Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Rồ Ôn giữ nghề mây tre đan truyền thống

Thái Sơn Ngọc - 20:09, 24/12/2024

Rồ Ôn là khu dân cư xã vùng cao Phước Hà thuộc huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, có nhiều nghệ nhân tâm huyết giữ nghề mây tre đan truyền thống của đồng bào Raglay. Các sản phẩm đan lát từ mây tre “mẹ truyền con nối” gắn bó với đời sống người dân địa phương. Nghề mây tre đan tạo ra những sản phẩm tinh xảo, đáp ứng nhu cầu của thị trường, tạo việc làm cho đồng bào Raglay, tăng thu nhập, nâng cao đời sống gia đình, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới.

Bà Ta Cai Gia Thị Ớ, người cao tuổi ở Rồ Ôn có trên 50 năm gắn bó với nghề mây tre đan.
Bà Ta Cai Gia Thị Ớ, người cao tuổi ở Rồ Ôn có trên 50 năm gắn bó với nghề mây tre đan

Trở lại thôn Rồ Ôn vào những ngày giữa tháng 12/2024, chúng tôi ghi nhận đời sống vùng đồng bào DTTS ngày càng khởi sắc. Cánh đồng Dá Tang Hạ vào mùa thu hoạch trúng mùa được giá, nông dân phấn khởi chở lúa về phơi trên sân nhà. Chúng tôi cảm nhận không khí thanh bình, no ấm nơi làng nghề mây tre đan truyền thống của đồng bào Raglay. 

Anh Tạ Yên Mới, Trưởng thôn Rồ Ôn cho biết, đây là khu dân cư có số người giữ nghề mây tre đan nhiều nhất của xã Phước Hà. Toàn thôn hiện có 108 hộ với 447 khẩu đồng bào dân tộc Raglay. Đời sống của bà con dựa vào nguồn thu nhập từ canh tác 43ha ruộng lúa chủ động tưới hệ thống thủy lợi hồ Tân Giang, gieo trồng 2 vụ/năm. Kết hợp canh tác 80ha đất nương rẫy và chăn nuôi gia súc, giúp bà con có thu nhập ổn định, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm.

Trưởng thôn Tạ Yên Mới dẫn chúng tôi đến tìm hiểu chuyện giữ nghề mây tre đan của đồng bào Raglay ở địa phương. Đến thăm gia đình Ta Cai Gia Thị Ớ, gặp bà đang cần mẫn ngồi vót nan đan những chiếc chick xinh xắn, tinh xảo. Chick là đồ dùng mây tre phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của đồng bào Chăm ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.

Đồng bào Chăm dùng chick đựng phẩm vật đưa lên cúng ở các đền tháp.
Đồng bào Chăm dùng chick đựng phẩm vật đưa lên cúng ở các đền tháp

Bà Ớ là người cao tuổi ở thôn Rồ Ôn đã gắn bó với nghề đan lát hơn nửa thế kỷ. Bà Ớ không rành tiếng phổ thông nên chúng tôi phải nhờ anh Mới phiên dịch. Bà kể, từ thời con gái ở trên núi cao thuộc vùng chiến khu Anh Dũng, bà được mẹ truyền dạy nghề đan các vật dụng mây tre phục vụ sinh hoạt gia đình. Sau năm 1975, đất nước thanh bình, Rồ Ôn dời làng xuống đất bằng định cư, bà Ớ được các thương lái từ đồng bằng lên đặt đan lát các mặt hàng mây tre. 

Một chiếc chick do bà Ớ đan được thương lái thu mua 100 ngàn đồng chiếc nhỏ; 150 ngàn đồng chiếc lớn. Từ đan chick, bà có thu nhập trung bình 3 - 4 triệu đồng/tháng, cuộc sống ổn định giúp gia đình bà thoát khỏi diện hộ nghèo. Bà Ớ tận tâm truyền dạy nghề mây tre đan cho bà con tộc họ như Ta Cai Thị Tai, Chamalea Thị Ơi, Ma Năng Thị Đuối. Các bà Tai, Ơi, Duối tiếp tục truyền cho con cháu giữ nghề mây tre đan với các sản phẩm gùi, cà tăng, nia, chick…

Gia đình chị Ané Thị Thủy làm nghề mây tre đan có thu nhập, bảo đảm cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học chi đáo.
Gia đình chị Ané Thị Thủy làm nghề mây tre đan có thu nhập, bảo đảm cuộc sống ổn định, nuôi con ăn học chu đáo.

