Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Quê hương vọng mãi lời Người…

Thanh Hải - 10:17, 13/12/2021

Sau hàng chục năm biền biệt xa cách, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ về thăm quê hai lần, ấy là năm 1957 và 1961. Trong sâu thẳm cõi lòng, kỷ niệm những ngày Bác về thăm đã là một di sản thiêng liêng, một nguồn sức mạnh tinh thần vô giá cho những người con xứ Nghệ. Bao năm rồi quê hương vẫn vọng mãi lời Người. Để rồi những lời dạy ân cần, thiết tha, trách nhiệm, kỳ vọng… ấy, đã trở thành niềm tin, ngọn lửa soi đường, chỉ lối để Nghệ An vững bước đi lên.

Người dân Nghệ An chào đón Bác về thăm quê lần thứ 2 năm 1961
Người dân Nghệ An chào đón Bác về thăm quê lần thứ 2 năm 1961

Bao thế hệ người dân làng Kim Liên, huyện Nam Đàn còn nhớ mãi khoảnh khắc đáng nhớ, một ngày giữa tháng 6 năm 1957...

Sáng ấy, người làng còn mải mê với công việc đồng áng trên đồng, trên bãi thì được tin Bác về. Ai nấy mừng rỡ, bỏ dở công việc rồi cứ thế mà chạy về làng trong xúc cảm hân hoan, dâng tràn khó tả. Thế rồi, người làng Kim Liên còn ngỡ ngàng hơn, khi Người trở về thăm quê, trong trang phục quá đỗi đơn sơ, giản dị; ân cần chào hỏi mọi người từ già đến trẻ. 

Hôm ấy, dưới gốc đa sân vận động làng Kim Liên như ngày hội lớn. Giữa bao xúc cảm diết da, Người bồi hồi đọc mấy vần thơ mà như nói với cõi lòng mình: Quê hương nghĩa trọng tình cao. Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình…

Bác Hồ chụp ảnh với cán bộ, công nhân viên và con em nhân viên cơ quan tỉnh ủy Nghệ An năm 1961
Bác Hồ chụp ảnh với cán bộ, công nhân viên và con em nhân viên cơ quan tỉnh ủy Nghệ An năm 1961

Tính đến ngày về thăm quê lần thứ nhất này, Bác đã xa quê những 50 năm. Nửa thế kỷ trôi qua trong bao biến thiên chuyển dời của thời cuộc, nhưng trong sâu thẳm của Người, làng quê vẫn còn đó với tất cả vẹn nguyên xúc cảm thuở ấu thơ. Những tên xóm, tên làng, tên người bạn thuở thiếu thời… lần lượt ùa về, và rồi “xúc động bồi hồi Người rơi giọt lệ”. Ấy là giọt nước mắt cay đắng 50 năm trước cất bước ra đi, khi nước nhà còn lầm than, nay quá đỗi vui mừng vì đồng bào đã no ấm và tự do.

Trong lần về thăm quê này, Bác dặn dò: “Kim Liên phấn đấu thành xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm”. Nhiều người dân xúc động không kìm được nước mắt trước tình cảm quê hương sâu đậm trong trái tim vị lãnh tụ, dù xa nhà đã hơn 50 năm. 

4 năm sau, Bác có dịp về thăm quê lần hai; đó là ngày 8/12/1961. Trong ký ức những người dân xứ Nghệ, đó cũng đã là kỷ niệm mãi không bao giờ quên. Những dặn dò, những chỉ bảo ân cần, những cử chỉ gần giũ, thân thương của Người vẫn còn đó.

Mãi cho đến tận bây giờ, trong tâm khảm cụ Nguyễn Sinh Thư (81 tuổi) ở xóm Sen 1, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn vẫn còn vẹn nguyên cảm xúc ngày Bác về thăm quê. Cụ Thư móm mém: Tôi vinh dự được gặp bác 2 lần trong cả 2 dịp Bác về thăm quê. Khi nghe tin Bác về, tôi đến sân vận động làng thật sớm, để ngồi được hàng đầu, để được nhìn Bác rõ hơn.

Về thăm quê, Hồ Chủ Tịch không chỉ muốn được sống lại với những kỷ niệm ấu thơ, “giữa ân tình giữa bát ngát hương sen” mà hơn hết, còn là trao gửi, tin yêu dành cho quê nhà.

Cây đa ở sân vận động làng Kim Liên ghi đậm dấu ấn 2 lần Bác về thăm quê
Cây đa ở sân vận động làng Kim Liên ghi đậm dấu ấn 2 lần Bác về thăm quê

Ở quê nội Làng Sen, cũng dưới gốc đa như 4 năm về trước, Người đã có cuộc nói chuyện thân mật với nhân dân xã nhà và một số xã lân cận. Mở đầu, Người nói: “Năm kia, Bác về thăm làng. Lần này, Bác lại về thăm làng một lần nữa, thấy làng ta tiến bộ rất nhiều…”. 

