Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Phòng chống bạo lực gia đình - Cần lấp đầy những khoảng trống

Thuý Hồng - 06:42, 09/11/2022

Vấn nạn bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, xã hội. Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) cũng đã nhận được rất nhiều lượt đóng góp ý kiến của các đại biểu Quốc hội và sự quan tâm của cử tri cả nước.

Gia tăng nạn bạo lực gia đình

Từ năm 2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2008. Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình.

Song bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải, gây ra những tiêu cực về mặt xã hội. Nhiều vụ việc xuất hiện những hành vi bạo lực gia đình có mức độ gây hại nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành.

Nạn nhân của bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em... (ảnh minh hoạ)
Nạn nhân của bạo lực gia đình chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em... (ảnh minh hoạ)

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009 - 2021, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 324.641 vụ; nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em...

Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020 cho thấy, có 31,6% phụ nữ phải chịu ít nhất một hình thức bạo lực trong 12 tháng. Điều này có nghĩa là, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác/hoặc bạo lực tình dục. Đáng chú ý có 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác và/hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ.

Đặc biệt ở vùng DTTS, vấn đề bạo lực gia đình vẫn chưa thực sự được quan tâm. Tình trạng im lặng khi bị bạo lực gia đình vẫn còn phổ biến, người phụ nữ bị bạo lực gia đình vẫn chưa giám lên tiếng trình báo chính quyền địa phương để được hỗ trợ.

Chị Đàm Thị Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng cho biết: Nhận thức của bà con DTTS ở vùng sâu, vùng xa về bạo lực gia đình vẫn còn hạn chế. Đặc biệt là nạn nhân còn e ngại, không mạnh dạn trình báo chính quyền để được bảo vệ, kịp thời xử lý hành vi sai trái của người gây ra bạo lực gia đình.

“Mặt khác, năng lực can thiệp của cộng đồng và chính quyền địa phương còn hạn chế, phần lớn hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình chỉ dừng ở mức hòa giải, chưa có tính răn đe cao, vì thế, tình trạng bạo lực gia đình vẫn tiếp tục tái diễn” chị Hương cho biết.

Bên cạnh tình trạng nạn nhân bị bạo lực còn im lặng không giám lên tiếng, thì nguyên nhân cơ bản dẫn tới bạo lực gia đình gia tăng là các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành còn tồn tại nhiều bất cập, không phù hợp với thực tiễn phát triển của xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay.

Bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải, gây ra những tiêu cực về mặt xã hội
Bạo lực gia đình vẫn còn là một vấn đề nhức nhối, nan giải, gây ra những tiêu cực về mặt xã hội

Bà Đồng Tố Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP. Lào Cai cho rằng: Trong Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện hành chưa có nhiều quy định cụ thể, kinh phí rất hạn hẹp, nên công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho người dân về bạo lực gia đình chưa được sâu rộng, hiệu quả chưa cao.

Cần giải pháp phù hợp với vùng, miền

Bạo lực gia đình có xu hướng trầm trọng hơn, đa dạng hơn, phức tạp hơn đã và đang để lại những hậu quả thương tâm, đau xót cho nhiều gia đình, tạo ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội. Nếu không được giải quyết kịp thời, bạo lực gia đình sẽ đe doạ đến sự phát triển bền vững của gia đình, làm xói mòn các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Bà Vi Thị Bình, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay các biện pháp để xử lý hành vi bạo lực gia đình chủ yếu là xử lý hành chính, các biện pháp xử lý hình xự thì vẫn còn sự hạn chế nhất định. “Cần có quy định cụ thể các hành vi, tính chất mức độ cụ thể để xử phạt nghiêm khắc đối với những người gây ra hành vi bạo lực gia đình” bà Bình cho biết.

Tại phiên thảo luận dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) diễn ra ngày 26/10, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và nhất trí với nhiều nội dung chính của dự án luật. Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần xây dựng đồng bộ các giải pháp nhằm ngăn chặn hiệu quả hành vi này.

Cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông giáo dục về phóng chống bạo lực gia đình
Cần đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông giáo dục về phòng chống bạo lực gia đình (Ảnh MH)

Theo đại biểu Chamaléa Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận thì, thời gian qua việc tuyên truyền và phòng chống bạo lực gia đình chưa hiệu quả. Đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đã bổ sung nhiều quy định về công tác thông tin truyền thông, giáo dục về phòng chống bạo lực gia đình, trong đó có quy định về giáo dục nhằm chuyển đổi hành vi. Nếu làm tốt công tác này sẽ làm cho nhận thức về pháp luật và xã hội của người dân được nâng lên.

Còn đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy,  Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh cho rằng, cần lựa chọn đối tượng cho đúng và trúng mới tạo hiệu quả truyền thông. “Trước đây chúng ta truyền thông nhiều nhưng tôi thấy chúng ta phải truyền thông đúng đối tượng có nguy cơ (phụ nữ, người già, trẻ em, người khuyết tật, đồng bào dân tộc thiểu số). Cần truyền thông sâu hơn nữa để đối tượng có thể nhận biết được các hành vi bạo lực cũng như tự lên tiếng để giải thoát mình cho khỏi hành vi bạo lực”, bà Thuý cho biết.

Cũng có một số ý kiến cho rằng, cần quy định trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình và thành viên gia đình báo tin cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có hành vi bạo lực gia đình. Từ đó dần hình thành ý thức tự giác về trách nhiệm pháp lý, có ý nghĩa là công cụ sắc bén để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, nhất là ở vùng đồng bào DTTS.

Trước đó, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, địa bàn sinh sống của một số đồng bào DTTS vẫn còn giữ phong tục, tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn và bạo lực gia đình tương đối phổ biến, một số hành vi bạo lực gia đình trong đồng bào có tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ chung trong cả nước.

Cần giải pháp phù hợp với vùng, miền nhằm ngăn chặn hiệu quả hành vi bạo lực gia đình
Cần giải pháp phù hợp với vùng, miền nhằm ngăn chặn hiệu quả hành vi bạo lực gia đình

Bà Chu Thuý Anh đã kiến nghị cơ quan soạn thảo, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình; tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình và quan tâm các yếu tố về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng, miền, dân tộc.

Gia đình là nơi để yêu thương, là tổ ấm của mỗi người, vì vậy việc sửa đổi bổ sung Luật Phòng chống bạo lực gia đình là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ phù hợp với từng địa phương, khu vực đặc biệt là vùng đồng bào DTTS sinh sống góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội tiến bộ.