Cùng đi có đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Thường trực và đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, từ ngày 24/6 đến nay, Đồng Tháp ghi nhận 1.041 trường hợp mắc COVID-19. Hiện tỉnh đang điều trị 1.018 bệnh nhân.
Đến nay Đồng Tháp đã cơ bản kiểm soát được ổ dịch Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc, ổ dịch huyện Châu Thành và các ổ dịch nhỏ. Một số ổ dịch khác trên địa bàn tỉnh đang từng bước kiểm soát và điều tra dịch tễ. Tỉnh đã thực hiện giãn cách xã hội trên toàn tỉnh theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng.
Về cơ sở vật chất, các bệnh viện dã chiến trên địa bàn có 3.060 giường, trong đó có 150 giường hồi sức cấp cứu; khả năng tiếp nhận hơn 18.000 giường cách ly tập trung; toàn tỉnh có 4 máy xét nghiệm RT-PCR với công suất 2.000 mẫu đơn/ngày, khoảng 10.000 mẫu gộp/ngày. Tỉnh hiện dự trữ 9.436 bộ sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR; 31.700 bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh.
Ngoài lực lượng trên địa bàn, tỉnh đang có sự chi viện từ Bộ Y tế, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, Bệnh viện Trung ương Huế, tỉnh Bắc Giang.
Đồng Tháp hiện bảo đảm về số lượng máy xét nghiệm RT-PCR và nhân lực xét nghiệm. Tuy nhiên, nguồn cung cấp hóa chất, sinh phẩm đang khan hiếm, gây khó khăn cho truy vết, xét nghiệm khi dịch bệnh tiếp tục lan rộng. Do vậy, tỉnh kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ thiết lập đơn nguyên hồi sức cấp cứu; hỗ trợ trang thiết bị phục vụ công tác chăm sóc người bệnh; tăng số lượng vaccine phân bổ cho tỉnh.
Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Quốc phòng cho tỉnh sử dụng một số doanh trại quân đội đóng trên địa bàn làm bệnh viện dã chiến trong tình huống khẩn cấp; chỉ đạo lực lượng quân sự trực tiếp quản lý, bảo đảm về hậu cầu, phục vụ tại các cơ sở cách ly tập trung.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Đồng Tháp đánh giá đúng tình hình, mà trước hết là công tác xét nghiệm. Thứ trưởng cho rằng, Đồng Tháp cần sớm nâng năng lực xét nghiệm từ 2.000 mẫu đơn/ngày lên 3.000 mẫu mới có thể đáp ứng tình hình dịch bệnh, đúng với phương châm "3 tại chỗ" trong phòng, chống dịch.
Tỉnh cũng cần lên kế hoạch xét nghiệm cụ thể; ban hành tiêu chuẩn cho F0 điều trị tại khu cách ly, tiêu chuẩn F0 cách ly tại nhà; tiêu chí phân loại bệnh nhân COVID-19, mức độ nào đưa vào khu điều trị bệnh nhân nặng, đồng thời sớm thiết lập khu điều trị bệnh nhân rất nặng; triển khai công nghệ kết nối với Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ và Cục Khám chữa bệnh của Bộ Y tế để kịp thời hỗ trợ tỉnh trong hội chẩn những ca nặng; quản lý tốt hoạt động các khu cách ly để tránh lây nhiễm…
Đặc biệt, trong giai đoạn áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng, cần thực hiện nghiêm quy định, người dân dứt khoát không được ra khỏi nhà, nhất là tại khu vực có F0 được phát hiện. Ngoài ra, hiện tỉnh đang nhận được nhiều lực lượng tham gia hỗ trợ chống dịch, tuy nhiên, tất cả các lực lượng này phải được điều hành thống nhất; phải có báo cáo hàng ngày về công việc, địa điểm, thời gian và hàng tuần phải có giao ban, đánh giá.
Một số kiến nghị của tỉnh cũng được đại diện Quân Khu 9, Bộ Công an thống nhất sẽ triển khai, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch của tỉnh.
Phát biểu tại đây, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận nỗ lực, quyết tâm của Đồng Tháp, nhất là các lực lượng tuyến đầu chống dịch trong những ngày vừa qua. Đồng thời bày tỏ sự chia sẻ, cảm thông với những khó khăn, thách thức mà tỉnh đang phải đối mặt khi vừa phải bảo đảm chăm lo đời sống cho nhân dân trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16, vừa phải lo công tác điều trị bệnh nhân, nhất là trong tình huống dịch xảy ra ngay tại bệnh viện lớn của tỉnh, nếu không bình tĩnh, bản lĩnh thì dễ mất tinh thần và hậu quả sẽ nặng nề.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Đồng Tháp đã thực hiện theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đến hôm nay là ngày thứ 4, vì vậy, mục tiêu đặt ra là bằng mọi cách tận dụng được 14 ngày này, như Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở các địa phương là "ngày vàng, giờ vàng, tuần vàng" để kiềm chế, kiểm soát, chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.
Đặc biệt, là địa phương có số ca tử vong bình quân cao nhất cả nước, trong những ngày tới, Đồng Tháp cần phải cố gắng để hạn chế thấp nhất số ca tử vong, giảm số ca nhiễm mới, số ca bệnh nặng. Tỉnh cần chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất để điều trị trong trường hợp phát hiện thêm nhiều ca bệnh.
Để làm được điều này, cách duy nhất hiện nay là phải thực hiện thật nghiêm những yêu cầu mà Chỉ thị 16 đặt ra. Mặc dù điều này khiến các lực lượng chức năng sẽ phải rất vất vả, người dân cũng phải rất chia sẻ, hợp tác cùng với chính quyền nhưng kết quả dịch bệnh sẽ được kiểm soát, kinh tế của tỉnh sẽ sớm được phôi phục và phát triển.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng nhắc nhở công tác chỉ đạo, điều phối, phối hợp trong phòng, chống dịch phải nhịp nhàng, làm sao sớm khoanh vùng, kiểm soát tốt các ổ dịch.
Với các lực lượng tuyến đầu, phải đặc biệt chăm lo, động viên, có chế độ luân phiên hợp lý để giảm áp lực. Phải có biện pháp không để lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế.
Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, tỉnh phải chú trọng chăm lo đời sống cho người dân, nhất là người yếu thế, bảo đảm không để ai thiếu ăn, thiếu các nhu cầu thiết yếu nhất cho cuộc sống. Khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ, cần hoàn thành sớm. Tỉnh cũng cần bảo đảm cung ứng hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu cho người dân.
Đối với khu vực sản xuất, phải triệt để yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng mô hình “3 tại chỗ” để vừa phòng, chống dịch vừa sản xuất. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng bắt buộc phải thực hiện nghiêm vì không có lựa chọn nào khác.
Phó Thủ tướng Thường trực cho biết, ông ủng hộ kiến nghị tăng lượng phân bổ vaccine cho tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên cần chuẩn bị lực lượng để triển khai tiêm được an toàn, đúng đối tượng.
Cũng trong sáng nay 17/7, Phó Thủ tướng Thường trực đã đi thăm, kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp thủy sản lớn của đóng tại TP. Cao Lãnh, và thăm một cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 và cách ly F1 của tỉnh, được chuyển công năng từ Khu ký túc xá Trường Cao đẳng Cộng đồng Đồng Tháp./.