Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Quốc hội khóa XV thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Hoàng Quý - 16:20, 29/06/2024

Sáng 29/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Các đại biểu tiến hành bấm nút biểu quyết
Các đại biểu tiến hành bấm nút biểu quyết

Kết quả biểu quyết tại phiên họp cho thấy, có 454/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành với việc thông qua Luật này (chiếm 93,42%). Như vậy, Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 141 điều, (tăng 01 chương và 05 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình; tăng 2 chương và 16 điều so với Luật hiện hành) cùng 09 nhóm điểm mới gồm:

Thứ nhất: Quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.

Thứ hai: Thể hiện liên kết tầng trong hệ thống bảo hiểm xã hội bằng việc quy định chế độ trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Trong thời gian hưởng trợ cấp này, được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng.

Thứ ba: Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thứ tư: Mở rộng quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội như giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng; người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng trợ cấp thai sản.

Thứ năm: Dành riêng 01 chương để quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội; làm rõ nội hàm và việc xử lý hành vi chậm đóng và hành vi trốn đóng.

Thứ sáu: Quy định cụ thể về “mức tham chiếu” thay cho “mức lương cơ sở”.

Thứ bảy: Quy định cụ thể hơn về đầu tư và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, việc duyệt, thẩm định, phê chuẩn quyết toán chi tổ chức và hoạt động bảo hiểm xã hội.

Thứ tám: Đơn giản hóa thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội và về đánh giá sự hài lòng của người dân đối với việc tổ chức thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội.

Thứ chín: Bổ sung quy định về hợp tác quốc tế và quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính.

Các đại biểu tham dự phiên họp
Các đại biểu tham dự phiên họp

Trước đó, trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo Luật đã cơ bản thể chế hóa các chỉ đạo, quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH và Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; khắc phục vướng mắc, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; hướng tới xây dựng hệ thống BHXH Việt Nam tiến bộ, tiệm cận và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về trợ cấp hưu trí xã hội (Chương III từ Điều 21 đến Điều 24): Có ý kiến đề nghị cần xây dựng cụ thể lộ trình giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; nghiên cứu bỏ quy định giao địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, các nguồn lực xã hội để xây dựng chính sách riêng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo là để có thể xây dựng lộ trình giảm tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội cần phải có đánh giá tác động đầy đủ cả về kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước và tác động tổng thể đến việc khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội để khi về già có lương hưu, khoản 3 Điều 21 dự thảo Luật đã quy định: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội trên cơ sở đề nghị của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ”.

Khoản 1 Điều 22 quy định trình tự, thủ tục để địa phương xem xét, quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; Chính phủ căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách nhà nước và nguồn lực khác để nâng mức trợ cấp hưu trí xã hội. Do vậy, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp: (Điều 38 và Điều 39), biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 40 và Điều 41).

Có ý kiến đề nghị cần rà soát các quy định của dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Có ý kiến đề nghị quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội trong việc xử lý đối với doanh nghiệp đã vi phạm. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát để bảo đảm tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật, theo đó, đã bỏ quy định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh tại Điều 40 và 41 của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quy định trách nhiệm của cơ quan thanh tra trong việc xử lý việc chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội như thể hiện tại khoản 3 Điều 35 dự thảo Luật.

Về cơ chế giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động (Điều 41 của dự thảo Luật trình Quốc hội thảo luận tại Hội trường ngày 27/5/2024): Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định văn bản hướng dẫn riêng, không nên đưa trực tiếp vào Luật để vừa bảo đảm chủ động điều chỉnh, bổ sung đối tượng phù hợp với điều kiện thực tế và tránh lạm dụng ngân sách nhà nước.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, ý kiến của Chính phủ tại Báo cáo số 347/BC-CP, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đưa vào Nghị quyết của kỳ họp thứ 7 nội dung giao Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất và nguồn kinh phí thực hiện được lấy từ số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm xã hội chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội…

Tin cùng chuyên mục
Ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024 tại tỉnh Hà Giang

Ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024 tại tỉnh Hà Giang

Ngày 1/7, tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, Ủy ban Dân tộc (UBDT) phối hợp với Tổng Cục Thống kê tổ chức Lễ ra quân Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà cùng ông Lê Trung Hiếu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đồng chủ trì Lễ ra quân.