Xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với du lịch
Đến các huyện vùng đồng bào DTTS của tỉnh Phú Thọ để trải nghiệm du lịch sinh thái, văn hóa cộng đồng, tham quan Vườn Quốc gia Xuân Sơn hay “săn mây” đồi chè Long Cốc..., du khách đều thích thú, ấn tượng khi được thưởng thức các món ẩm thực, đặc sản địa phương như thịt chua của người Mường ở Thanh Sơn; chè xanh Dốc đen ở xã Đông Lĩnh, huyện Thanh Ba; lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung ở huyện Yên Lập, cá lồng sông Đà, gà nhiều cựa ở huyện Tân Sơn… Đây là những đặc sản đang được tỉnh Phú Thọ hỗ trợ người dân đẩy mạnh phát triển, tạo thành các sản phẩm OCOP chất lượng cao, cung ứng nhu cầu người tiêu dùng và khách tham quan, du lịch.
Tại huyện Thanh Sơn từ lâu đã nổi tiếng với món ẩm thực thịt chua mang hương vị miền đất núi rừng, tinh hoa ẩm thực của dân tộc Mường tại vùng Đất Tổ. Thịt chua không chỉ đơn thuần là món ăn dân gian của người Mường mà còn là tinh hoa văn hóa ẩm thực của cha ông trao truyền lại. Món thịt chua Thanh Sơn thật sự hấp dẫn bởi vị ngon ngọt từ thịt nạc; độ giòn của bì, độ béo của thịt mỡ, vị chan chát bùi, thơm của lá ổi; độ đậm đà của muối, mùi thơm của thính gạo, ngô rang.
Xưa kia, người Mường chế biến thịt chua thường để vào ống nứa, ống tre để dành ăn dần trong gia đình. Ngày nay, món thịt chua được cải tiến, đổi mới, sáng tạo cả về chất lượng và hình thức bao bì. Thịt chua Thanh Sơn bán ra thị trường được các cơ sở sản xuất đóng vào từng hộp nhỏ, được kiểm định chất lượng và gắn tem mác đầy đủ.
Trên địa bàn huyện Thanh Sơn hiện nay có gần 40 cơ sở sản xuất thịt chua với mô hình doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất. Thịt chua là sản phẩm chủ lực truyền thống được huyện Thanh Sơn lựa chọn xây dựng thành sản phẩm OCOP. Ông Đinh Quốc Bình, Giám đốc HTX Thịt chua Thanh Sơn cho biết, với mong muốn đưa món ăn truyền thống của dân tộc trở thành sản phẩm hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con miền núi, ông đã đứng ra thành lập HTX Thịt chua Thanh Sơn từ năm 2018. HTX có 10 thành viên là các hộ sản xuất nhỏ lẻ tại địa phương tham gia góp vốn đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất theo hướng khép kín. Dây chuyền sản xuất của đơn vị được trang bị đầy đủ các thiết bị máy móc hiện đại như: máy trộn, máy thái thịt, máy hút chân không, máy xịt tương, kho ủ lên men, kho đông lạnh,... Nhờ vậy, quy trình và sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận ISO 22000:2018 về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, HTX sản xuất ra các mặt hàng chủ lực như thịt chua, nem sợi, cá thính và thịt thính. Sản phẩm thịt chua hộp nhựa của HTX đạt OCOP 3 sao, thịt chua ống nứa đạt OCOP 4 sao.
Món thịt chua của HTX thịt chua Thanh Sơn luôn được ưu tiên trong thực đơn của khách du lịch khi đến với huyện Thanh Sơn. Tại các hội chợ xúc tiến thương mại, sự kiện kết nối giao thương của tỉnh Phú Thọ, các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, các khu du lịch, điểm du lịch sinh thái cộng đồng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng có bày bán sản phẩm thịt chua Thanh Sơn, đáp ứng nhu cầu mua làm quà tặng, quà biếu của khách du lịch.
Vài năm gần đây, sản phẩm thịt chua đã được gắn với tour du lịch qua thị trấn Thanh Sơn, du khách vừa được ngắm cảnh đồi chè vừa được thưởng thức đặc sản thịt chua và trải nghiệm quy trình làm thịt chua. Quan trọng hơn thịt chua đã trở thành sản phẩm đặc trưng không thể thiếu cho du khách khi về với Đất Tổ.
Tại huyện vùng cao Tân Sơn, với quyết tâm xây dựng sản phẩm OCOP đầu tiên về du lịch nông thôn của tỉnh, huyện đã phát triển nhiều địa điểm gắn với các hoạt động vui chơi, trải nghiệm Vườn Quốc gia Xuân Sơn như: Cọn nước, đường hoa du lịch Xuân Sơn… Cuối năm 2022, sản phẩm “Du lịch cộng đồng Xuân Sơn” của Tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Xuân Sơn được công nhận là OCOP đạt ba sao. Đây là sản phẩm OCOP đầu tiên về dịch vụ du lịch của tỉnh Phú Thọ được công nhận.