Cũng như những lời dặn dò ở quê ngoại, Bác mong mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu, nước mạnh, giữ vững đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau. 

Cả hai lần về thăm quê, Người đã dành rất nhiều thời gian để đi thăm, nói chuyện với Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh; thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí Vinh (nay thuộc Cục Đường bộ II); thăm và nói chuyện với tập thể thầy cô, sinh viên Trường Trung học Sư phạm miền núi Nghệ An; thăm Nông trường Đông Hiếu ở Nghĩa Đàn; nói chuyện với bà con xã viên HTX cao cấp Vĩnh Thành ở Yên Thành…Đặc biệt, Bác không bao giờ quên dành sự quan tâm đặc biệt đến các cháu thiếu niên, nhi đồng.

Ở đâu, Người cũng để lại những tình cảm bình dị mà sâu sắc, mộc mạc mà cao đẹp, tin yêu mà trách nhiệm về một tấm gương ngời sáng, thanh cao. Trong sâu thẳm tấm lòng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, Nhân dân Nghệ An, những kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm quê, từ lâu đã trở thành một di sản thiêng liêng, một nguồn lực sức mạnh tinh thần vô giá.

Dù thời gian lưu lại quê hương không nhiều, song Bác luôn trăn trở, lo lắng về đời sống của bà con Nhân dân. Điều này thể hiện rõ trong từng lời Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Dân không có gạo ăn đủ no, dân không có vải mặc đủ ấm, Đảng phải lo. Các cháu bé không có trường học, Đảng phải lo”; hay dặn dò cán bộ, công nhân Nhà máy Cơ khí Vinh: “Sản xuất ra máy móc công cụ, công nhân phải bảo đảm sao cho nông dân có thời gian sử dụng, nếu không bảo đảm phải sửa chữa cho nông dân; phải làm tốt 4 chữ “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”.

Rồi tại Trường Trung học Sư phạm miền núi Nghệ An, Người khuyên: “Bác khuyên các cháu học tập tốt. Thế nào là học tập tốt? Học tập tốt là chính trị, văn hóa đều gắn liền với lao động sản xuất, không học rông dài. Mục đích là để làm kinh tế, chính trị, văn hóa đều tiến bộ, các dân tộc đều đoàn kết với nhau. Học làm gì nữa? Để xây dựng chủ nghĩa xã hội mà Chủ nghĩa xã hội là gì? - Là no ấm”…

Trên cương vị Chủ tịch nước, mặc dù bộn bề công việc nhưng tình thương, nỗi nhớ, sự lo lắng, tin yêu đối với quê hương luôn canh cánh trong lòng Bác. Không có nhiều điều kiện về thăm quê, Người đã gửi gắm nỗi lòng, kỳ vọng qua những bức thư, bài viết gửi về quê nhà. Chẳng thế mà trong bức thư cuối cùng gửi Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An ngày 21/7/1969, Bác viết: “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn, có tài nguyên phong phú, có Nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào, đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An mau trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc”.

Bao năm rồi quê hương vẫn vọng mãi lời Người. Để rồi những lời dạy ân cần, thiết tha, trách nhiệm, kỳ vọng… ấy, đã trở thành niềm tin, ngọn lửa soi đường, chỉ lối để Nghệ An vững bước đi lên. Dường như mỗi một bước đi, mỗi một chặng đường phát triển Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ An như cảm thấy có Bác bên mình, vẫn ấm nồng và ân cần lời dạy như lúc sinh thời Người đã dành tình thương cao cả cho đất Nghệ.

Khắc ghi lời dạy của Người, cán bộ, Đảng viên và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Nghệ An đã ra sức thi đua, biến khát vọng, tiềm năng thành hiện thực.

Có lẽ  vậy mà từ một tỉnh nghèo, điểm xuất phát thấp, hậu quả chiến tranh nặng nề, thiên tai liên miên… nhưng tính đến cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP Nghệ An ước đạt 6,2%; thu ngân sách thực hiện 17.678 tỷ đồng, đạt 126% dự toán. Toàn tỉnh có khoảng 300 xã, 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Sản xuất công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá với gần 20%. Một số sản phẩm có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước như xi măng, sữa, điện sản xuất…Thu hút đầu tư có chuyển biến tích cực…

Và chắc chắn rằng, quê hương vẫn vọng mãi lời Người. Những lời dạy ân cần, thiết tha, trách nhiệm, kỳ vọng… của Người mãi mãi là niềm tin, ngọn lửa soi đường, chỉ lối để Nghệ An vững bước đi lên.