Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Phòng chống dịch bệnh Covid-19 - Kịch bản mới, quyết tâm mới

Thanh Nguyễn - 17:11, 03/08/2021

Sau Tp. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam, yêu cầu giãn cách xã hội đã được siết chặt trên toàn TP. Hà Nội. “Tâm dịch” phức tạp, khó lường ở các tỉnh phía Nam đang khiến hệ thống y tế ở TP. Hồ Chí Minh đứng trước nguy cơ quá tải. Người lao động hồi cư gia tăng là mối lo ngại lớn trong việc “đưa dịch” về vùng thôn quê. Trước thực tế ấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh”.

Khai báo y tế tại chốt Kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 số 2 của tỉnh Quảng Bình
Khai báo y tế tại chốt Kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 số 2 của tỉnh Quảng Bình

Thay đổi phác đồ điều trị

Trong nguyên tắc điều trị chung, Bộ Y tế thống nhất tất cả F0 có kết quả dương tính hoặc không có triệu chứng điều trị tại các buồng bệnh thông thường. Ca bệnh nặng, nguy kịch cần điều trị tại buồng hồi sức tích cực. Do chưa có thuốc đặc hiệu, nên hỗ trợ và điều trị triệu chứng là chủ yếu trên cơ sở cá thể hóa cho từng trường hợp, đặc biệt các ca nặng.

Điểm đáng lưu ý trong phác đồ mới, Bộ Y tế chia tiêu chuẩn xuất viện thành 3 mức, thời gian điều trị ngắn nhất là 10 ngày; nếu không có triệu chứng và âm tính 2 lần liên tiếp cách nhau tối thiểu 24 giờ hoặc nồng độ virus thấp. Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng sẽ được xuất viện ở ngày thứ 14 hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng bệnh cho đến khi đáp ứng đủ 2 điều kiện như nhóm 10 ngày.

Bộ Y tế cũng thay đổi cách theo dõi sau khi xuất viện. Theo phác đồ mới, sau khi về nhà, bệnh nhân tự theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày. Nếu cao hơn 38 độ trong 2 lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào cần báo ngay cho cơ sở y tế để khăm khám và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, trong phác đồ mới, Bộ Y tế cho phép các cơ sở y tế sử dụng thuốc chống đông máu corticoid sớm trên các bệnh nhân có diễn biến trung bình ngay cả khi không làm được xét nghiệm đông máu, đồng thời có thể xem xét sử dụng kháng thể đơn dòng với bệnh nhân nặng khi Hội đồng chuyên môn cho phép.

Kết hợp với điều chỉnh phác đồ trị bệnh, việc đẩy mạnh tiêm phòng vaccine đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phòng chống Covid-19. Nhu cầu tiêm phòng vaccine đang rất cao. Việc tiêm phòng trên diện rộng hy vọng sẽ tạo ra hệ miễn dịch cộng đồng, giúp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

Hiện tại, Chính phủ xác định, ngoài đẩy nhanh việc mua vaccine thì chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước là yếu tố rất quan trọng, giúp đảm bảo được khả năng cung ứng cho người dân. Hiện Việt Nam đang có chiến lược vaccine 3 kế hoạch, gồm: đẩy nhanh việc mua vaccine; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất vaccine trong nước; tổ chức tiêm vaccine ngừa COVID-19 miễn phí cho toàn dân. 

Cả 3 nội dung đều được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt thời gian qua. Đến nay, đã có 6 loại vaccine được phê duyệt có điều kiện và được Chính phủ đặt mục tiêu sẽ tiêm cho khoảng 75 triệu người, với 150 triệu mũi tiêm trong nửa cuối của năm 2021 và đầu năm 2022 để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Không lơ là, chủ quan

Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và 19 tỉnh thành khác ở phía Nam dịch bệnh đang diễn biến rất phức tạp. Công tác phòng chống dịch đang diễn ra rất quyết liệt, khẩn trương. 

Qua thực tế kiểm tra tại một số tỉnh thành ở phía Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu quan điểm: Các địa phương trên cả nước vẫn phải thực hiện chiến lược ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị để hạn chế số ca nhiễm, bởi một nền y tế như Việt Nam nếu có nhiều ca F0 thì rất khó đáp ứng được công tác điều trị không chỉ bệnh nhân Covid-19 mà còn các bệnh khác.

Hà Tĩnh đã trưng dụng nhiều khách sạn, nhà nghỉ, trường học… làm điểm cách li tập trung
Hà Tĩnh đã trưng dụng nhiều khách sạn, nhà nghỉ, trường học… làm điểm cách li tập trung

Đối với “tâm dịch” phức tạp của TP. Hồ Chí Minh và một phần các tỉnh lân cận, thì mục tiêu cao nhất là giảm tỉ lệ tử vong bằng cách phải giảm tỉ lệ F0 không triệu chứng chuyển thành có triệu chứng nhẹ, từ triệu chứng nhẹ chuyển thành nặng, từ nặng thành nặng hơn và nguy kịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu: các tỉnh, thành phố đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 phải thực hiện rất nghiêm, động viên toàn dân cách ly triệt để nhà với nhà, người với người. Nhất là những nơi như TP. Hồ Chí Minh, tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế nhưng “dứt khoát phải đứng lên mạnh mẽ hơn”. Quan trọng hơn, để chiến thắng dịch bệnh, thì không thể dễ dãi, nơi lỏng các biện pháp phòng dịch.

Trong thời gian thực hiện giãn cách, Phó Thủ tướng đề nghị, cùng với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân thiện nguyện tiếp tục quan tâm, chăm lo, hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, từ tiếp nhận nhu cầu cứu trợ, điều phối, tổ chức vận chuyển an toàn đến tận nơi.

Đánh giá tình hình đại dịch Covid-19 hiện nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: dịch vẫn đang diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết; Đồng chí Tổng Bí thư đã thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và đồng bào ta ở nước ngoài chung tay chống dịch. Theo lời hiệu triệu của đồng chí Tổng Bí thư, chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này.

(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)