Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Quốc hội khóa XV thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi)

Hoàng Quý - 14:30, 18/06/2024

Sáng 18/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Công đoàn. Theo các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), sau hơn 10 năm thi hành, Luật Công đoàn hiện hành đã bộc lộ hạn chế, bất cập, một số quy định của Luật đã không còn phù hợp với thực tiễn. Trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các tác động của cuộc Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đã và đang đặt ra cho đất nước ta và tổ chức Công đoàn những thời cơ và thách thức mới.

Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả truyền thống của tổ chức Công đoàn, đồng thời phải khẳng định được vai trò chủ lực, định hướng dẫn dắt phong trào công nhân trong tình hình mới. Do đó, đa số các ý kiến tán thành với sự cần thiết và các quan điểm xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Về phạm vi sửa đổi, nhiều ý kiến bày tỏ nhất trí với việc sửa đổi toàn diện dự án Luật, tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần thiết khác cần nghiên cứu, xem xét như: Vấn đề xây dựng mô hình tổ chức Công đoàn theo hướng mở, linh hoạt; tuyển dụng cán bộ Công đoàn trưởng thành từ cơ sở, phong trào công nhân hay khuyến khích xã hội hóa nguồn lực,... cần phải được cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đặt ra trong quá trình xây dựng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để việc sửa đổi các chính sách trong dự án Luật bảo đảm toàn diện, sâu sắc, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và đòi hỏi của thực tiễn.

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH tán thành việc tiếp tục quy định thu kinh phí Công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) trong dự thảo Luật.

Theo đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn ĐBQH Tuyên Quang), dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí Công đoàn theo quy định hiện hành. Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kính phí Công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho người lao động được thực hiện từ năm 1957 đến nay, nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.

Điều này cũng phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới. Tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam; duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí Công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để Công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp

Thảo luận đối với các các vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, liên quan đến địa vị pháp lý của Công đoàn Việt Nam, các vị ĐBQH cho rằng, cần quy định cho phù hợp với Hiến pháp năm 2013, bổ sung thêm chức năng "phản biện xã hội" cho phù hợp với nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Bên cạnh đó các ĐBQH cũng quan tâm, tập trung thảo luận đối với các chế định quan trọng khác của dự thảo Luật Công Đoàn (sửa đổi) liên quan đến các nội dung: Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (Điều 11); Tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội (Điều 12); Phát triển đoàn viên Công đoàn, Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở (Điều 19); Quyền của đoàn viên Công đoàn (Điều 21); Trách nhiệm của Nhà nước đối với Công đoàn (Điều 24); Bảo đảm về tổ chức, cán bộ (Điều 26; Bảo đảm điều kiện hoạt động Công đoàn (Điều 27); Quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn (Điều 29 và Điều 30); Kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát tài chính Công đoàn (Điều 32); Công khai tài chính Công đoàn (Điều 33)…

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, ý kiến của các ĐBQH sẽ được tổng hợp đầy đủ, ngay sau Kỳ họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo ý kiến phát biểu của ĐBQH, tiếp tục lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu tác động thông qua các hội nghị, hội thảo, bảo đảm tính minh bạch, dân chủ, khả thi trong từng quy định của dự thảo Luật, kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề phát sinh để có hướng giải quyết, nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật để có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.