính sách phải dành sự quan tâm đặc biệt đến vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn. Các thủ tục triển khai chính sách dân tộc cần đơn giản, dễ làm, dễ thực hiện. 

Trong bố trí nguồn lực tài chính, phê duyệt các dự án, cũng dành sự quan tâm thỏa đáng đến khu vực đồng bào DTTS và miền núi. Cần bố trí các công trình trọng tâm, trọng điểm đột phá, thúc đẩy sự phát triển của cả khu vực vùng đồng bào DTTS.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và công chức, viên chức, người lao động Ủy ban Dân tộc
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chụp ảnh lưu niệm với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và công chức, viên chức, người lao động Ủy ban Dân tộc

Về nhiệm vụ thời gian tới, chia sẻ những khó khăn của vùng đồng bào DTTS còn nhiều, thực hiện chính sách dân tộc còn nhiều thách thức, Phó Thủ tướng Thường trực đồng tình với nhiệm vụ, giải pháp của Ủy ban Dân tộc. Phó Thủ tướng thường trực lưu ý, Ủy ban Dân tộc cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý trong thực hiện các dự án, đề án. Củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương. Chọn những nội dung đột phá để báo cáo Thủ tướng Chính phủ tập trung thực hiện tạo ra sự chuyển động thực sự.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Ủy ban Dân tộc và khẳng định sẽ dành sự quan tâm đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực thông tin sẽ dành thời gian tham dự Đại hội DTTS tại một địa phương; làm việc về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc tại 01 khu vực trên cả nước để nắm bắt tình hình, lắng nghe việc triển khai chính sách dân tộc từ thực tiễn.

"Công tác dân tộc là lĩnh vực đặc thù, nhiều khó khăn nhưng nếu chúng ta đồng lòng, tâm huyết, trách nhiệm với đồng bào DTTS thì sẽ hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tin tưởng.  

Tính đến ngày 30/9/2024, tỷ lệ giải ngân Chương trình MTQG 1719 đạt khoảng 8.798,632 tỷ đồng (bao gồm cả vốn đầu tư kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024), bằng 56% kế hoạch. Vốn sự nghiệp: (bao gồm cả vốn kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2024): lũy kế giải ngân vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình đến 31/8/2024 đạt khoảng 2.066,388 tỷ đồng, bằng 10,2% kế hoạch.