Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Phòng chống HIV/AIDS bằng những mô hình hiệu quả

PV - 16:16, 03/12/2018

Từ điểm nóng, xếp tốp 10 tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao nhất, diễn biến phức tạp nhất của Việt Nam, tỉnh Khánh Hòa đã nhanh chóng “hạ nhiệt”, kéo giảm tỷ lệ người HIV mới bằng các mô hình phòng, chống hiệu quả.

HIV Người lầm lỡ ở Khánh Hòa được hỗ trợ tư vấn và dạy nghề, trang bị việc làm.

Nhiễm HIV không phải  là đường cùng

“Nhiễm HIV không phải là con đường cùng” đó là khẩu hiệu mà nhiều người từng lầm lỡ ở Khánh Hòa thấu hiểu và bước ra khỏi vũng lầy của sự tự ti, buồn chán, nhất là đối với những người ở vùng sâu, vùng xa.

Theo thống kê của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa, hiện nay toàn tỉnh có gần 900 người nhiễm HIV đang còn sống, trong đó, một số người là đồng bào DTTS. Hiện số bệnh nhân HIV/AIDS tham gia điều trị đạt 76%. Số người nhiễm đã hiểu và tích cực tham gia các mô hình khoảng 70%.

Một trong những mô hình giúp người nhiễm HIV ở Khánh Hòa tìm lại được khát vọng sống, không buông xuôi là “Mô hình can thiệp giảm tác hại”. Nòng cốt của mô hình là Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức tài trợ trong việc hỗ trợ hoạt động cho các nhóm đồng đẳng.

Các nhóm đồng đẳng kết nạp thêm thành viên nhiễm HIV, cùng gần gũi, sẻ chia, tìm hiểu nguyện vọng của nhau thông qua các buổi sinh hoạt. Sau khi đã nắm bắt được tâm lý, thì tận tình dẫn đến các Trung tâm y tế để tiếp tục được tư vấn điều trị; cách kéo dài sự sống và giảm nhẹ những đau đớn từ bệnh HIV. Mọi thành viên trong các nhóm đồng đẳng đều hòa đồng, coi người có H như là bạn thân của mình.

Một mô hình khác cũng hoạt động khá hiệu quả là, “Mô hình tuyên truyền, xét nghiệm lưu động”. Thông qua nhiều nguồn tìm hiểu, khi nắm bắt được đối tượng nào có nguy cơ nhiễm HIV, những nhân viên trong mô hình sẽ tiếp cận, tìm hiểu và thuyết phục đi xét nghiệm, nếu đối tượng ngại ngùng sẽ có người đến tận nơi lấy mẫu xét nghiệm, mọi thông tin và hình ảnh đều được bảo mật để các đối tượng an tâm, không bị dao động tâm lý.

Với cách làm thiết thực này, những người có nguy cơ nhiễm HIV và đã phát hiện bị nhiễm không còn ngần ngại. Không chỉ các cơ sở y tế công lập, mô hình này còn liên kết với hàng loạt cơ sở y tế, phòng khám tư nhân từ miền núi đến miền xuôi để xét nghiệm miễn phí cho người có HIV.

Sau khi đã tuyên truyền, xét nghiệm lưu động, xóa bỏ mặc cảm của người có HIV, các đối tượng này sẽ được tham gia mô hình “Chung tay làm lại cuộc đời”. Mô hình này sẽ đào tạo, giới thiệu những việc làm cần thiết, phù hợp cho người có H. Hằng tuần, hằng tháng, các thành viên sẽ tập trung sinh hoạt, sẻ chia những khó khăn của nhau. Các buổi sinh hoạt này vừa góp phần ngăn ngừa tái sa ngã trong nhóm đối tượng mại dâm, ma túy, nhiễm HIV hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng vừa chia sẻ tâm tư nguyện vọng giúp họ có đủ nghị lực, sức mạnh vươn lên.

