Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Quảng Nam tăng cường tuyên truyền phòng chống tảo hôn ở vùng cao

Minh Anh- T. Sỹ - 15:30, 17/06/2022

Tại các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nạn tảo hôn vẫn còn tồn tại dai dẳng, cần có giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để.

Một trường hợp tảo hôn, người mẹ có con lúc chưa tròn tuổi 16 ở huyện Nam Giang
Một trường hợp tảo hôn, người mẹ có con lúc chưa tròn tuổi 16 ở huyện Nam Giang

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam, năm 2021, trên địa bàn 4 huyện gồm: Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang và Đông Giang có 71 trường hợp tảo hôn và 1 trường hợp hôn nhân cận huyết thống.

Anh Hồ Văn L. ở làng Măng Lâng, xã Trà Cang (Nam Trà My) cưới vợ lúc 23 tuổi. Vợ anh là người cùng làng, khi đó đang học lớp 7. Hiện tại, vợ anh L. mới 14 tuổi nhưng đã làm mẹ được 10 tháng. Sau khi sinh con, cuộc sống gia đình anh L. trở nên khó khăn hơn trước. “Do vợ còn nhỏ tuổi nên chỉ giúp mình nấu cơm, giặt quần áo, chứ không làm được việc lớn”, anh L. chia sẻ.

Cũng ở làng Măng Lâng, Hồ Thị Đ. cưới chồng khi 16 tuổi. Ba của Đ. qua đời khi Đ. còn bé. Đ. nghỉ học, tính lấy chồng sớm cho đỡ khổ. Nhưng khi về làm vợ, làm mẹ, Đ. mới cảm nhận hết nỗi nhọc nhằn khi sinh con ở tuổi học sinh.

Chưa có kiến thức làm mẹ, Đ. phải nhờ đến chị em trong làng giúp đỡ. Kinh tế khó khăn, áo quần của em bé đều do người trong làng cho. Hồ Thị Đ. buồn bã nói: “Lúc sinh con, không biết cách chăm sóc. Khi con đau không có tiền mua thuốc. Giờ biết khổ cực thì cũng muộn rồi”.

Hai trường hợp trên, không phải là hiếm gặp ở các xã vùng cao của huyện Nam Trà My. Sau mỗi mùa lúa chín, tết mừng lúa mới, nhiều học sinh không quay trở lại trường, mà trở thành những ông bố, bà mẹ trẻ...

Được biết, trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh Quảng Nam đã triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Cụ thể, Quảng Nam đã đẩy mạnh truyền thông về Luật Hôn nhân và Gia đình với  đa dạng các hình thức như: Tổ chức các hội thi bài trừ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Sáng tác thơ, biểu diễn tiểu phẩm liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Xây dựng các chuyên mục tuyên truyền về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên các phương tiện truyền thông; Trình chiếu phim tư liệu liên quan đến vấn đề trên cho người dân và học sinh ở vùng địa bàn dân tộc thiểu số xem; Xây dựng các mô hình điểm về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng và chính quyền địa phương, tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống của Quảng Nam chuyển biến rõ rệt. Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh ghi nhận 830 trường hợp tảo hôn, giảm 704 trường hợp so với giai đoạn trước, bình quân giảm 9,2%/ năm. Về kết hôn cận huyết thống có 31 trường hợp, giảm 70 trường hợp so với giai đoạn trước, bình quân mỗi năm giảm 13,8%.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025". Theo đó, Quảng Nam đạt mục tiêu phấn đấu, đến năm 2025 cơ bản đầy lùi, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.

Mục tiêu cụ thể là phấn đấu giảm bình quân mỗi năm 3% đến 5% số cặp tảo hôn và 5% đến 7% số cặp kết hôn cận huyết thống. Đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc nhất là ở cơ sở xã, thôn, nóc phải được tiếp tục tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực, kỹ năng vận động tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, tập trung tuyên truyền đối tượng là nhóm vị thành niên, thanh niên là người DTTS chưa kết hôn; học sinh các trường cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông vùng DTTS…

Ngoài ra, còn tập huấn cho nhóm cán bộ cơ sở tham gia công tác tuyên truyền; các tổ chức đoàn thể; già làng, bí thư chi bộ, trưởng thôn, Người có uy tín trong đồng bào DTTS giáo viên công tác tại vùng đồng bào DTTS... để họ làm cầu nối tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho các đối tượng có nguy cơ cao.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này là một bài toán không dễ, bởi phần lớn khu vực có tỷ lệ tảo hôn cao đều rơi vào các xã nghèo, đặc biệt khó khăn. Vì vậy, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số là cách tốt nhất để thay đổi nhận thức của bà con về hủ tục lạc hậu này.