Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Quan hóa (Thanh Hóa): Nhiều bất an trong mùa mưa bão

PV - 14:25, 17/09/2018

Huyện miền núi Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong trận lũ vừa qua. Bên cạnh nguyên nhân do lũ lụt, nước sông Mã dâng cao, địa phương này còn phải gánh chịu hậu quả từ những trận xả lũ khẩn cấp của Nhà máy Thủy điện Trung Sơn.

mùa mưa bão Cảnh hoàng tàn, đổ nát tại huyện Quan Hóa do lũ gây ra.

Bất an vì thủy điện

Anh Nguyễn Công Huy, trú tại bản Đỏ, xã Phú Thanh, huyện Quan Hóa buồn rầu cho biết: Trận lũ lụt vừa qua, nước lũ sông Mã dâng cao khiến cho xưởng chế biến lâm sản của gia đình gây dựng bao nhiêu năm đã bị lũ cuốn trôi, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Kéo theo đó, 40 công nhân đang làm việc cho gia đình cũng không còn việc làm. “Gia đình tôi thực sự bất lực, chỉ trông chờ vào chính quyền địa phương và Nhà nước sớm có phương án hỗ trợ, giúp đỡ để khôi phục lại xưởng sản xuất”, anh Huy nói.

Chung hoàn cảnh như anh Huy, bà Lê Thị Hảo, ở bản Đỏ, xã Phú Thanh, nghẹn ngào nói: Nhà xưởng sản xuất lâm sản của gia đình bà bị sập. Nhiều hàng hóa sản xuất ra chưa kịp bán đã bị trôi hết, tất cả giờ chỉ còn là bãi đất trống. Ở địa phương này, nhiều hộ dân sau lũ đã mất hết tài sản cũng không biết sống ra sao, đi đâu về đâu khi nhà không còn nữa.

Theo người dân, một trong những nguyên nhân khiến cho cơn lũ vừa qua quá hung bạo, là do Nhà máy Thủy điện Trung Sơn đóng trên địa bàn khi xả nước lũ đã thông báo quá chậm. Nhà máy chỉ thông báo, kéo còi 2 tiếng sau là xả lũ thì làm sao dân trở tay kịp. Trong khi đó, còi báo động quanh khu vực Nhà máy Thủy điện Trung Sơn chỉ có 4 cái, làm sao người dân biết hết được.

Ông Cao Xuân Nhuận, Chủ tịch UBND xã Phú Thanh thừa nhận, tại trung tâm xã không có còi báo hiệu xả lũ. Khi lũ về thường thông báo qua điện thoại, nhưng mưa lớn đã gây ra mất điện, mất sóng điện thoại không thể thông báo cho dân.

Đáng lo lắng, sau lũ ở phía hạ lưu, ở bên cánh hữu sông Mã xuất hiện một điểm sạt lở nằm cách thân đập Thủy điện Trung Sơn không xa. Theo các hộ dân sống gần khu vực, điểm sạt lở này rộng khoảng 100m, cao khoảng 200m, cách thân đập khoảng 20m. “Nếu điểm sạt lở này tiếp tục mở rộng và ảnh hưởng tới thân đập thì nguy cơ vỡ đập là rất cao”.

Đây cũng chính là lý do khi thủy điện xả lũ, một số đối tượng đã tung tin vỡ đập làm cho người dân hoang mang tìm đường chạy hết lên núi.

Nước sông dâng do lũ  tự nhiên

Để tìm hiểu những lo lắng, bất an của người dân, vừa qua, chúng tôi đã liên hệ trao đổi với ông Vũ Hữu Phúc, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn, ông Phúc cho biết: Việc vận hành cũng như xả lũ tại Thuỷ điện Trung Sơn luôn được báo cáo đầy đủ đến Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa. Lũ xả ra cho vùng hạ du, khi đỉnh lũ về là 3.800m3/giây, như vậy Dự án Thuỷ điện Trung Sơn đã cắt lũ từ 5.000m3 xuống 3.800m3/giây. Theo ông Phúc, tình trạng nước sông dâng cao trong thời gian qua là do lũ tự nhiên gây ra.

Trả lời về tình trạng sạt lở, ông Phúc cho biết, số liệu chính xác bao nhiêu phải trên cơ sở đo đạc, kiểm tra của các cơ quan có liên quan. Khi nào có con số chính xác, chúng tôi sẽ báo lại sau. Tuy nhiên, ông Phúc vẫn khẳng định, tất cả các số liệu kỹ thuật của đập và nhà máy là an toàn tuyệt đối.

Từ những vấn đề tìm hiểu qua thực tế, chưa an tâm với thông tin mà ông Phúc đưa ra, chúng tôi đã trao đổi với ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa. Ông Tự cũng cho biết: nguyên nhân chính nước lũ dâng cao làm ngập nhà dân, khiến địa phương ngập sâu trong nước là do lũ tự nhiên gây ra. Việc Thủy điện Trung Sơn xả lũ chỉ là tác động thêm làm cho nước lũ dâng nhanh hơn.

Tuy nhiên, ông Chủ tịch huyện cũng cho rằng, việc thủy điện xả lũ không thông báo trước nhiều ngày như phản ánh của người dân là có thật. Bởi nước lũ từ thượng nguồn đổ về quá nhanh, cán bộ thủy điện chỉ kịp báo trước cách đó vài giờ đồng hồ. “Còn điểm sạt lở xảy ra vào ngày 30-31/8, huyện đã có ý kiến với lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn; phía Công ty đã trả lời không vấn đề gì”, ông Tự nói.

Theo báo cáo của huyện Quan Hóa, tính đến thời điểm hiện tại, có gần 170ha cây  trồng bị mất, nhiều vật nuôi bị chết. Hơn 850 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, 177 nhà bị sập, nước cuốn trôi 7 điểm trường bị hư hỏng. Về giao thông có 113 điểm sạt lở, 2 cầu treo bị sập, tổng thiệt hại khoảng gần 200 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hơn 90 hộ dân vẫn chưa thể quay về nhà ở lại được do bùn vùi lấp trên 1m, và một số ngôi nhà sau khi nước rút đã bị sạt lở nền móng nặng. Hiện nay, người dân địa phương đang phải đối mặt với việc thiếu lương thực trầm trọng. Toàn huyện có 720 hộ, với 3,250 khẩu bị thiếu đói do lũ lụt gây ra.

QUỲNH TRÂM

Tin cùng chuyên mục
Hiểm họa từ rác thải điện tử

Hiểm họa từ rác thải điện tử

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mang đến những tiện ích vượt bậc cho đời sống và sinh hoạt của con người, đồng thời cũng kéo theo hệ lụy về rác thải điện tử. Rác thải điện tử đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho môi trường và sức khỏe con người, có nguy cơ cao gây ra những hậu quả khôn lường nếu không có các giải pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý rác thải điện tử.