Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Rà soát, xây dựng chính sách vùng đồng bào Khmer

PV - 21:52, 12/10/2018

Ngày 12/10, tại TP Cần Thơ, Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã tổ chức Hội thảo rà soát, xây dựng chính sách ưu đãi phát triển kinh tế- xã hội và đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân tộc Khmer vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo có sự góp mặt của các đại biểu đại diện Văn phòng Chính phủ; Hội đồng Dân tộc Quốc hội; các vị Hoà thượng, đại đức; các đồng chí nguyên là lãnh đạo UBDT; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc UBDT; Ban Dân tộc các tỉnh phía Nam. Ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT trì Hội thảo.

Báo cáo Dự thảo kết quả rà soát, xây dựng chính sách ưu đãi phát triển kinh tế- xã hội và đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân tộc Khmer vùng Đồng bằng Sông Cửu Long do bà Huỳnh Thị Sô Ma Ly,Vụ trưởng Vụ địa phương III (UBDT) đã trình bày cho thấy, vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố, hiện có 27 thành phần dân tộc cùng sinh sống, với dân số trên 17 triệu người, trong đó, đồng bào dân tộc Khmer có gần 1,3 triệu người, chiếm tỷ lệ trên 7%, sống tập trung tại 09 tỉnh, thành phố: Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ, một bộ phận đồng bào Khmer sống ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ.

baodantoc_lsh

Qua rà soát, hệ thống văn bản chính sách Trung ương đã ban hành, có trên 174 văn bản triển khai trong vùng DTTS trên địa bàn; 14 văn bản trực tiếp đến công tác ở vùng đồng bào Khmer. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã ban hành trên 20 văn bản về công tác ở vùng đồng bào Khmer và chính sách liên quan đối với dân tộc Khmer trên các lĩnh vực.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Lê Sơn Hải nhấn mạnh, đây là dịp đánh giá, rà soát tổng thể các chính sách trong khu vực ĐBSCL. Đồng thời, cụ thể hóa Nghị quyết số 120/ NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Chỉ thị 19-CT/TW về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới vào thực tiễn.

Thứ trưởng Lê Sơn Hải đề nghị, trên cơ sở đánh giá những kết quả đạt được từ việc triển khai thực hiện các chương trình, chính sách đối với đồng bào Khmer; những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực thi chính sách từ thực tế của từng địa phương, các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ đóng góp những ý kiến giúp cho Ban soạn thảo có thêm thông tin, đầy đủ cơ sở hoàn chỉnh báo cáo, trình Chính phủ xem xét xây dựng, sửa đổi bổ sung chính sách phù hợp, hiệu quả hơn đối với đồng bào Khmer.

Theo đó, Hội thảo đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu nhằm xây dựng được cơ chế, chính sách cho vùng đồng bào Khmer trong tình hình mới.

Báo Dân tộc và Phát triển lược ghi và giới thiệu một số ý kiến của đại biểu đến bạn đọc:

Ông Huỳnh Phước Long, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc Hội: Rất hoan nghênh Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội thảo, đồng thời tán thành những nội dung các chính sách cần thể chế hóa trong luật cũng như các biện pháp đảm bảo thực hiện luật.

baodantoc_huynh_phuoc_long

Theo tôi, chính sách cử tuyển đối với đồng bào Khmer vẫn còn phù hợp và hiệu quả, cần duy trì chứ không nên loại bỏ một cách vội vàng. Tuy nhiên, chúng ta phải đánh giá tổng thể hiệu quả thực hiện thời gian qua như thế nào, để có hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp trong tình hình mới.

Về chính sách văn hóa DTTS, đây là lĩnh vực rất rộng, phong phú, đa dạng và quan trọng, đòi hỏi trong vùng đồng bào phải có cán bộ lãnh đạo lĩnh vực văn hóa là người dân tộc Khmer. Cấp tỉnh phải có ít nhất một cán bộ trong ban lãnh đạo Sở và Sở phải có phòng hoặc chuyên viên là người dân tộc Khmer chuyên sâu nghiên cứu, theo dõi, tham mưu, quản lý lĩnh vực văn hóa. Nếu vẫn lãnh đạo chung chung như hiện nay, lĩnh vực văn hóa dân tộc Khmer sẽ bị hụt hẫng.

