Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Quảng Trị: Ưu tiên đầu tư cho những nội dung cần thiết, có tính cấp bách, những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn

Minh Thu (thực hiện) - 10:19, 30/10/2022

Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG); giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 được tỉnh Quảng Trị xác định là nhiệm vụ trọng tâm để phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội vùng đồng bào DTTS. Đến nay, tỉnh đã bắt tay vào triển khai Chương trình với quyết tâm rất cao. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị về nội dung này.

Bà Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị
Bà Hồ Thị Lệ Hà - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị

P.V: Việc thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh như thế nào, thưa bà?

Bà Hồ Thị Lệ Hà: Trong thời gian qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương; sự chỉ đạo quyết liệt, giám sát chặt chẽ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành và sự đồng tình, nhất trí cao trong các tầng lớp Nhân dân, các chính sách đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi ở tỉnh Quảng Trị đã đi vào cuộc sống. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc đã tạo điều kiện thúc đẩy đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào các dân tộc phát triển.

Đến nay, ở vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã có 100% số xã, thôn bản có điện lưới quốc gia; 98,7% số hộ sử dụng điện lưới; 100% số xã được phủ sóng truyền hình; 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 77% số thôn, bản có đường giao được cứng hóa đến trung tâm xã; 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; 100% số xã có trường tiểu học, 75% số xã có trường trung học cơ sở, 38 trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ học sinh DTTS đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 95%, bậc THCS đạt 96%; Tỷ lệ xã có nhà văn hóa là 40,4%; tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt 88%; có 79,65% hộ gia đình tại vùng DTTS và miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 27,9% hộ gia đình được sử dụng nước đạt tiêu chuẩn quốc gia.

UBND tỉnh Quảng Trị họp về hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG
UBND tỉnh Quảng Trị họp về hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG

Tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi phát triển ổn định, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa. Các tiềm năng, lợi thế được khai thác, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của vùng.

Có thể nói, với việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, địa bàn miền núi, vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị đã có nhiều đổi thay đáng ghi nhận.

P.V: Đến thời điểm này, Chương trình MTQG đã được tỉnh Quảng Trị triển khai như thế nào? Bà có thể cho biết một số khó khăn vướng mắc?

Bà Hồ Thị Lệ Hà: Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình MTQG, tỉnh Quảng Trị đã sớm triển khai đồng bộ trên địa bàn. UBND tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ đạo và bộ máy giúp việc thực hiện Chương trình; đồng thời ban hành cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành; cơ chế huy động, phân bổ, sử dụng, lồng ghép nguồn lực cũng như cơ chế phân cấp quản lý, trao quyền cho địa phương, cơ sở và người dân thực hiện Chương trình. Tỉnh thực hiện phân cấp, trao quyền cho địa phương và người dân thực hiện theo quan điểm: Phân cấp và trao quyền tối đa cho địa phương. Những nội dung cơ sở thực hiện được thì giao toàn bộ cho cơ sở, những nội dung mới, mang tính chất liên vùng, liên ngành thì mới giao cho các ngành cấp tỉnh tổ chức thực hiện.

HĐND tỉnh cũng đã sớm ban hành các Nghị quyết về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn; Nghị quyết quy định cơ chế huy động nguồn lực và lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình MTQG và các chương trình, dự án khác; Nghị quyết về phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 thực hiện các Chương trình MTQG. Trên cơ sở các Nghị quyết của HĐND tỉnh và Quyết định phân bổ vốn của UBND tỉnh, các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Đến cuối tháng 9/2022, các địa phương đã hoàn thành công tác phân bổ vốn.

UBND tỉnh Quảng Trị họp về hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG
UBND tỉnh Quảng Trị họp về hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG

Tuy nhiên, Chương trình MTQG là một chương trình lớn trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đây là chương trình hoàn toàn mới lần đầu tiên được triển khai với 10 dự án thành phần. Trong đó có nhiều nội dung thuộc nhiều lĩnh vực và do các ngành khác nhau chủ trì, tổ chức thực hiện. Do đó, quá trình thực hiện bước đầu gặp nhiều khó khăn trong phối hợp tổ chức thực hiện.

Cho đến nay, văn bản hướng dẫn của một số bộ ngành liên quan vẫn chưa ban hành, hoặc đã ban hành nhưng nội dung hướng dẫn chưa cụ thể nên địa phương rất khó khăn trong tổ chức thực hiện. Chưa có quy định về định mức kinh phí hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất. Cơ chế ủy thác, quy định về định mức cho vay, lãi suất, thời gian trả nợ đối với nguồn vốn ủy thác để Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay phát triển sản xuất, sinh kế vẫn chưa được ban hành. Các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành có nhiều nội dung chưa thật rõ ràng, khó hiểu và thậm chí không thống nhất với nhau nên địa phương rất khó thực hiện.

Với những vướng mắc từ các văn bản hướng dẫn của Trung ương nên các sở, ngành ở địa phương cũng đang lúng túng trong hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Do đó, cho đến nay công tác triển khai thực hiện ở Quảng Trị vẫn đang còn rất chậm. Đây là một hạn chế rất lớn mà địa phương đang cố gắng khắc phục.

P.V: Để triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025, tỉnh Quảng Trị đề ra những mục tiêu và giải pháp gì, thưa bà?

Bà Hồ Thị Lệ Hà: Tỉnh Quảng Trị đã đề ra mục tiêu đến thời điểm kết thúc giai đoạn I (năm 2025), phấn đấu đưa mức thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp 2 lần so với năm 2020; giảm được 50% số xã, thôn bản thuộc diện đặc biệt khó khăn; hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; nâng tỷ lệ học sinh người DTTS 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi tiểu học đạt trên 98,5%, học sinh trong độ tuổi THCS đạt 96,5%; phấn đấu 100% đồng bào DTTS tham gia bảo hiểm y tế; 80% phụ nữ có thai được khám định kỳ, sinh con ở cơ sở y tế hoặc có sự trợ giúp của cán bộ y tế; bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống; đào tạo, quy hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS, bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS phù hợp...

Chương trình MTQG được kỳ vọng thúc đẩy KT-XH vùng DTTS tỉnh Quảng Trị
Chương trình MTQG được kỳ vọng thúc đẩy KT-XH vùng DTTS tỉnh Quảng Trị phát triển nhang, bền vững

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ để huy động mọi nguồn lực cho Chương trình. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, thì các nguồn vốn khác như: Vốn tín dụng, vốn đầu tư của các doanh nghiệp, vốn xã hội hóa và người dân đóng góp, vốn lồng ghép... cũng được khuyến khích phục vụ Chương trình. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ; ưu tiên đầu tư cho những nội dung cần thiết, có tính cấp bách, những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trước. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để các hoạt động của Chương trình luôn đi đúng hướng, đạt hiệu quả cao.

P.V: Bà có đề xuất, kiến nghị gì với Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG để Chương trình sớm phát huy hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH ở vùng DTTS tỉnh Quảng Trị?

Bà Hồ Thị Lệ Hà: Để Chương trình MTQG sớm đi vào cuộc sống, chúng tôi đề nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết giúp cho địa phương có cơ sở triển khai thực hiện. Mặt khác, đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG mà trực tiếp là Văn phòng điều phối Chương trình MTQG thường xuyên quan tâm, nắm bắt những khó khăn của địa phương để kịp thời tháo gỡ, tạo điều kiện cho địa phương thực hiện hoàn thành Chương trình với kết quả cao nhất.