Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Quỳnh Nhai (Sơn La): Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS

PV - 14:00, 14/01/2019

Quỳnh Nhai là huyện miền núi của tỉnh Sơn La, có trên 85% dân số là đồng bào DTTS. Do vậy, việc tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh mầm non, tiểu học ở các khu vực có đông đồng bào DTTS sinh sống là hết sức cần thiết, tạo nền tảng giúp nâng cao chất lượng dạy và học.

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng DTTS Tiết học tăng cường tiếng Việt tại Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Mường Giôn.

Trong năm học (2018-2019), huyện Quỳnh Nhai đã chỉ đạo 15/15 đơn vị trường mầm non tổ chức tăng cường tiếng Việt cho 204 nhóm lớp với 4.332 trẻ DTTS được tăng cường tiếng Việt. Mỗi lớp học đều có góc tăng cường tiếng Việt cho trẻ học tập và rèn luyện thường xuyên. Đến nay, các trường đã tổ chức được hơn 30 hoạt động như “Phiên chợ ngày xuân của bé”, Tết Trung thu, Ngày quốc tế Thiếu nhi 1/6; tổ chức thi kể chuyện Bác Hồ; bé hát, kể chuyện, đọc thơ cho học sinh dân tộc... mời cha mẹ trẻ cùng tham gia. Đến tháng 12/2018, đã có 5 cụm trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn với 10 hoạt động giáo dục có lồng ghép tăng cường tiếng Việt cho trẻ em DTTS, đạt hiệu quả chất lượng tốt.

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cũng đã chỉ đạo các đơn vị trường lồng ghép các nội dung xây dựng môi trường giáo dục phù hợp với nội dung giáo dục của từng độ tuổi, từng chủ đề dạy học. Chú ý thiết kế môi trường gần gũi, tận dụng điều kiện cơ sở vật chất sẵn có của trường, của địa phương để khuyến khích trẻ giao tiếp bằng tiếng Việt.

Ông Điêu Chính Thuyên, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Nhai cho biết: Trong quá trình tổ chức thực hiện, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường tập trung rà soát số học sinh DTTS cần phải tăng cường tiếng Việt theo từng mức độ; khảo sát cơ sở vật chất và khả năng sử dụng tiếng dân tộc của giáo viên.

Mới đây, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức Hội thảo tập huấn tăng cường tiếng Việt cho học sinh mầm non vùng DTTS tại Trường Mầm non Hoa Hồng, xã Mường Giôn. Nội dung tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc tăng cường tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS với giáo viên, phụ huynh và cộng đồng thông qua các buổi họp phụ huynh, họp bản; các tiêu chí xây dựng môi trường tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người DTTS.

Cô giáo Lò Thị Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng chia sẻ: Trường mầm non Hoa hồng có gần 100% số học sinh là con em người DTTS. Qua Hội thảo này, chúng tôi đã học hỏi được một số kinh nghiệm như xây dựng môi trường bên trong và bên ngoài lớp học; một số phương pháp lồng ghép, tăng cường tiếng Việt cho các cháu trong các hoạt động hằng ngày; huy động cha mẹ học sinh tạo môi trường dạy tiếng Việt, xây dựng góc học tập ở nhà cho con em để việc tăng cường tiếng Việt có hiệu quả cao hơn.

Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, phần lớn học sinh vùng DTTS chỉ sử dụng tiếng Việt khi đến trường; ngôn ngữ giao tiếp trong gia đình và cộng đồng dân cư đa phần chỉ sử dụng tiếng dân tộc. Môi trường giao tiếp hạn chế và không thuần nhất chính là nguyên nhân dẫn đến việc hình thành và phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt của các em gặp nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, bản tính rụt rè, ngại giao tiếp cũng ảnh hưởng tới khả năng học, sử dụng tiếng Việt của các em.

Để nâng cao hiệu quả dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai cần có sự chỉ đạo chặt chẽ từ các cấp ủy, sự triển khai đồng bộ của các cấp, các ngành; sự vào cuộc của gia đình và xã hội trong công tác tuyên truyền nhằm tạo tiền đề để học sinh lĩnh hội tri thức trong các cấp học tiếp theo. Từ đó sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục vùng DTTS.

ĐÌNH HẢI

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.