Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Nhiều khó khăn trong phòng, chống bạo lực gia đình

Hồng Phúc - 10:46, 14/09/2020

Mặc dù giải pháp tuyên truyền được cho là trọng tâm, nhưng công tác phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) còn nhiều khó khăn, trở ngại, đặc biệt là tại nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS.

Phụ nữ DTTS cần được tuyên truyền nhiều hơn, hiệu quả hơn về phòng, chống bạo lực gia đình. (Ảnh Thanh Nhật)
Phụ nữ DTTS cần được tuyên truyền nhiều hơn, hiệu quả hơn về phòng, chống bạo lực gia đình. (Ảnh Thanh Nhật)

Chị Hoàng Nhật A, sinh năm 1986, trú tại thôn Cồn, xã Tây Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) bị chồng là anh Nguyễn Văn D. (SN 1975) hành hung suốt 11 năm qua. Chị A. kể, có 2 lần chị bị đánh và được 1 người đi làm rẫy cao su gần đó cứu. Vài lần chị không chịu nổi phải bỏ về nhà bố mẹ, vài lần chạy qua nhờ các chị gái của chồng giúp đỡ. 

Gần đây nhất, vào ngày 23/7/2020, anh D. tiếp tục bạo hành, gây thương tích khiến chị A. phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới. Theo kết quả chẩn đoán, chị A. bị gãy mõm ngang L2, L3 bên trái đốt sống; khuyết eo L4, L5 cả hai bên. Theo chia sẻ của ông Dương Thanh Luyện, Chủ tịch UBND Tây Trạch, chính quyền địa phương phát hiện vụ việc chậm trễ là vì lý do gia đình chị A. sống giữa rẫy cao su, gần như biệt lập. 

Bạo lực gia đình không phải là câu chuyện ở riêng địa phương nào, mà là một vấn nạn gây nhức nhối xã hội nhiều năm qua. Báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 trên gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi 15 - 64, sinh sống tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy, gần 63% phụ nữ Việt Nam bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực.

Đặc biệt, phụ nữ DTTS thường chịu nhiều tổn thương do bạo lực giới, xuất phát từ nguyên nhân tư tưởng phong kiến vẫn phổ biến tại cộng đồng nơi họ sinh sống và hành vi bạo lực của nam giới cũng nặng nề hơn do ảnh hưởng bởi rượu, bia. Phụ nữ DTTS cũng hạn chế hơn trong việc tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ và công lý do vị trí địa lý, khả năng sử dụng tiếng phổ thông và khó khăn về di chuyển.

Theo Dự thảo Báo cáo kết quả sau hơn 10 năm triển khai, thực hiện Luật Phòng, chống BLGĐ tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Trịnh Thị Thủy với Vụ Gia đình và Vụ Pháp chế (Bộ VHTT&DL) vào tháng 4 vừa qua cho thấy, quá trình thực hiện Luật, việc xử lý các vụ việc BLGĐ chỉ tập trung vào hòa giải và phạt hành chính, không có tính răn đe, nên vi phạm tiếp tục tái diễn. Sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, các cơ quan, đơn vị trong việc thực thi Luật còn chưa hiệu quả, chưa đồng bộ.

 Ví dụ như, khi một nạn nhân bị bạo lực, họ tìm đến cơ quan Công an để xử lý. Nhưng phía Công an thì chỉ xử lý ở góc độ về chức năng, nhiệm vụ của Công an thôi chứ chưa có sự liên kết và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị bạo lực như công tác xã hội, Hội Phụ nữ hay ngành Y tế để tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là trẻ em gái. Thế nên, nhiều nạn nhân BLGĐ ngại tiếp xúc với chính quyền vì không biết phải trình bày thế nào, thậm chí bị người gây bạo lực hoặc người trong gia đình đe dọa nếu tố cáo. Các biện pháp cấm tiếp xúc cũng chưa thực sự bảo vệ nạn nhân, khi nạn nhân thường là người yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi).

Bà Hà Thị Quỳnh Anh, chuyên gia về giới và nhân quyền của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, một nguyên tắc cơ bản là phải lấy nạn nhân làm trung tâm. “Thay vì nạn nhân tìm đến mình để kêu gọi sự trợ giúp, thì chúng ta phải chủ động đưa ra các dịch vụ. Bởi nạn nhân có rất nhiều nhu cầu khác nhau, có nhu cầu hỗ trợ về mặt y tế, về mặt an toàn cho bản thân, tư vấn về mặt tâm lý rồi yêu cầu các dịch vụ xã hội nếu họ cần. Những việc đó phải có sự điều phối với nhau, chứ không để nạn nhân phải tìm đến mình”, bà Anh cho biết. 



Tin cùng chuyên mục
Bắt giữ chủ thầu xây dựng trả công người lao động bằng ma túy

Bắt giữ chủ thầu xây dựng trả công người lao động bằng ma túy

Công an huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng đã bắt giữ nhiều ổ nhóm sử dụng, mua bán ma túy tại các địa bàn có khu công nghiệp, dự án tập trung đông người lao động ngoại tỉnh, trong đó, bắt 2 đối tượng là chủ thầu và quản lý công trình xây dựng có hành vi chia nhỏ ma túy Heroin để trả công cho công nhân.