Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phòng chống thiên tai: Không để “nước đến chân mới nhảy”

Hoàng Thanh - 14:14, 04/09/2020

Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, với những loại hình và hiện tượng cực đoan, nhất là lũ quét, lũ ống và sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề về tính mạng và tài sản của Nhân dân. Để phòng, chống thiên tai (PCTT), chính quyền các cấp cũng như người dân phải thực sự chủ động, không để “nước đến chân mới nhảy”.

Nhà ở và các công trình hạ tầng ven suối, dưới chân núi làm thay đổi dòng chảy, gia tăng lũ quét, sạt lở đất
Nhà ở và các công trình hạ tầng ven suối, dưới chân núi làm thay đổi dòng chảy, gia tăng lũ quét, sạt lở đất

Gần 3 năm trước (rạng sáng ngày 12/10/2018), sau nhiều ngày mưa lớn, một nửa ngọn núi ở xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã đổ ụp xuống. Vụ sạt lở đất đã vùi lấp 18 người, đến nay vẫn chưa tìm thấy hết thi thể.

Sau thảm họa, nguyên nhân đã được mổ xẻ, trong đó có một phần do sự chủ quan của chính quyền địa phương. Chính Chủ tịch UBND xã Phú Cường, ông Bùi Văn Khải lúc đó đã thừa nhận, sau những ngày mưa lớn kéo dài, xã mới chỉ chú ý vận động người dân di chuyển lên địa bàn cao hơn để tránh nước lũ chứ chưa tính đến phương án núi lở. 

Ngay cả cơ quan khí tượng thủy văn cũng đã dự báo chưa chính xác để giúp người dân, chính quyền địa phương chủ động phòng tránh. Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT ngày 13/10/2018 ngay sau thảm họa ở xóm Khanh, ông Nguyễn Văn Hải, Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai đã dẫn chứng: Bản tin lúc 15h15 ngày 10/10 của Trung tâm Dự báo Khí tượng – Thủy văn quốc gia dự báo lưu lượng nước về hồ Hòa Bình lần lượt là 3.800m3/s và 2.900m3/s; tuy nhiên, thực tế lưu lượng nước về hồ là 9.300m3/s và 11.200m3/s.

Thảm họa cũng một phần do sự chủ quan của người dân. Không khó để nhận thấy những thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất đều xảy ra ở những địa bàn mà người dân sinh sống, dựng nhà, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất ở dọc ven sông, suối, ngay dưới chân núi. Điều này làm thay đổi, tắc nghẽn dòng chảy, gia tăng lũ quét, sạt lở đất. Có thể người dân không nắm được, nhưng trách nhiệm của địa phương cần cảnh báo.

“Nước đến chân mới nhảy” nên nguy cơ thiệt hại do thiên tai được dự báo sẽ ngày càng gia tăng khi mà diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp. Tính trong 8 tháng đầu năm 2020, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, cả nước đã xảy ra 16 loại hình thiên tai. Đặc biệt là mưa lớn, dông lốc sét, mưa đá, động đất có xu hướng gia tăng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của Nhân dân, tác động không nhỏ đến sự tăng trưởng, ổn định kinh tế, xã hội của đất nước. Thiên tai đã làm 78 người chết, mất tích; 2.109 nhà bị sập, 62.805 nhà bị hư hại, tốc mái; 4.601 nhà bị ngập; 121.852ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng; thiệt hại khoảng 5.000 tỷ đồng.

Để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương không được lơ là, chủ quan. Tại Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn năm 2020 theo hình thức trực tuyến đến cấp huyện tổ chức ngày 15/5/2020, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch PCTT, bảo đảm an toàn, tránh tình trạng “nước đến chân rồi mới nhảy là không kịp”.

Yêu cầu này tiếp tục được Thủ tướng Chính phủ nhắc lại tại cuộc làm việc với một số bộ, ngành bàn về tình hình thiên tai và giải pháp cấp bách PCTT được tổ chức chiều 1/9. Thủ tướng chỉ rõ, muốn PCTT có hiệu quả thì phải phát huy vai trò cơ sở là chính; dự báo chính xác, kịp thời, chủ động là rất quan trọng. Các địa phương phải tổng kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư; rà soát phương án sơ tán dân cư khi bão lũ để bảo đảm an toàn, PCTT cũng như phòng chống dịch bệnh.

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm khả năng có từ 4 - 5 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam; mưa lớn tập trung và kéo dài ở khu vực Trung Bộ; lũ quét và sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng ở khu vực miền núi.


Tin cùng chuyên mục
Sinh lời an toàn, hiệu quả cùng trái phiếu BAC A BANK phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1

Sinh lời an toàn, hiệu quả cùng trái phiếu BAC A BANK phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1

Đón đầu cơ hội khởi sắc trên thị trường trái phiếu ngân hàng đầy tiềm năng, từ ngày 27/05/2024, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) chính thức chào bán 20 triệu trái phiếu phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1, với tổng giá trị chào bán 2.000 tỷ đồng.