Sử dụng thuốc lá thế hệ mới - thực trạng đáng báo động
Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, với sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và UBND các tỉnh, thành phố để thực hiện công tác PCTHTL.
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật PCTHTL cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm, trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-15 tuổi giảm từ 2,5% năm 2014 xuống còn 1,9% năm 2022. Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.
Tuy vậy, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, đặc biệt là trong giới trẻ. Ở nhóm 13-15 tuổi, tỷ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.
Bằng chứng thực tiễn cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới đang nhắm tới giới trẻ. Các nhà sản xuất đã và đang sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, theo xu hướng công nghệ, bán hàng qua mạng (bán qua app điện thoại thông minh, quảng cáo và mua bán trên internet) là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, tài trợ cho người nổi tiếng và có ảnh hưởng trên mạng xã hội để giúp quảng cáo các sản phẩm và dễ dàng tiếp cận với giới trẻ.
Đây là các nguyên nhân quan trọng làm cho việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới tăng nhanh trong giới trẻ trên thế giới cũng như tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về PCTHTL đến năm 2030, trong đó có quy định: “Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới”.
Ths. Phan Thị Hải đánh giá, mặc dù có vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hút thuốc, tuy nhiên thuế thuốc lá ở Việt Nam vẫn thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện nay Việt Nam đang áp dụng tính thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) theo tỷ lệ là 75% và giá tính thuế là giá xuất xưởng. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ (bao gồm TTĐB và giá trị gia tăng) chỉ chiếm 38,8% giá bán lẻ (năm 2020), thấp hơn so với trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình là 59% giá bán lẻ, bằng một nửa của hầu hết các nước ASEAN. Ví dụ như Thái Lan là 78,6% giá bán lẻ, Singapore là 67,1% giá bán lẻ, Indonesia 62,3% giá bán lẻ.
“Về tình hình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá, từ năm 2006 - 2019, chúng ta mới chỉ thực hiện 3 lần tăng thuế. Theo đánh giá của các chuyên gia, các lần tăng thuế này có mức tăng quá thấp, khoảng cách thời gian giữa các lần tăng thuế khá dài nên không tạo ra tác động đủ để giảm sức mua và giảm tiêu dùng, do thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn tăng đều đặn hằng năm nên giá thuốc lá ngày càng trở nên rẻ và dễ tiếp cận”, Ths. Phan Thị Hải cho biết.
Những chính sách, giải pháp trọng tâm
Bên cạnh tăng thuế thuốc lá, ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng là chính sách được đề xuất áp dụng, đồng thời là mục tiêu được nêu rõ trong Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về PCTHTL đến năm 2030.
Cụ thể, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 568/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về PCTHTL đến năm 2030, trong đó có mục tiêu: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng trong việc giảm các yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe…”; “Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng”.
Ngày 13/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện số 47/CĐ-TTg chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong việc tăng cường các biện pháp để kịp thời ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên toàn quốc.
Theo Ths. Phan Thị Hải, để ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới, từ năm 2020 đến nay, Quỹ PCTHTL đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tham mưu cho Lãnh đạo Bộ Y tế có các văn bản gửi Văn phòng Chính phủ, kiến nghị về việc không cho phép thí điểm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng; văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý việc mua bán, tàng trữ các sản phẩm thuốc lá mới.
Quỹ PCTHTL cũng đã gửi các tài liệu, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành và các cơ quan liên quan để thực hiện nhiều hoạt động truyền thông về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng, đặc biệt trong giới trẻ.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm quy định của Luật PCTHTL, tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành trong PCTHTL; nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các bộ, ngành, UBND các cấp trong việc thực hiện quản lý nhà nước về PCTHTL. Các giải pháp PCTHTL cần được thực hiện đồng bộ mới góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc theo Chiến lược quốc gia PCTHTL đến năm 2030.