Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Quy hoạch Quảng Ninh trở thành động lực phát triển kinh tế của cả nước

PV - 09:05, 06/08/2021

Những năm qua, tốc độ phát triển ở các đô thị của Quảng Ninh có sự bứt phá nhanh chóng, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Việc sớm thông qua Chương trình phát triển đô thị của tỉnh đến năm 2030 sẽ là điều kiện tiên quyết để tập trung mọi nguồn lực đầu tư, sớm xây dựng, quy hoạch Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, đồng thời góp phần nâng cao mức thu nhập cho người dân.

Thành phố Hạ Long ngày càng mang dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại.
Thành phố Hạ Long ngày càng mang dáng dấp của một đô thị văn minh, hiện đại.

Xây dựng những quy hoạch chiến lược

Quảng Ninh có hệ thống đô thị khá phát triển, nhưng tốc độ phát triển và quy mô từng khu vực có sự khác biệt. Các đô thị phát triển nhanh, có quy mô lớn chủ yếu phát triển dọc theo các tuyến giao thông huyết mạch, phân bố tập trung tại khu vực ven biển, bám trục quốc lộ 18, gắn với các khu vực phát triển khu du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cửa khẩu. Còn lại khu vực miền núi, hải đảo vẫn còn nhiều khó khăn. Để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, tỉnh Quảng Ninh đặt ra các mục tiêu chiến lược từ nhiều năm trước, trong đó xây dựng bảy quy hoạch chiến lược để bảo đảm thực hiện thành công mục tiêu này. Theo đó, tỉnh thống nhất lựa chọn phương án phát triển các đô thị theo đơn vị hành chính cấp huyện đáp ứng tiêu chí đô thị loại I, theo mô hình thành phố trong thành phố, không hình thành các quận nội thành.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Tường Văn cho biết, mục tiêu của Quảng Ninh tập trung phát triển hệ thống các đô thị theo hướng nhanh, bền vững, là tiền đề quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, nền kinh tế xanh dựa trên khoa học công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị toàn tỉnh, phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, là động lực phát triển kinh tế của miền bắc và cả nước, đáp ứng mục tiêu phát triển Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030, với dịch vụ công nghiệp hiện đại, trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia. Cùng với đó, nâng cao chất lượng sống đô thị thông qua việc tập trung nguồn lực hợp lý để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đô thị, kiến trúc cảnh quan phù hợp, đồng bộ, từng bước hiện đại và bền vững.

Từ các quy hoạch chiến lược, tỉnh Quảng Ninh xác lập tầm nhìn dài hạn trong tính liên thông gắn với xây dựng quy hoạch đồng bộ để làm cơ sở thực hiện mục tiêu. Theo đó, quy hoạch đô thị phải bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa quy hoạch chung với quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết, có định hướng, tầm nhìn chiến lược với sự tham gia của các tư vấn hàng đầu quốc tế. Đơn cử, việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào thành phố Hạ Long đã góp phần mở rộng không gian phát triển của thành phố, tăng cường liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Đồng thời, thành phố Cẩm Phả cũng nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, nhất là sau khi tuyến đường ven biển Hạ Long - Cẩm Phả hoàn thành mở ra không gian mới phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị bền vững hơn. Một trong các chiến lược mang tính đột phá của Quảng Ninh trong tiến trình đẩy nhanh quy hoạch đô thị đó là tỉnh đã tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã huy động hơn 123.000 tỷ đồng dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sự bứt phá về hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ. Đến nay, nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Hạ Long - Hải Phòng kết nối với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... đã hoàn thành, góp phần tạo sự liên kết đồng bộ hạ tầng giao thông trong tỉnh và khu vực, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng.

Thu hút các nguồn lực tham gia

Trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn xác định công tác quy hoạch phải đi trước một bước. Trên cơ sở các quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, tỉnh Quảng Ninh đã dành nhiều nguồn lực, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược tham gia thực hiện các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ hơn. Tỉnh cũng ra đề bài đối với các đơn vị tư vấn quy hoạch là phải đáp ứng được mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của vùng và các quy hoạch ngành, lĩnh vực; có tính liên kết vùng; phải tạo nên bước đột phá trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; bảo đảm tính hiện đại, đồng bộ, xứng tầm quốc tế..., tạo ra một Quảng Ninh khác biệt, phát triển vượt trội.

Ngay từ các quy hoạch đầu tiên, tỉnh đã mời được các đơn vị tư vấn hàng đầu nước ngoài như: Tập đoàn McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản) tham gia. Các quy hoạch này đã bám sát không gian phát triển của tỉnh là “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá”, bảo đảm tính liên kết để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh và của cả vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Ông Marco Breu, Giám đốc Công ty TNHH McKinsey & Company Việt Nam khẳng định sẵn sàng hợp tác để triển khai lập quy hoạch tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020 - 2030 và tầm nhìn 2050. Đồng thời tin tưởng với bảy quy hoạch chiến lược sẽ là nền tảng, động lực quan trọng để Quảng Ninh xây dựng thành công quy hoạch tỉnh trong thời gian tới. Tập đoàn McKinsey & Company sẽ đồng hành và tham vấn hướng phát triển cho tỉnh, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế quan trọng trên địa bàn; lựa chọn các phương án tổ chức, phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả, tạo cơ sở cho việc đề xuất phương án tổ chức không gian chung, hệ thống kết cấu hạ tầng, đô thị, nông thôn, các khu chức năng; đưa ra phương án tổ chức phát triển mạng lưới, không gian cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội, môi trường và bố trí không gian phát triển hợp lý.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một đô thị văn minh, hiện đại, trong chương trình phát triển đô thị đến năm 2030, tỉnh đã đề ra một số chương trình, đề án trọng tâm, trọng điểm cùng với ba khâu đột phá: phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể; xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.

Mặt khác, đang hoàn thiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó tiếp tục ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để kích thích, khai thác tối đa các nguồn lực, đặc biệt là từ khu vực tư nhân, phát triển hình thức đối tác công - tư, tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại..., góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2030 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.