Để sản phẩm OCOP “Du lịch cộng đồng Xuân Sơn” hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, các thành viên của Tổ hợp tác đã đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị. Xuân Sơn không chỉ thu hút được du khách đến tham quan mà nhiều bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích cũng chọn lựa Xuân Sơn làm bối cảnh quay phim.
Đánh thức tiềm năng
Tại tỉnh Phú Thọ, việc quảng bá sản phẩm OCOP đã và đang gắn chặt với hoạt động du lịch. Nếu như trước đây, các sản phẩm đặc sản của địa phương chỉ được giao buôn cho thương lái về các chợ đầu mối, thì nay đã được xây dựng thành thương hiệu để phục vụ ẩm thực trong hoạt động du lịch. Tiêu biểu như: Bưởi Đoan Hùng, Trà xanh Phú Thọ, bánh sắn, bánh chưng, bánh giầy Đất Tổ, Gạo nếp Quạ Đen, chè xanh Chùa Tà, chè Dốc đen, lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung, tương Dục Mỹ, mỳ gạo Hùng Lô, cá chép đỏ Thủy Trầm, cá lồng sông Đà, gà nhiều cựa Tân Sơn…. Nhiều địa phương đã tận dụng lợi thế cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tươi đẹp để làm nơi sản xuất sản phẩm OCOP, vừa để du khách tham quan, check-in cũng như hiểu thêm về quá trình sản xuất ra những sản phẩm OCOP địa phương. Thông qua việc kết hợp du lịch trải nghiệm, nhiều sản phẩm OCOP được tiêu thụ mạnh hơn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Thời gian gần đây, tận dụng thế mạnh về văn hóa, nhiều hoạt động liên kết giữa ngành Nông nghiệp và ngành Du lịch được tỉnh Phú Thọ triển khai, tạo đà thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP tại chỗ. Có thể kể đến hoạt động mở màn: Tuần lễ quảng bá, giới thiệu và liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP gắn với du lịch tỉnh Phú Thọ năm 2022. Khu quảng bá thu hút 90 gian hàng của 12 tỉnh, thành phố, trong đó, 53 gian hàng trong tỉnh với 600 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP ba sao trở lên.
Cùng với đó, điểm tham quan, mua sắm sản phẩm OCOP kết nối xây dựng tour du lịch trải nghiệm “Về miền Đất Tổ” được triển khai từ năm 2022 đến nay. Đây là hoạt động có ý nghĩa hình thành điểm tham quan, mua sắm phục vụ nhân dân và du khách về miền Đất Tổ, góp phần đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ du lịch, tăng mức chi tiêu của du khách khi tới Phú Thọ.
Tỉnh Phú Thọ cũng đã đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi, chính sách thông thoáng thu hút đầu tư, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, phát triển khu, điểm du lịch của tỉnh, nhất là du lịch cộng đồng gắn với các sản phẩm, sản vật đặc trưng của từng vùng miền. Đến nay, toàn tỉnh có 4 điểm du lịch cộng đồng cấp tỉnh đã được công nhận gồm: Hùng Lô, Bạch Hạc (TP Việt Trì), Bản Dù, Bản Cỏi thuộc xã Xuân Sơn (huyện Tân Sơn). Trung bình mỗi năm, các điểm du lịch cộng đồng tiếp đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước, qua đó đã đóng góp tích cực vào phát triển du lịch chung của toàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết: Thời gian qua, ngành Du lịch của tỉnh không ngừng triển khai các kế hoạch quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp thông qua nhiều hoạt động quảng bá du lịch online, quảng bá trên nền tảng công nghệ. Việc xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch nói chung và sản phẩm OCOP nói riêng là chiến lược lâu dài, cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành. Các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong phát triển sản phẩm du lịch, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP, xây dựng tour khép kín, khám phá làng nghề, các vùng chuyên canh kết hợp hoạt động trải nghiệm, khám phá cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, tạo giá trị sản phẩm tour tại Phú Thọ.
Mới đây (từ ngày 7-8/12), tại Chương trình Liên hoan Ẩm thực quốc tế năm 2024, Phú Thọ tham gia trưng bày hơn 20 sản phẩm nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh như: Thịt chua Thanh Sơn, Bưởi Đoan Hùng, Trà xanh Phú Thọ, bánh sắn, bánh chưng bánh giầy Đất Tổ, nước tinh khiết, bia URA...
Trưởng Phòng Phát triển tài nguyên Du lịch (Sở VHTT&DL) Dương Nhị Hà cho biết: Loại hình du lịch cộng đồng đang mang lại hiệu quả kinh tế cho các gia đình, góp phần quảng bá hình ảnh của những miền quê Đất Tổ gắn liền với những nét văn hóa đặc sắc đến với bạn bè khắp bốn phương. Do đó, để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, việc phải bảo tồn, phát huy được những giá trị bản địa là vấn đề có tính quyết định. Điều này chỉ có thể thực hiện trên cơ sở người dân thật sự hiểu được giá trị của tài nguyên tự nhiên và nhân văn mình đang nắm giữ, được hưởng lợi từ khai thác du lịch gắn với các giá trị này và có ý thức gìn giữ, bảo vệ tài nguyên. Khi đó, việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng mới thật sự bền vững.