Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Quảng Nam: Thiếu số lượng lớn giáo viên ở miền núi

T.Nhân - 08:45, 06/11/2023

Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay, tại các huyện miền núi của tỉnh đang thiếu khoảng 900 giáo viên. Việc này, khiến cho công tác giáo dục ở các huyện miền núi gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, tổng số giáo viên ở miền núi của tỉnh Quảng Nam là 5.060 người (bậc Mầm non là 1.179 giáo viên, Tiểu học là 1.956 giáo viên, THCS: 1.394 giáo viên và THPT: 531 giáo viên). Số giáo viên còn thiếu là 873 người (mầm non thiếu 363, tiểu học thiếu 277, THCS thiếu 156 và THPT thiếu 77). Nguyên nhân là những năm gần đây, số viên chức giáo viên tuyển dụng được còn thiếu so với nhu cầu, đặc biệt đối với giáo viên mầm non và tiểu học.

Các huyện miền núi Quảng Nam đang thiếu rất nhiều giáo viên. (Ảnh minh họa)
Các huyện miền núi Quảng Nam đang thiếu rất nhiều giáo viên. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, do điều kiện về kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn nên các địa phương miền núi chưa thu hút được giáo viên đăng ký dự tuyển. Nhiều giáo viên, nhân viên sau khi công tác ở miền núi được một thời gian thì xin thôi việc hoặc đăng ký tuyển dụng về các địa phương thuận lợi hơn. Một số giáo viên có gia đình ở xa địa phương công tác, tư tưởng chưa ổn định, có nguyện vọng được chuyển công tác để đoàn tụ gia đình.

Năm 2023, tổng biên chế sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Quảng Nam được giao 23.706 biên chế; trong đó Sở GD&ĐT 3.216 biên chế, cấp huyện 20.490. Số người làm việc toàn ngành GDGĐT ở Quảng Nam hiện nay là 23.702 người, nhưng biên chế là 21.380 người, còn lại là hợp đồng lao động. Các huyện miền núi có số lượng giáo viên hợp đồng nhiều như Nam Trà My là 228 người, Bắc Trà My 138 người. Do số học sinh năm học 2023 - 2024 tăng lên, dẫn đến số lượng giáo viên thiếu càng nhiều

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Quảng Nam kiến nghị, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam: Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện việc tuyển dụng giáo viên và viên chức giáo dục nói chung đối với số người làm việc được giao chưa sử dụng. Chỉ đạo các cấp có thẩm quyền xây dựng các chế độ, chính sách nhằm thu hút giáo viên đến công tác lâu dài tại các huyện miền núi; có chính sách lâu dài trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ giáo viên tại chỗ. Quan tâm đến công tác phát triển giáo dục miền núi, đặc biệt là việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, cải thiện điều kiện làm việc của giáo viên.

Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Trung ương quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức ngành GD&ĐT để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Cùng với đó, bổ sung thêm chỉ tiêu biên chế viên chức ngành theo từng vùng, miền phù hợp với điều kiện đặc thù của các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam.