Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Phòng chống dịch Covid-19 vùng DTTS - Nhìn từ đợt bùng phát dịch thứ 4: Giữ vững thành quả (Bài 3)

Thanh Hải - 17:53, 29/10/2021

Đợt dịch bệnh lần thứ 4 đang được kiểm soát tốt hơn ở nhiều địa phương. “Vùng xanh” đã rộng hơn trên bản đồ dịch tễ, nhất là ở vùng DTTS và miền núi. Quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch để từng bước ổn định cuộc sống người dân đã là nhiệm vụ, mục tiêu cao nhất trong giai đoạn “bình thường mới” khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Ngày 21/10/2021 ngay khi xuất hiện 13 ca nhiễm Covid-19 tại TDP 5, thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa, Quảng Bình) lực lượng chức năng đã thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, sớm bốc tách F0 ra khỏi cộng đồng
Ngày 21/10/2021 ngay khi xuất hiện 13 ca nhiễm Covid-19 tại TDP 5, thị trấn Quy Đạt (Minh Hóa, Quảng Bình) lực lượng chức năng đã thần tốc truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, sớm bốc tách F0 ra khỏi cộng đồng

Giữ “vùng xanh”

Dẫu dịch bệnh đã được kiểm soát tốt hơn và xuất hiện thêm nhiều “vùng xanh” nhưng tình hình vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, luôn thường trực nguy cơ cao. Trước tình hình đó, lãnh đạo nhiều địa phương vùng DTTS, miền núi cho biết: Quá trình thực hiện các giải pháp chống dịch sẽ rất linh động, uyển chuyển theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để đạt được mục tiêu cao nhất là giữ vững thành quả chống dịch.

Tại huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình), ngày 21/10/2021 xuất hiện 13 ca nhiễm Covid-19 tại TDP 5, thị trấn Quy Đạt. Ngay khi phát hiện ca nhiễm, thay vì áp dụng các biện pháp chống dịch theo Chỉ thị 16 như trước, huyện Minh Hóa đã tiến hành phân loại cấp độ dịch theo Nghị quyết 128 với phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Theo đó, với một phần của TDP 5, nơi phát hiện 13 ca nhiễm đã được điều chỉnh áp dụng Cấp 4 - Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ; điều chỉnh áp dụng Cấp 3 - Nguy cơ cao tương ứng với màu cam đối với thị trấn Quy Đạt.

Là một trong những địa phương ở Nghệ An áp dụng cấp độ 1 theo Nghị quyết 128, huyện vùng cao Quế Phong đang ở giai đoạn “bình thường mới”. Tuy nhiên, không vì thế mà cán bộ, đảng viên và đồng bào DTTS nơi đây chủ quan, lơ là. Ông Dương Hoàng Vũ, Chủ tịch UBND huyện Quế Phong (Nghệ An) cho biết: Các biện pháp chống dịch vẫn thực hiện theo nguyên tắc và khuyến cáo của Bộ Y tế để giữ vững thành quả chống dịch.

Những biện pháp quyết liệt, nghiêm túc theo đúng Nghị quyết 128 đang tạo ra một giai đoạn “bình thường mới” cho khu vực miền núi, vùng DTTS.

Theo dõi trên bản đồ dịch tễ của cả nước, tỉnh Cao Bằng, nơi tập trung đông người DTTS, đã giữ được trận địa “vùng xanh” lâu nhất so với các vùng khác. Nay thực hiện theo Nghị quyết 128, Cao Bằng là tỉnh trong số nhiều tỉnh thành phía Bắc thực hiện cấp độ 1 của dịch bệnh. Theo ông Nông Tuấn Phong, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cao Bằng, đơn vị đã triển khai thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch, thực hiện tốt chỉ đạo của cấp trên và khuyến cáo 5k của Bộ Y tế.