Thượng tọa Lý Đức, Phó Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng: Ở nhiều địa phương, trong đó có Sóc Trăng, con em sinh viên người Khmer sau khi tốt nghiệp ra trường, đa số chưa có việc làm phù hợp với trình độ, ngành nghề mà các em đã được đào tạo. Muốn có việc làm, các em phải trải qua thi tuyển, thi vị trí làm việc, cạnh tranh rất cao. Qua theo dõi tôi thấy, đa số các em thi không đạt, nguyên nhân này dẫn tới hụt nguồn cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan nhà nước là người Khmer. Do đó, cần bổ sung chính sách đặc thù đối với con em dân tộc Khmer sau khi ra trường, hoặc có chính sách xét tuyển khi các cơ quan có nhu cầu.

baodantoc_tt_ly_duc

Ngoài ra, cần có chính sách đặc thù đào tạo giáo viên dạy tiếng Pali có trình độ và tâm huyết với nghề. Vì hiện nay, rất ít người có thể dạy được tiếng Pali mà trong khu vực này có đông đồng bào Khmer sinh sống, có nhiều vị sư tu học, nhà chùa thì đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí và các vị có thể dạy được tiếng Pali.

Bà Huỳnh Thị Vân Hà, Hiệu trưởng Trường DTNT Vĩnh Long: Nên đưa việc giảng dạy tiếng Khmer vào chương trình giảng dạy của các trường PTDTNT, cấp bằng chứng chỉ và có được điểm ưu tiên trong xét tuyển (tốt nghiệp THPT, cao đẳng, đại học); Nên điều chỉnh nâng mức học bổng cho HS – SV cho phù hợp với thực tế. Việc cấp học bổng nên thực hiện từ tháng 7 để các em có kinh phí trong trang trải đầu năm học; Đối với học sinh lớp 12 nên tính đến tháng 6, vì tháng 6 các em còn ôn thi THPT quốc gia.

baodantoc_van_ha

Đối với các trường PTDTNT đang thực hiện mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực dân tộc chất lượng cao. Học sinh được đào tạo, giáo dục từ nề nếp tác phong đến kỹ năng trong học tập, lao động… Do đó, nên có chính sách ưu tiên tiếp tục ươm mầm, nuôi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực này có định hướng, nguồn cán bộ có chất lượng để tránh lãng phí nguồn nhân lực đã được đào tạo ở trường phổ thông.

Thượng tọa Lý Hùng, Phó Hội trưởng Hội đoàn kết sư sãi yêu nước TP. Cần Thơ: Cần tăng cường hệ thống thủy lợi, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, tạo điều kiện cho đồng bào làm ăn thuận lợi ổn định cuộc sống.

baodantoc_tt

Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp, tạo việc làm tại chỗ cho đồng bào dân tộc, tránh tình trạng bỏ xứ đi làm ăn xa như hiện nay, không ổn định cuộc sống, khó thoát nghèo.

Ông Danh Út, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội: Đề nghị đầu tư xây dựng lò hỏa táng và nhà hành lễ hiện đại, vì trước nay chỉ quan tâm đầu tư lò hỏa táng mà chưa quan tâm xây dựng nhà hành lễ.

baodantoc_1

Đầu tư, mở rộng hệ thống cấp nước sạch nông thôn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho đồng bào. Cần nghiên cứu nâng tỷ lệ giảm nghèo tăng lên 5%, vì theo tỷ lệ cũ còn thấp, sẽ khó kích thích sự phấn đấu để tỷ lệ giảm nghèo vùng ĐBSCL nhanh hơn…

NHƯ TÂM