Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Phú Yên: Tái cơ cấu lâm nghiệp theo hướng bền vững

PV - 13:42, 10/12/2017

Vừa qua, tỉnh Phú Yên đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, nhiều mô hình trồng rừng theo hướng phát triển bền vững đã được hình thành, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định đời sống cho người dân.

Chủ trương đúng đắn

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên: Từ năm 2010 đến nay, Phú Yên đã chấm dứt khai thác gỗ rừng tự nhiên. Hiện trên địa bàn tỉnh có gần 220 cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Các cơ sở này chủ yếu nhập gỗ về gia công là chính. Tỉnh đang khuyến khích, ưu tiên các doanh nghiệp có phương án đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất, chế biến các sản phẩm ván thanh, đồ gỗ cao cấp để tiêu thụ nguyên liệu gỗ trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp phát triển trồng rừng theo hướng bền vững. Các ngành chức năng và địa phương tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, xây dựng và thực hiện dự án bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Đồng thời, khẩn trương xác định lâm phần ổn định, cơ cấu diện tích rừng theo mục đích sử dụng, xác định và cắm mốc ranh giới lâm phần các loại rừng, thu hồi những diện tích không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích giao lại cho địa phương quản lý, sử dụng; phối hợp với địa phương triển khai công tác giao rừng, cho thuê rừng, gắn liền với giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp theo đúng quy định.

aaanh 1

Ông Hoàng Văn Trà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đánh giá: Công tác phát triển rừng trồng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, hiện năng suất rừng trồng chưa cao, giá trị sản phẩm gỗ sau thu hoạch bình quân lãi chưa nhiều, từ 30-50 triệu đồng/ha rừng trồng (5-10 triệu đồng/ha/năm) nên đa số người dân sống bằng nghề rừng còn nghèo.

Do đó, để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng và địa phương tập trung 4 nhiệm vụ trọng tâm là nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng; nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.

Ưu tiên các dự án bền vững

Để đạt được mục tiêu trồng rừng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên đã phối hợp với Viện Tài nguyên-Môi trường thuộc Đại học Huế và tổ chức UNIQUE (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức khóa tập huấn Kỹ năng quản lý lâm sinh trong kinh doanh rừng gỗ lớn cho các đơn vị lâm nghiệp, chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh Phú Yên cũng đã phê duyệt 8 dự án quy hoạch trồng rừng kinh tế cho các doanh nghiệp với tổng diện tích hơn 3.700ha.

Người dân đang trồng rừng Người dân đang trồng rừng

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng cũng cho biết thêm: Phú Yên đang xây dựng mô hình điểm trồng rừng gỗ lớn tại tiểu khu 307 (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) do Trường Đại học Nông lâm Huế chuyển giao kỹ thuật với diện tích 6,6ha. Mô hình này sẽ tập trung trồng các loại cây sao đen, dầu rái với thời gian thực hiện khoảng 8 năm. Sở Nông nghiệp và PHát triển nông thôn cũng đang lập dự án trồng rừng kinh doanh gỗ lớn và lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng giai đoạn 2017-2020 theo chủ trương của tỉnh, có quy mô hơn 336ha trồng rừng gỗ lớn và 479ha trồng lâm sản ngoài gỗ. Dự kiến đến cuối năm 2017, trên địa bàn tỉnh sẽ triển khai trồng khoảng 110ha rừng gỗ lớn gồm các loại cây bản địa…

Ở Phú Yên hiện nay, doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Bảo Châu là đơn vị trồng rừng lớn nhất tỉnh với vùng nguyên liệu gỗ khoảng 2.000ha, được kết nạp làm thành viên của mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển rừng trồng theo hướng bền vững của tỉnh, đầu năm 2017, doanh nghiệp này đã mời các chuyên gia của Tổ chức Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tổ chức khóa tập huấn Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng FSC cho cán bộ, công nhân trực tiếp quản lý rừng của doanh nghiệp và các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh. Mục đích của lớp tập huấn này là tổ chức kết nối và triển khai chương trình quản lý rừng thông qua chứng chỉ FSC cho các doanh nghiệp và hộ gia đình tham gia trồng rừng.

Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc DNTN Bảo Châu, chia sẻ: Khi doanh nghiệp chính thức trở thành thành viên mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu, doanh nghiệp đã xin chủ trương của tỉnh và sẽ triển khai trồng rừng theo hướng bền vững và nâng diện tích lên khoảng 3.900ha. Với sự hỗ trợ của mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu và của tỉnh, doanh nghiệp phấn đấu đến năm 2020 nâng lên khoảng 5.000ha theo quy hoạch phát triển rừng của Phú Yên. Chúng tôi rất tin tưởng vào các giá trị mà mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu tạo dựng và mong muốn các khu rừng do doanh nghiệp quản lý đạt được các tiêu chuẩn bền vững về môi trường và xã hội để từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

Lê Phương

Tin cùng chuyên mục