Tạo chuyển biến tích cực

Với những cách làm hiệu quả này đã tạo nên cuộc xoay chuyển tâm lý cho hàng ngàn người có nguy cơ nhiễm HIV hoặc đã nhiễm. Năm 2017, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 1.500 lượt người nghiện chích ma túy được các nhân viên của Mô hình tư vấn, xét nghiệm lưu động phát kim tiêm sạch, 1.380 lượt phụ nữ bán dâm và 1.075 lượt nam đồng tính có quan hệ tình dục được nhận bao cao su miễn phí. Qua xét nghiệm có nhiều người nhiễm HIV nhanh chóng được đưa vào sinh hoạt trong các CLB đồng đẳng, hướng dẫn các phương pháp điều trị và được học nghề. Hiện nay, có trên 360 người nhiễm HIV đã được tạo việc làm ổn định.

Riêng 9 tháng năm 2018, số đối tượng nghiện chích ma túy được nhận bơm kim tiêm sạch gần 1.450 lượt, hơn 1.050 lượt phụ nữ bán dâm và 701 lượt nam đồng tính có quan hệ tình dục nhận được bao cao su miễn phí. Thông qua các buổi tư vấn cố định và lưu động, trung bình mỗi năm ở Khánh Hòa có gần 30.000 được tư vấn và tham gia xét nghiệm sàng lọc HIV, 9 tháng năm 2018, là hơn 18.600 lượt người.

Chị Nguyễn Thị Lệ (nhân viên của Mô hình tuyên truyền, xét nghiệm lưu động chia sẻ: Có nhiều đối tượng ở tận miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Sơn đến TP. Nha Trang sinh sống, khi phát hiện mình có nguy cơ nhiễm HIV đã tách khỏi cộng đồng, buồn chán và quay về sống lủi thủi với các bản làng của mình. Nếu không tiếp cận kịp thời để củng cố tinh thần và xét nghiệm cho họ thì nguy cơ lây lan cho người khác là rất cao, nếu họ đã bị nhiễm HIV.

Chị Cao Thị D, dời quê hương ở xã Khánh Bình (huyện Khánh Vĩnh) đến TP. Cam Ranh làm việc. Trót sa chân vào sự cám dỗ của ma túy, mại dâm, khi thấy có các triệu trứng lạ, được các nhân viên tuyên truyền lưu động tận tình tư vấn chị đã tham gia xét nghiệm và điều trị theo đúng các phác đồ, đến nay thể lực được nâng cao. Ngoài những giờ làm việc cùng người cùng cảnh, ban đêm D tham gia vận động thuyết phục những người từng sa lầy như mình quay về cuộc sống lành mạnh.

Từ những sự chuyển biến tích cực, đến hết tháng 10/2018, 95% bệnh nhân HIV/AIDS ở Khánh Hòa đã được chuyển về các bệnh viện tuyến huyện điều trị, 100% trạm y tế tuyến xã triển khai cấp thuốc ARV cho các bệnh nhân. Bệnh nhân nào quên lịch nhận thuốc sẽ được nhân viên y tế xã thông báo hoặc mang đến tận nơi. Cũng từ tháng 1 đến hết tháng 9/2018, Khánh Hòa đã tư vấn lưu động và xét nghiệm HIV cho hơn 8.600 lượt phụ nữ mang thai, phát hiện 5 trường hợp nhiễm HIV. Các trường hợp nhiễm HIV đều được điều trị thuốc ARV kịp thời, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hiệu quả.

ĐÔNG HƯNG

Tin cùng chuyên mục
Đánh cược mạng sống với dòng nước lũ

Đánh cược mạng sống với dòng nước lũ

Những trận mưa lớn từ nhiều ngày trước kết hợp thủy điện Thác Bà xả lũ đã khiến hàng trăm mét khối gỗ của các xưởng gỗ phía thượng nguồn bị cuốn trôi về hạ du. Tại thời điểm này, dù mưa đã ngừng, lũ đã rút dần nhưng lưu lượng nước đổ ra sông Chảy qua địa phận xã Hán Đà huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái vẫn rất xiết và vô cùng nguy hiểm.