Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Rừng mãi xanh khi lòng dân đồng thuận

PV - 13:25, 16/03/2018

Nhờ những làng đồng bào DTTS có ý thức cao trong việc giữ rừng, nên nhiều cánh rừng ở Bình Định vẫn giữ được màu xanh vốn có của đại ngàn. Từ việc bảo vệ rừng, người dân cũng được thụ hưởng nhiều loại “lộc rừng” quý giá như: chò chai, dầu rái, mật ong, bông đót…, giúp họ nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

Tuần tra bảo vệ rừng. Tuần tra bảo vệ rừng.

 

Có dịp về làng K3, xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) vào một ngày trung tuần tháng Tư, chứng kiến màu xanh ngút ngàn của những cánh rừng phòng hộ đầu nguồn mới thấy được hết ý thức của người dân trong việc quản lý bảo vệ rừng.

Làng K3 có 117 hộ với 384 nhân khẩu, trong đó có 76 hộ đồng bào Ba-na. Thời gian qua, để công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) tại địa phương ngày càng tốt hơn, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định đã giao khoán QLBVR cho dân làng, với diện tích gần 532ha, mức hỗ trợ là 300 ngàn đồng/ha, mỗi nhân khẩu được nhận khoán 2,7ha rừng để quản lý bảo vệ. Ngoài việc nhận hỗ trợ tiền QLBVR, người dân còn có các quyền lợi khác như: khai thác các sản phẩm phụ, trồng thêm các loài cây trồng có giá trị kinh tế dưới tán rừng…

Theo ông Đinh Giới, Trưởng làng K3, diện tích rừng ở đây được quản lý, bảo vệ khá tốt là nhờ chính sách giao khoán QLBVR cho người dân. Đáng mừng nhất, tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy nay đã giảm đáng kể. Nhờ đó, hằng năm, ngoài số tiền Nhà nước hỗ trợ cho công tác QLBVR, người dân có thêm thu nhập từ việc phát triển trồng trọt, chăn nuôi nên số hộ trong diện đói nghèo tại địa phương cũng giảm thấy rõ. “Hiện nay, các gia đình trong làng đã cùng nhau thành lập các nhóm bảo vệ rừng với 10-15 hộ tham gia. Nhiệm vụ của nhóm là luân phiên tổ chức tuần tra, canh gác để giữ rừng. Không chỉ đoàn kết bảo vệ rừng được giao, dân làng còn cải tạo đất sản xuất trên những nương rẫy cũ để đưa vào trồng các loại cây lương thực ngắn ngày hoặc trồng các loại cây lâm nghiệp dài ngày có giá trị kinh tế, thêm thu nhập”, ông Giới phấn khởi cho biết thêm.

Chốt bảo vệ rừng do người dân làng Hà Ri lập. Chốt bảo vệ rừng do người dân làng Hà Ri lập.

 

Ông Trần Trọng Kim, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, nhận xét: Nhờ giao khoán QLBVR mà người dân K3 ai cũng hiểu việc giữ rừng góp phần giữ nước cho các hồ thủy điện, thủy lợi ở đầu nguồn; chống lũ quét, xói mòn đất, đảm bảo điều hòa nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng.

Bức xúc trước thực trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép làm cho tài nguyên rừng bị xâm hại nghiêm trọng, giữa năm 2015, dân làng Hà Ri (xã Vĩnh Hiệp) đã xin phép chính quyền cho lập tổ, lập chốt bảo vệ rừng với 30 thành viên do ông Đinh Kơi làm Tổ trưởng. Phạm vi hoạt động của Tổ là từ khu vực suối Tà Má (thuộc làng Hà Ri) đến khu vực suối nước Tấn (thuộc thôn Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Hiệp) vùng rừng được giám sát có diện tích hơn 600ha.

Sau khi thành lập, các thành viên bắt đầu chia ra thành từng tổ nhỏ gồm 3 người. Mỗi tổ sẽ thay phiên túc trực tại chốt canh gác (rộng chừng 9m2) được dựng ngay con đường độc nhất dẫn vào rừng từ 7 giờ hôm trước đến 7 giờ ngày hôm sau; còn những tổ khác thì chia thành nhiều mũi, có nhiệm vụ đi tuần tra trong rừng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, nếu phát hiện có hoạt động khai thác lâm sản trái phép thì các tổ lập tức thông báo với lực lượng chức năng như chính quyền địa phương, kiểm lâm địa bàn… để có biện pháp ngăn chặn kịp thời; hoặc tham gia chữa cháy nếu có. Mỗi tháng, tổ công tác bảo vệ rừng sẽ họp lại để kiểm tra hoạt động, đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn.

Ông Đinh Thái, Trưởng làng Hà Ri phấn khởi cho chúng tôi biết: Làng sống được là nhờ rừng. Rừng bị phá thì dân làng sống không yên cái bụng. Trách nhiệm bảo vệ rừng không chỉ của cán bộ, mà cả dân làng cũng phải chung tay. Giờ thì ai cũng hiểu, cũng biết điều này hết rồi nên đều tham gia tổ bảo vệ rừng. Trung bình, mỗi nhà đều có một người tham gia. Có nhiều đêm, dân làng huy động thêm lực lượng để ứng trực với tổ bảo vệ rừng. Thấy ý thức của người dân tốt vậy, mình mừng lắm.

Nhờ những làng đồng bào DTTS có ý thức cao trong việc giữ rừng, nên nhiều cánh rừng ở Bình Định vẫn giữ được màu xanh vốn có của đại ngàn. Từ việc bảo vệ rừng, người dân cũng được thụ hưởng nhiều loại “lộc rừng” quý giá như: chò chai, dầu rái, mật ong, bông đót…, giúp họ nâng cao thu nhập và ổn định cuộc sống.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục