Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Trị: Cơ hội cho nhiều sản phẩm dược liệu OCOP vươn ra thị trường thế giới

Khánh Ngân - 21:11, 12/05/2023

Giai đoạn 2022 - 2026, tỉnh Quảng Trị đầu tư hơn 52 tỷ đồng để thực hiện đề án Khuyến khích phát triển dược liệu gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), tập trung phát triển ở 5 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh. Một tín hiệu vui, từ chủ trương này, nhiều sản phẩm dược liệu đang từng bước vươn ra thị trường thế giới.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị thăm gian hàng sản phẩm OCOP tại TP. Đông Hà 
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị thăm gian hàng sản phẩm OCOP tại Tp. Đông Hà 

Tăng số lượng, nâng cao về chất lượng

Nếu ở thời điểm cuối năm 2022, toàn tỉnh Quảng Trị có 90 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao. Thì đến thời điểm hiện tại (4/2023) số sản phẩm OCOP ở Quảng Trị đã tăng lên 119 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP. Trong đó có 42 sản phẩm 4 sao (1 sản phẩm đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng Trung ương đề nghị OCOP 5 sao) và 77 sản phẩm 3 sao.

Có 59 chủ thể, trong đó có 16 chủ thể là hợp tác xã, 4 chủ thể là tổ hợp tác, 17 chủ thể là doanh nghiệp, 22 hộ sản xuất kinh doanh. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP Quảng Trị thuộc nhóm ngành thực phẩm, dược liệu (phân nhóm mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe), sản phẩm thủ công mỹ nghệ, gia dụng.

Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm OCOP cũng được tăng lên. Trong nỗ lực cố gắng đưa sản phẩm OCOP tốt nhất đến người tiêu dùng, Quảng Trị có 3 doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử Alibaba gồm Công ty TNHH một thành viên Từ Phong, Công ty TNHH Dược liệu hữu cơ An Xuân và Công ty Cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị.

Ông Trần Trọng Tuấn - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Trị cho biết, Chương trình OCOP đã xây dựng được nhiều sản phẩm chủ lực có thương hiệu, sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế cao. Chương trình đã có tác động lớn, đạt được nhiều kết quả tích cực, nhất là về nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã trong phát triển kinh tế nông thôn

Trong lộ trình kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh Quảng Trị xây dựng mục tiêu đến cuối năm 2025 có thêm 100 sản phẩm OCOP, trong đó có 1 - 3 sản phẩm 5 sao, 15 - 20 sản phẩm 4 sao, có 1 - 2 sản phẩm OCOP là sản phẩm du lịch cộng đồng. Đến năm 2030, có thêm 100 sản phẩm OCOP, trong đó nâng tổng số sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh từ 5 - 7 sản phẩm. Phấn đấu có 30% sản phẩm doanh thu tăng từ 8 - 10%, hầu hết sản phẩm có giá bán tăng 5 - 10%.

Chắp cánh cho sản phẩm OCOP vươn xa

Nguồn nguyên liệu từ cây dược liệu đã giúp tỉnh Quảng Trị đa dạng hóa sản phẩm OCOP. Minh chứng là trong tổng số 119 sản phẩm OCOP ở Quảng Trị, có gần một nửa sản phẩm là từ cây dược liệu hoặc có nguồn gốc nguyên liệu từ cây dược liệu như: Cà gai leo, chè vằng, an xoa…

Để chắp cách cho sản phẩm OCOP nói chung và các sản phẩm OCOP có nguồn gốc nguyên liệu từ cây dược liệu nói riêng vươn xa ra thị trường thế giới, UBND tỉnh Quảng Trị đã Quyết định phê duyệt Đề án "Khuyến khích phát triển cây dược liệu gắn với Chương trình mỗi OCOP".

Quảng Trị: Đưa sản phẩm OCOP từ dược liệu ra thị trường thế giới 1
Cán bộ lãnh đạo huyện Cam Lộ kiểm tra, theo dõi sự phát triển của cây dược liệu An Xoa trồng ở xã Cam Thành

Với mục tiêu của Đề án đến năm 2026, đưa diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt 4.500 ha. Trong đó, trồng mới ít nhất 1.000 ha, gồm 200 ha quy mô tập trung và 800 ha dưới tán rừng. Đề án quy định, vùng nguyên liệu yêu cầu phải được chuẩn hóa, vùng trồng dược liệu tập trung, dược liệu dưới tán rừng gắn với hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, chuẩn hóa nguồn nguyên liệu dược chứng nhận sản xuất đạt các tiêu chuẩn như: GACP (thực hành tốt trồng trọt và thu hái), VietGAP (Thực hành nông nghiệp tốt ở Việt Nam), GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu), Organic (nông nghiệp hữu cơ), Fair trade (thương mại công bằng).

Theo Đề án, việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi điều chỉnh của Đề án sẽ được chú trọng đầu tư thực hiện. Từ đó, thu hút các dự án đầu tư sơ chế, chế biến dược liệu đạt tiêu chuẩn phục vụ cho việc tiêu thụ hết sản lượng nguyên liệu sản xuất.

Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chế biến được xem là khâu then chốt. Đề án khuyến khích và hỗ trợ đầu tư thiết bị, công nghệ bào chế, chế biến dược liệu (thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu thô…) cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để đủ điều kiện sản xuất tối thiểu theo yêu cầu.

Đặc biệt, Đề án có Chương trình triển khai các đề tài nghiên cứu về cây thuốc của đồng bào Bru Vân Kiều và Pa Cô, từ đó phát hiện các tiềm năng, xác định cơ sở khoa học và nghiên cứu phát triển sản phẩm mới dưới dạng đồ ăn, thức uống để xây dựng sản phẩm OCOP tại thêm sinh kế cho đồng bào.

Quảng Trị: Đưa sản phẩm OCOP từ dược liệu ra thị trường thế giới 2
Lô hàng cao dược liệu An Xoa xuất khẩu sang Mỹ

Với việc phát triển thị trường, Đề án hỗ trợ tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm quảng bá, xúc tiến thương mại thương hiệu sản phẩm cây dược liệu của tỉnh và định hướng ra thị trường quốc tế. Tăng cường quảng bá hình ảnh các vùng sản xuất dược liệu tập trung gắn với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm. Xây dựng khu trung tâm trưng bày, giới thiệu và kinh doanh quy mô lớn về dược liệu. Tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm thương mại về được hiệu trong tỉnh, ngoài tỉnh và quốc tế.

Với tổng kinh phí thực hiện Đề án giai đoạn 2022 - 2026 là 52,928 tỷ đồng, trong đó, ngân sách nhà nước là 30,5 tỷ đồng, cá nhân, tổ chức đối ứng 22,428 tỷ đồng. Việc thực hiện Đề án đang tạo động lực phát triển cho sản phẩm OCOP nói chung và sản phẩm OCOP có nguồn gốc từ cây dược liệu nói riêng. 

Từ khâu trồng cây dược liệu được chuẩn hóa, khâu chế biến được áp dụng khoa học tiên tiến… tạo cơ hội, điều kiện để có thêm nhiều sản phẩm OCOP dược liệu của Việt Nam vươn xa ra thị trường thế giới.

 

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.