Cách nhà bà Ta Cai Gia Thị Ớ vài chục bước chân là chị Ané Thị Thủy cũng đang cần mẫn đan những chiếc nan lồ ô hoàn thành tấm cà tăng kịp giao theo đơn đặt hàng của thương lái. Để hoàn thành một tấm cà tăng có chiều ngang 1,2m, chiều dài 8m, chị phải mất một tuần lên núi lấy nan và hơn 10 ngày đan ròng rã với hàng ngàn chiếc nan đan “long mốt” gắn kết bền chặt theo bàn tay chịu thương chịu khó gắn bó với nghề của người thợ. Thương lái lên Phước Hà trực tiếp thu mua cà tăng của chị Thủy với giá 150 ngàn đồng/mét, chiếc cà tăng dài 8 mét bán được 1,2 triệu đồng. Anh Pô Pôn Minh, chồng chị Thủy là nghệ nhân đan gùi tiêu biểu ở thôn Rồ Ôn. Để hoàn thành một chiếc gùi, anh Minh mất một tuần lên núi chặt là a, rồi ra nan và đan lát hoàn thành, bán được 500- 600 ngàn đồng/chiếc.

Ngoài nghề đan lát truyền thống, vợ chồng chị Thủy còn canh tác 2 sào ruộng lúa chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi Tân Giang và nuôi 2 con bò cái sinh sản từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Nhờ nguồn thu nhập từ sản xuất nông nghiệp kết hợp nghề mây tre đan bảo đảm cuộc sống gia đình ổn định, chị nuôi con gái út là Ané Thị Vải học hành chu đáo. Hiện nay, cháu Ané Thị Vải đang học lớp 9 - Trường THCS Dân tộc nội trú Ninh Phước. 

“Từ lúc 15 tuổi, mình được mẹ ruột là bà Ané Thị Cò truyền dạy nghề mây tre đan. Đây là nghề truyền thống của ông bà xưa truyền lại, con cháu cố gắng giữ lấy nghề mây tre đan. Nghề đan mây tre tuy chưa thể làm giàu nhưng mang lại thu nhập ổn định vào những tháng nông nhàn, có thêm chút tiền để trang trải sinh hoạt gia đình, bảo đảm cuộc sống không bị thiếu đói”, chị Thủy chia sẻ niềm vui.

: Sản phẩm mây tre đan của đồng bào Raglay thôn Rồ Ôn được thương lái thu mua đưa đến bán lại cho vùng đồng bào Chăm.
:Sản phẩm mây tre đan của đồng bào Raglay thôn Rồ Ôn được thương lái thu mua đưa đến bán lại cho vùng đồng bào Chăm.

“Tính đến cuối năm 2024, thôn Rồ Ôn còn 16 hộ nghèo, giảm 31 hộ so với cuối năm 2023. Nhờ nguồn thu từ sản xuất nông nghiệp và đan lát mây tre giúp bà con có cuộc sống ổn định, các hộ làm nghề đan lát mây tre đều thoát khỏi diện hộ nghèo. Ngày 8/12/2024, Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội và miền núi hỗ trợ 21 con bò cái giống sinh sản cho 7 hộ cận nghèo, tạo sinh kế giúp bà con vươn lên thoát nghèo bền vững. Rồ Ôn hiện có 23 hộ với trên 40 lao động gắn bó với nghề truyền thống. Cấp ủy và chính quyền xã Phước Hà quan tâm, vận động bà con gìn giữ, truyền dạy đưa nghề mây tre đan ngày càng phát triển, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho  đồng bào dân tộc Raglay”, Trưởng thôn Tạ Yên Mới phấn khởi cho biết.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Châu (Sóc Trăng): Hiệu quả tích cực từ chính sách hỗ trợ đưa lao động DTTS đi làm việc tại nước ngoài

Vĩnh Châu (Sóc Trăng): Hiệu quả tích cực từ chính sách hỗ trợ đưa lao động DTTS đi làm việc tại nước ngoài

Triển khai Tiểu dự án 3 – Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), thời gian qua, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng đã đẩy mạnh thực hiện việc hỗ trợ người lao động thuộc vùng đồng bào DTTS đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, đã giúp giải quyết việc làm hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động.