Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ

Hoàng Quý - 17:55, 28/06/2024

Chiều 28/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Tại phiên họp, kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 463/464 tổng số Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành, đạt 95,27%. Như vậy, Quốc hội khóa XV chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ gồm 2 Điều. Điều 1: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ; Điều 2: Hiệu lực thi hành. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025.

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ nhằm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cảnh vệ; khắc phục những bất cập, hạn chế; tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác cảnh vệ; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về công tác cảnh vệ; xây dựng lực lượng Cảnh vệ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, hội nhập quốc tế.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, về đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại khoản 1 Điều 10 của Luật Cảnh vệ (được sửa đổi, bổ sung tại điểm b khoản 3 Điều 1 dự thảo Luật) quy định đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng liệt kê các đối tượng cảnh vệ cụ thể là thống nhất với nội dung Kết luận số 35-KL/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.

Luật Cảnh vệ hiện hành đã quy định một người hưởng nhiều chế độ cảnh vệ khác nhau thì người đó được hưởng chế độ cảnh vệ ở mức cao nhất. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát và quy định “Người giữ chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư” tại khoản 4, khoản 5 Điều 1 dự thảo Luật (khoản 3 Điều 11 và khoản 3 Điều 11a).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo

Về chế độ, biện pháp cảnh vệ, dự thảo Luật quy định theo nhóm đối tượng có cùng chế độ, biện pháp, phù hợp với các nhóm chức vụ, chức danh theo Kết luận số 35-KL/TW. Theo đó, các chức vụ, chức danh Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị được quy định có cùng chế độ, biện pháp cảnh vệ là phù hợp và đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua, không phát sinh vướng mắc. Vì vậy dự thảo Luật không bổ sung quy định chế độ, biện pháp cảnh vệ riêng đối với đối tượng cảnh vệ này.

Về bổ sung quy định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng quy định của Luật Cảnh vệ, theo quy định của pháp luật thì Bộ trưởng Bộ Công an có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, bao gồm cả biện pháp cảnh vệ để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Do đó, dự thảo Luật bổ sung quy định Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ đối với trường hợp không thuộc đối tượng cảnh vệ là phù hợp với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an. Do việc quyết định áp dụng các biện pháp cảnh vệ có liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân nên cần phải được quy định trong Luật là giao Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ, không giao ban hành văn bản quy định chi tiết nội dung này.

Về lực lượng Cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, hiện nay với số lượng đối tượng cảnh vệ nhiều, tại một số địa phương thường xuyên phải triển khai công tác cảnh vệ như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, nên nhu cầu thành lập lực lượng Cảnh vệ của đơn vị thuộc phòng của Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là rất cần thiết, trên cơ sở bố trí, điều chỉnh biên chế quân số hiện có, không làm phát sinh tổ chức, biên chế.

Về bổ sung quy định thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện công tác cảnh vệ, thực tiễn thực hiện công tác cảnh vệ đối với lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước khi đi công tác nước ngoài còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các điều kiện về lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật, cần phải có cơ chế cho lực lượng Cảnh vệ chủ động thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài (không phải trong nước) trong trường hợp cần thiết. Nguồn kinh phí để thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của nước ngoài là ngân sách nhà nước. 

Tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, định mức, thanh quyết toán việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phải căn cứ vào pháp luật của nước sở tại và pháp luật của Việt Nam để thực hiện, trong đó có pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý tài sản công. Do đó, trong dự thảo Luật không quy định cụ thể về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, định mức, thanh quyết toán việc thuê lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật của lực lượng Cảnh vệ.