Tại xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, Hội LHPN huyện Tủa Chùa đã xây dựng mô hình “Chi hội Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon” với hơn 60 thành viên tham gia. Bằng việc tận dụng các tấm bạt in pano, áp phích, maket đã qua sử dụng từ các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, qua bàn tay khéo léo của chị em, những phế phẩm đã trở thành những chiếc túi xinh xắn, tiện dụng dùng để đi chợ đựng thức ăn, rau, củ quả, thay thế cho việc sử dụng rất nhiều túi nylon để đựng thực phẩm.
Bước đầu triển khai Mô hình “Chi hội Phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon” đã được đông đảo chị em phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả.
Chị Hà Thị Thêu chia sẻ: “Các tấm bạt khi lấy về được chị em rửa sạch, sau đó may thành những chiếc túi theo nhiều kích cỡ khác nhau, tùy vào nhu cầu sử dụng của mỗi người. Sau khi hoàn thành, chúng tôi phát miễn phí cho người dân trong thôn, bản theo khu vực. Túi may bằng bạt vừa có thể dùng để đi chợ, vừa có thể dùng đựng đồ lên nương, rẫy rất tiện dụng lại dễ vệ sinh, chị em ai nấy đều rất thích khi sử dụng, góp phần bảo vệ môi trường”.
Còn tại tỉnh Sơn La, phong trào “Chống rác thải nhựa” được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ và người thân trong gia đình tích cực tham gia bảo vệ môi trường. Các cấp hội đã trích từ nguồn kinh phí của Hội, mua tặng hơn 1.200 chiếc làn cho hội viên phụ nữ sử dụng khi đi chợ. Hiện mô hình đang tiếp tục được nhân rộng tại 12 Hội LHPN xã, phường trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, việc sử dụng những chiếc ếp bằng tre (vật dụng đựng đồ của đồng bào Thái) cũng đang được sử dụng nhằm “Hạn chế sử dụng túi nylon” tại xã Chiềng Cơi, TP. Sơn La và được chị em phụ nữ nhiệt tình hưởng ứng.
“Việc bảo vệ môi trường tại đây được thực hiện thông qua việc gắn với những vật dụng truyền thống của dân tộc là điều được chị em thích thú nhất”, chị Trương Thị Thủy, Chi hội Trưởng chia sẻ.
Không chỉ hạn chế sử dụng những sản phẩm từ nylon, nhựa… các cấp hội phụ nữ trong cả nước còn triển khai nhiều phong trào thu gom rác thải nhựa, tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan đường làng ngõ xóm; xây dựng quỹ rác thải…
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng Ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho biết: Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mỗi công dân, không ai có thể làm thay. Do vậy, để phong trào phát huy hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của của các cấp hội còn cần sự chung tay của các sở, ngành, địa phương và người dân.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã triển khai đẩy mạnh phong trào “Phòng chống rác thải nhựa” đến tất cả chi hội phụ nữ trên cả nước. Tùy vào điều kiện tại mỗi địa phương, các chi hội đã xây dựng lên những mô hình phù hợp để tham gia góp sức vào phong trào, thay đổi ý thức bảo vệ môi trường từ thói quen sinh hoạt. Hiện nay, nhiều địa phương không còn thấy chị em đi chợ mang theo túi nylon về nhà nữa. Thời gian tới, Trung ương Hội HLPN Việt Nam cũng sẽ ra thông báo tới các đơn vị trực thuộc không thanh, quyết toán đối với những hạng mục sử dụng đồ nhựa dùng một lần”.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chất thải nhựa và túi nylon không được tái sử dụng mỗi năm lên đến xấp xỉ 2,5 triệu tấn, việc triển khai các mô hình tiêu biểu đã góp phần ngăn ngừa nạn “ô nhiễm trắng”. Đóng góp của các hội viên hội phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, không những góp phần tăng hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, mà còn khẳng định vai trò, năng lực và trách nhiệm của hội phụ nữ các cấp và hội viên, phụ nữ trong các hoạt động phát triển cộng đồng nói chung.
NGHĨA HIỆP