Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Quyền của người DTTS Việt Nam dưới góc nhìn của bạn bè quốc tế

Hoàng Xuân Lương - 11:10, 15/11/2022

Nhân sự kiện ngày 11/10/2022 vừa qua, Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, với số phiếu cao 145/193, đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu nước ngoài chia sẻ cảm nhận của mình về thành tựu, tiềm năng, tương lai của Việt Nam về công tác nhân quyền, trong đó rất quan tâm đến quyền của người DTTS.

 Toàn cảnh phiên họp bầu ra 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 ngày 11/10 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: UN
Toàn cảnh phiên họp bầu ra 14 thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 ngày 11/10 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ. Ảnh: UN

Việt Nam thực hiện tốt vấn đề nhân quyền

Ông Pranay Verma, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam trong buổi làm việc với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đã nhắc lại các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước, đặc biệt là chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Dân tộc Ấn Độ. Là đối tác Chiến lược toàn diện, Ấn Độ đánh giá cao tính nhân văn của Việt Nam trong cách nhìn và giải quyết các vấn đề về DTTS; tính toàn diện các lĩnh vực và bao quát đến tất cả lứa tuổi của người DTTS. Đây là bài học Ấn Độ học tập được ở Việt Nam.

Đại sứ bày tỏ ấn tượng về vùng đất, con người Việt Nam, đặc biệt là bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam, vì vậy ông nghĩ, Việt Nam cần phát triển du lịch sinh thái, phát triển công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực người DTTS.

Còn bà Caitlin Wiesen, nguyên Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam chia sẻ: Tôi thực sự cảm thấy Việt Nam đã thực hiện những cam kết của Chính phủ về việc đặt con người là trọng tâm của sự phát triển theo những chỉ dẫn của Liên Hợp quốc. Đây là cốt lõi của các mục tiêu phát triển bền vững và nguyên tắc cốt lõi là không bỏ lại ai phía sau. Tôi nghĩ điều này đã được chú trọng ở mọi khía cạnh và thể hiện trong những chính sách của Chính phủ Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn bảo đảm quyền con người. Chỉ số phát triển con người tăng 2 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu, lên thứ 115. Đây chính là gốc rễ để Việt Nam xây dựng chương trình phát triển kinh tế- xã hội bền vững vùng DTTS, mà ít quốc gia có thể làm được.

Các thành viên đoàn Việt Nam tại cuộc bỏ phiếu bầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc ở New York ngày 11/10. Ảnh: BNG.
Các thành viên đoàn Việt Nam tại cuộc bỏ phiếu bầu Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc ở New York ngày 11/10. Ảnh: BNG.

Giáo sư, Tiến sĩ Andreas Stoffers, Giám đốc Quốc gia của Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam nhận xét: Việc ứng xử với các DTTS ở Việt Nam cũng tích cực. Bên cạnh các quyền cơ bản của con người, người DTTS ở Việt Nam còn được pháp luật cho phép thực hiện các quyền đặc thù, chẳng hạn như quyền tự xác định dân tộc, quyền được cấp đất sản xuất, quyền ưu tiên trong học tập, tuyển dụng, sử dụng trong hệ thống, quyền bảo tồn và phát triển văn hóa tộc người. Đây là những nét rất tiến bộ trong pháp luật của Việt Nam.

Đối với Việt Nam, điều quan trọng là phải tiếp tục thực hiện và ủng hộ đường lối tự do hóa kinh tế, bởi vì sự giàu có đang góp phần xóa đói giảm nghèo, cũng như nâng cao chỉ số phát triển con người. Tôi chỉ muốn đề cập đến khía cạnh kinh tế của nhân quyền. Khía cạnh này đang có nhiều bước phát triển tích cực, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện và ủng hộ đường lối tự do hóa kinh tế, nhất là khai thác các tiềm năng ở vùng DTTS, giải phóng triệt để các sáng tạo truyền thống của người dân.

Ông Park Dong Chul, Trưởng đại diện Tổ chức Good Neighbors International (GNI) tại Việt Nam: Tôi nhận thấy khung pháp lý vững chắc, nhiều luật và chính sách liên quan đến vấn đề nhân quyền đã được Việt Nam ban hành và thực thi. Bên cạnh đó, các nỗ lực của Việt Nam trong vấn đề xóa đói giảm nghèo và bảo vệ người DTTS, khi tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 của Việt Nam là 2.75% trên tổng dân số gần 100 triệu người, cũng góp phần bảo đảm người dân có quyền lợi kinh tế, chính trị, xã hội bình đẳng.

Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục cho người DTTS là mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Việt Nam.
Bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục cho người DTTS là mục tiêu cơ bản trong chính sách phát triển của Việt Nam. (Trong ảnh: Học sinh Trường PTDTNT tỉnh Nghệ An)

Đặc biệt trong lĩnh vực trẻ em, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em vào năm 1990. Sau hơn 30 năm tham gia công ước, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực an sinh trẻ em như nhiều trẻ em đi học tiểu và trung học hơn trong vòng 5 năm qua; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cũng giảm chỉ còn 11% năm 2019, cơ hội tiếp cận nước sạch và vệ sinh cũng được cải thiện trong nhiều năm qua. Có thể thấy, xét về tổng thể cuộc sống của trẻ em Việt Nam đang diễn ra theo chiều hướng tích cực hơn. Ở tận vùng sâu vùng xa, trẻ em DTTS vẫn có trường mầm non. Tôi rất ấn tượng với loại hình trường dân tộc nội trú, bán trú, khả năng học ngoại ngữ của trẻ em DTTS khá tốt.

Vẫn cần tiếp tục điều chỉnh các chính sách dân tộc

Bên cạnh những đánh giá tích cực, thừa nhận chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước Việt Nam rất nhân văn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, các khía cạnh của đời sống con người, quyền của người DTTS được tôn trọng và thực thi từng bước có hiệu quả, các bạn quốc tế cũng nêu lên một số vấn đề mà người làm công tác dân tộc rất cần suy ngẫm để chắt lọc với tinh thần cầu thị.

` Trong các khuyến nghị về quyền của người DTTS, nhiều thành viên Hội đồng nhân quyền vẫn mong Việt Nam xem xét thêm khía cạnh quyền lợi của các nhóm tộc người có mặt đầu tiên tại một vùng đất. Sau khi nghe Việt Nam giải thích ở Việt Nam không còn dân tộc bản địa, các tổ chức quốc tế cơ bản không nêu lại vấn đề bản địa, nhưng vẫn cho rằng, các tộc người tại chỗ, làm chủ, khai cơ lập ấp, bây giờ đang có nguy cơ thiếu đất sản xuất và các điều kiện sinh kế. Một bộ phận bị đẩy ra ngoài quá trình đô thị hóa và lùi sâu vào vùng rừng núi. Vì vậy họ cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc một chính sách cho các dân tộc tại chỗ, những người đầu tiên khai khẩn và định cư ở một vùng đất.

Đảm bảo bình đẳng giới cũng là thành tựu nổi bật của Việt Nam. Ảnh: VNP
Đảm bảo bình đẳng giới cũng là thành tựu nổi bật của Việt Nam. Ảnh: VNP

Các bạn quốc tế thừa nhận chính sách dân tộc của Việt Nam là ưu việt, nhưng vẫn có sự phân tán, trùng lặp, thiếu đồng bộ. Do đó đời sống của người DTTS đang đứng trước nguy cơ tụt hậu, không thể tiến kịp trình độ chung. Các tổ chức quốc tế còn băn khoăn khi ở Việt Nam, các chính sách nhiều mà không đủ nguồn lực thực hiện, vậy sao khi ban hành chính sách lại không tính kỹ nguồn lực đảm bảo? Đây cũng là điều làm đồng bào các DTTS còn băn khoăn.

Về khía cạnh văn hóa, nhiều tổ chức thành viên của Hội đồng Nhân quyền rất lo lắng nguy cơ đánh mất bản sắc của một số tộc người, chính điều này làm cho họ trở nên thụ động, chờ đợi. Tôn trọng các giá trị văn hóa tộc người phải cụ thể hóa trong từng chính sách và điều hành của hệ thống cơ quan hành pháp, để tránh được các yếu tố chủ quan, áp đặt, làm thui chột giá trị bản sắc văn hóa tộc người.

Con đường thực thi và đảm bảo quyền của người DTTS dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng cũng còn nhiều việc phải làm. Lắng nghe ý kiến phản biện của các bạn bè quốc tế cũng là một kênh thông tin quan trọng cho những người làm công tác dân tộc để có những điều chỉnh phù hợp khi xây dựng, hoạch định chính sách.