Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Phòng chống thiên tai: Nhiều khó khăn trong huy động nguồn lực

Hoàng Thanh - 11:43, 02/10/2020

Để phòng, chống thiên tai (PCTT) hiệu quả thì một trong những giải pháp quan trọng là bố trí đủ nguồn lực, kịp thời. Hiện, Quỹ PCTT đã được trích lập, nhưng mới chỉ có ở địa phương, chưa có ở cấp Trung ương; trong khi việc thu nộp quỹ ở địa phương lại không mấy khả quan.

Cần bố trí nguồn lực kịp thời để PCTT. (Ảnh minh họa)
Cần bố trí nguồn lực kịp thời để PCTT. (Ảnh minh họa)

Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, từ đầu năm đến nay, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường trên nhiều vùng miền cả nước, đã xảy ra 16 loại hình thiên tai: 248 trận dông, lốc, mưa lớn trên 49 tỉnh/TP, trong đó 9 đợt trên diện rộng tại 21 tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ; 5 cơn bão trên Biển Đông; 13 trận lũ quét, sạt lở đất; 68 trận động đất; 60 trận mưa lớn, ngập úng, lũ cục bộ; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đê biển tại Đồng bằng sông Cửu Long,…

Tính đến ngày 22/9/2020, thiên tai đã làm 93 người chết, mất tích, 272 người bị thương; 2.151 nhà sập, 85.930 nhà bị hư hại, tốc mái; 4.889 nhà bị ngập; 128.443ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 36.088 con gia súc, gia cầm chết. Ước tính thiệt hại về kinh tế khoảng 5.000 tỷ đồng; riêng thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra, các địa phương đang tiếp tục tổng hợp.

Theo ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Tổng Cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, thiệt hại do thiên tai ngày càng nặng nề. Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, tháng 8/2017, Tổng cục PCTT- cơ quan chuyên trách về PCTT ở Trung ương đã được thành lập. Nhưng đến nay, ở các địa phương vẫn chưa có cơ quan chuyên trách về PCTT đã gây ra lúng túng, không chuyên nghiệp trong công tác điều hành, xử lý các tình huống.

Một vấn đề cũng khiến công tác PCTT gặp khó khăn là việc huy động nguồn lực, đáng nói là các địa phương có quỹ PCTT nhưng Trung ương lại không có quỹ này. Đây là một bất cập, bởi Trung ương điều tiết từ tỉnh giàu sang tỉnh nghèo.

“Các tỉnh bị thiên tai nhiều thường là các vùng nghèo, trong khi đó nhiều địa phương phát triển kinh tế, các khu công nghiệp, có quỹ PCTT rất lớn nhưng chúng ta chưa điều tiết được”, ông Hoài chia sẻ.

Theo tìm hiểu của phóng viên, bất cập này xuất phát chính từ văn bản quy định thành lập Quỹ PCTT. Theo Nghị định 83/2019/NĐ-CP ngày 18/11/2019 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ PCTT đã quy định: Quỹ PCTT là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở cấp tỉnh, do UBND cấp tỉnh quản lý.

Nghị định 83/2019/NĐ-CP cũng đã quy định việc đóng nộp Quỹ PCTT là nghĩa vụ bắt buộc của công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên (trừ 8 trường hợp đặc biệt được quy định trong Nghị định là không phải đóng). Thế nhưng, việc thu nộp Quỹ PCTT ở các địa phương cũng gặp rất nhiều khó khăn.

Như tại Thanh Hóa, tính đến ngày 20/8/2020, số thu, nộp Quỹ PCTT năm 2020 của tỉnh mới chỉ đạt 3,7 tỷ đồng (khoảng 4,3% kế hoạch), chủ yếu từ các sở, ban, ngành cấp tỉnh, một số doanh nghiệp lớn và 6 huyện: Quảng Xương, Như Thanh, Cẩm Thủy, Như Xuân, Bá Thước, Mường Lát. Vì vậy mà mới đây, UBND tỉnh này phải ban hành công văn gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch thu, nộp Quỹ PCTT năm 2020.

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, đại biểu (ĐB) Huỳnh Cao Nhất (Đoàn ĐB Quốc hội tỉnh Bình Định) cho rằng, việc thành lập PCTT tai ở cấp trung ương là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần phải có quy chế thu, chi phù hợp, khắc phục những bất cập hiện tại, bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, hiệu quả, tránh chồng chéo. Cơ chế thu cũng phải phù hợp với các địa phương nghèo, người dân đã đóng góp nhiều; những địa phương có số lượng dân vãng lai, di cư nhiều. Đặc biệt, cần có cơ chế điều tiết Quỹ giữa các địa phương, bảo đảm tính khả thi, vì đây là quỹ tài chính ngoài ngân sách và thành lập ở địa phương. Nếu không điều tiết được thì sẽ dẫn đến tình trạng tồn dư Quỹ như thời gian qua, không bảo đảm được nguyên tắc hoạt động cơ bản của Quỹ là kịp thời, hiệu quả.

Ngày 10/8/2020 Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã có Công văn số 97/TWPCTT về việc thực hiện một số quy định về Quỹ PCTT. Trong đó Ban Chỉ đạo lưu ý đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 không thuộc đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp Quỹ theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Tin cùng chuyên mục