Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Trị: Đa dạng hóa các mô hình sinh kế vùng biển

PV - 15:43, 17/06/2019

Là xã vùng bãi ngang, cuộc sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sau sự cố môi trường biển năm 2016. Do đó, thời gian qua Hội Nông dân xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất tập trung, phù hợp với tình hình thực tế nhằm tạo sinh kế bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người dân ven biển.

Hiệu quả từ những mô hình chuyển đổi

Anh Lê Văn Linh ở thôn 2 xã Triệu Lăng cho biết: Hiện nay, gia đình anh đã chuyển từ nghề đánh bắt sang nghề nuôi trồng thủy sản. Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã trong quá trình vay vốn, tập huấn kỹ thuật nên gia đình đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 500m2 hồ ươm giống tôm. Nhờ áp dụng khoa học-kỹ thuật vào nuôi trồng nên 2 vụ tôm đầu (năm 2018 và đầu năm 2019) đã mang lại thu nhập cho gia đình anh hơn 500 triệu đồng.

Mô hình nuôi tôm của gia đình anh Lê Văn Linh ở thôn 2, xã Triệu Lăng cho thu nhập cao. Mô hình nuôi tôm của gia đình anh Lê Văn Linh ở thôn 2, xã Triệu Lăng cho thu nhập cao.

Điều khác biệt ở Triệu Lăng là, để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, chính quyền xã giao cho Hội Nông dân làm đầu mối nghiên cứu để tham mưu cho xã đưa ra nhưng giải pháp chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp để tạo sinh kế cho người dân. Bên cạnh việc chuyển đổi phương thức đánh bắt sang nuôi trồng thủy sản, Hội Nông dân xã còn chú trọng đến công tác đào tạo và chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động…

Anh Phan Tiến Mạnh ở thôn 5 chia sẻ: Gia đình anh có truyền thống đánh bắt cá bao đời nay, tuy nhiên giai đoạn hiện nay, nếu đánh bắt theo kiểu truyền thống thì hiệu quả không cao. Muốn có thu nhập cao từ đánh bắt cá phải có tàu công suất lớn. Tuy nhiên, vốn để đóng loại tàu có công suất 450CV trở lên phải có tiền tỷ. Vì thế, tôi quyết định theo học nghề gò hàn do Hội Nông dân mở để thời gian tới đi xuất khẩu lao động.

“Nếu thuận lợi sau khi xuất khẩu lao động về có vốn tôi sẽ đầu tư đóng tàu công suất lớn để vươn ra ngư trường xa, một mặt đánh bắt thủy hải sản và cũng là để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, anh Mạnh cho hay.

Tiếp sức cho nông dân

Để người dân có đủ điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế mới, Hội Nông dân xã đứng ra tín chấp cho nông dân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội phát triển sản xuất, với tổng số vốn vay đến nay hơn 23 tỷ đồng. Đây là động lực để người dân chủ động đầu tư xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với khả năng của gia đình.

Gia đình anh Hùng Cư ở thôn 5 cho biết: Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp, anh đã đầu tư làm nghề chế biến nước mắm. Làm nghề này thu nhập ổn định, ít rủi ro. Hiện nay, thu nhập từ việc chế biến nước mắm mỗi năm đem về cho gia đình anh từ 200 đến 300 triệu đồng/năm. Theo anh Hùng Cư, hiện nay trên địa bàn có 3 cơ sở và 50 hộ gia đình sản xuất nước mắm, thu nhập bình quân từ 200-300 triệu đồng/cơ sở, 100-150 triệu đồng/hộ…

Nghề nuôi trồng thủy sản ở thôn 2, xã Triệu Lăng giúp người dân thu nhập ổn định. Nghề nuôi trồng thủy sản ở thôn 2, xã Triệu Lăng giúp người dân thu nhập ổn định.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Lăng Võ Ngọc Lượng cho biết: Triệu Lăng có vùng bờ biển dài 7,5km, diện tích tự nhiên 1.206,46ha, trong đó đất nông nghiệp 336ha, đất nuôi trồng thủy sản 70ha. Toàn xã có 9 Chi hội Nông dân, với 870 hội viên, trong đó 56% nông dân hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực nông-lâm-ngư nghiệp và nuôi trồng thủy sản, còn lại lao động nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề khác.

Việc phát triển các mô hình kinh tế từ nuôi tôm, đánh bắt thủy hải sản, chế biến nước mắm và một số ngành nghề khác, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương theo hướng bền vững và đảm bảo các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của xã.

MINH THỨ