Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Trần Lưu Quang, Trần Hồng Hà và Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo đề xuất xây dựng Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của: Luật Ngân sách nhà nước; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Dự trữ quốc gia; Luật Kế toán; Luật Kiểm toán độc lập; Luật Chứng khoán; Luật Quản lý thuế.
Theo Bộ Tài chính, tại Phiên họp thứ 2 Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến kết luận giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, xây dựng dự án 1 luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại 7 luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính. Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang triển khai việc soạn thảo song song 2 bước (lập đề nghị xây dựng luật và soạn thảo luật) để hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Bộ Tài chính đã báo cáo Thường trực Chính phủ về 30 chính sách dự kiến đưa vào dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của: Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đột phá chiến lược về thể chế có ý nghĩa rất quan trọng, do đó Chính phủ rất quyết tâm tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, cả những Luật mới được thông qua cũng phải được tháo gỡ. Do đó, chúng ta phải rà soát kỹ, tháo gỡ những vướng mắc trên thực tế với mục tiêu là ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, quyết tâm thực hiện các mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Cho ý kiến về việc thảo luận một số Luật, Thủ tướng nêu rõ, việc quản lý nhà nước theo đúng tinh thần là thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy định, xây dựng chiến lược, quy hoạch… ; các bộ, ngành cần thoát khỏi tình trạng “ôm đồm” nhiều việc vặt, theo đó, phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết; phải tăng cường rà soát, tăng cường phân cấp, phân quyền, đi đôi phân bổ nguồn lực, tăng cường giám sát, kiểm tra; phải rà soát lại các thủ tục hành chính, không gây phiền hà, không được để cơ chế xin-cho; hạn chế tình trạng “hơi tý báo cáo”, “đá lên đá xuống”; ngân sách tăng thu, giảm chi, thì phải tính không chi lặt vặt, dành để làm công trình trọng điểm, công trình lớn có ý nghĩa. Đây là vấn đề quan điểm, nhận thức; phải chịu trách nhiệm phân cấp, không nên “ôm” nhiều việc.