Ông Phong chia sẻ kinh nghiệm giữ vững thành quả chống dịch: Ngay từ những ngày đầu chống dịch,Cao Bằng đã tổ chức kiểm soát tốt đường biên giới, không để dịch bệnh xâm nhập, lây lan. Đến sau này, các lực lượng chức năng vẫn duy trì tốt sự tậptrung, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở và nhân dân trong việc phát giác các công dân, các đối tượng từ vùng dịch trở về để khẩn trương cách ly. Hiện nay, dù đã là cấp độ 1 theo Nghị quyết 128 nhưng việc kiểm soát dịch bệnh từ biên giới vẫn rất chặt chẽ.

Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát dịch trên địa bàn huyện Quế Phong (Nghệ An)
Lực lượng chức năng lập chốt kiểm soát dịch trên địa bàn huyện Quế Phong (Nghệ An)

Từng bước ổn định đời sống người dân

Những nỗ lực, cố gắng của các lực lượng đã ngăn chặn tốt sự lây lan của dịch bệnh, nhiều vùng DTTS đã trở lại “vùng xanh” từ rất nhiều ngày qua. Và đó chính là cơ hội, là điều kiện không thể tốt hơn để các cấp, các ngành và mỗi người dân nơi vùng DTTS từng bước ổn định đời sống.

“Bão dịch” quét qua khiến bao gia đình, làng bản trở nên khó khăn hơn, vất vả hơn. Chưa kể hàng ngàn người DTTS đã hồi hương né dịch, đẩy áp lực việc làm, chỗ ở, các vấn đề an sinh xã hội lên vai các cấp chính quyền sở tại. Thế nên, vừa khắc phục hậu quả các đợt dịch bệnh bùng phát, vừa ổn định cuộc sống người dân bằng những sinh kế được các địa phương vùng cao quyết liệt thực hiện.

Ngay tại huyện Con Cuông (Nghệ An), chỉ tính riêng đợt dịch thứ 4 bùng phát, toàn huyện có 3.600 người trở về quê hương, trong đó có 1.630 lao động. Đến thời điểm này, huyện đã thống kê, khảo sát nhu cầu, khả năng của người lao động cụ thể, để đưa ra giải pháp phù hợp nhất.

Bí thư Huyện ủy Con Cuông (Nghệ An) Nguyễn Đình Hùng nói: Chúng tôi sẽ tập trung vào chính sách cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ cây, con giống cho bà con tăng gia sản xuất. Bà con hồi hương rồi thì cũng coi là nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương...

Theo bà H’Oanh B’Krông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Tling, huyện Cư Jút (Đắk Nông), từ đầu tháng 10 đến nay, địa phương có 163 công dân từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương; trong đó, có 54 công dân là người DTTS tại chỗ, ở 3 Bon trên địa bàn. Hiện tại, những nỗ lực, cố gắng ổn định cuộc sống cho người dân đang được thực hiện khẩn trương. Trước mắt, địa phương đã hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm để giúp họ vượt qua khó khăn trong mùa dịch. Lâu dài, sẽ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con một cách cụ thể: ai vẫn muốn đi làm ăn xa thì hỗ trợ hồ sơ, thủ tục nhanh nhất; ai muốn ở lại quê hương thì sẽ được liên hệ Ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn. Bà H’ Oanh B’krông thông tin: Tất cả trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi nhất để công dân yên tâm, sớm ổn định cuộc sống.

Dịch bệnh với những đợt phong tỏa, cách ly đã làm “đứt gãy” các chuỗi sản xuất, tiêu thụ hàng hóa tắc nghẽn… khiến cho cuộc sống người dân vùng DTTS vốn đã vất vả càng thêm khó khăn.Hiện tại, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhiều địa phương đã bằng mọi cách khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vùng đồng bào DTTS hầu hết còn gặp nhiều khó khăn nên vấn đề “hậu” Covid-19 ở những địa bàn này cần hết sức được quan tâm. Các cấp, ngành cần nhanh chóng tổ chức khảo sát, đánh giá, đề xuất chính sách đặc thù hỗ trợ đồng bào DTTS khôi phục phát triển kinh tế, sớm ổn định đời sống, nhất là các vùng bị giãn cách xã hội trong thời gian dài, các xã,thôn, buôn… địa bàn có nhiều ca F0 đã và đang điều trị, cách ly tập trung lâu ngày không lao động, sản xuất, mất việc làm.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.