Một cánh rừng với hàng nghìn cây gỗ nghiến được ví như kho vàng, đang được người dân thôn Đông Đằng canh giữ. Điều kỳ lạ là “kho vàng” này nằm ngay cạnh đường ô tô chạy rầm rập suốt ngày đêm, nhưng không hề bị mất trộm.
Theo những người cao niên ở thôn Đông Đằng, thì cánh rừng cây nghiến cổ thụ ngay sát làng là một khu rừng thiêng, trong đó có nơi thờ tự của 3 vị thần núi gồm, ông đuôi, ông voi và thần bò bá mò. 3 vị thần này ngự ngay ở khu rừng có những cây nghiến mọc để che chở và bảo vệ cho dân làng.
Dẫn chúng tôi tới khu miếu thờ 3 vị thần rừng, ông Dương Đình Hằng, trước kia là Trưởng thôn Đông Đằng chia sẻ: Bình thường thì người dân chỉ được đi lên tới đây để thắp hương cúng lễ các ngài thôi, nếu không xin phép thì không ai được bước qua ngôi miếu này để vào rừng cả.
Việc thờ các vị thần rừng này có từ bao giờ thì không ai biết. Ông Hằng chỉ biết rằng người làng mình được truyền lại cho như vậy, nên cùng mọi người trong làng bảo ban nhau thờ cúng mà thôi.
Vì dân làng có niềm tin rằng, thờ thần rừng thì sẽ được các ngài phù hộ cho mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, sinh con đẻ cái khỏe mạnh, làng bản chung sống với nhau thuận hòa đoàn kết và điều mong ước to lớn nhất là không bị thiên tai dịch họa, như mưa đá, lũ quét, hay các loại bệnh dịch ập xuống dân bản.
Muốn như vậy, thì nơi cánh rừng các ngài ngự phải thật là yên tĩnh. Mọi thứ cỏ cây, chim thú do các ngài cai quản phải được tự do, tự nhiên phát triển. Người dân không được bén mảng tới để kiếm củi, săn thú. Nếu có cây đổ, cây ngã cũng để nguyên trong rừng cho thối mục tự nhiên làm phân chăm các cây con khác, chứ nhất định không được lên lấy đem về nhà mình.
Nhìn những cây nghiến xanh mướt, ngay trước mắt, chỉ vài bước chân là có thể tới, chúng tôi ngỏ ý nhờ ông Hằng dẫn lên với ý định chụp ảnh để minh họa cho bài viết. Nhưng ông Hằng kiên quyết không dẫn lên. Ông Hằng chia sẻ: "Ở thôn có quy định rất nghiêm rồi. Bất cứ người dân nào, trong thôn nếu không được phép của hội đồng bảo vệ rừng cho phép thì cũng không được bước chân vào rừng cấm, kể cả nhà báo cũng thông cảm cho. Thôi mời nhà báo cứ đứng ở dưới mà chụp rừng cây để minh họa".
Khu rừng này có tổng thể 2.019 cây gỗ nghiến có đường kính là 20cm trở lên, nhiều cây có chu vi đến 2 - 3 người ôm. Sở dĩ cây nghiến làm gỗ tốt, luôn được người dân săn đón, vì cây nghiến chỉ sinh trưởng trên núi đá. Cây lớn rất chậm, cho gỗ cứng như đá và không bao giờ bị mối mọt. Gỗ nghiến mà làm cột nhà, đóng đồ gia dụng thì có thể nói độ bền là vĩnh cửu.
Ông Hằng cho biết thêm: hiện nay, việc bảo vệ rừng được quy định rất nhiều điều chặt chẽ ở trong luật. Nhưng một tình trạng chung ở nước ta, là đa số gỗ rừng tự nhiên quý hiếm thuộc nhóm 1 đều bị xâm hại.
Một cán bộ Kiểm lâm ở tỉnh Lạng Sơn đã chua chát thừa nhận với chúng tôi: “Cứ mở đường dân sinh tới đâu, để bà con được đi lại thuận tiện, giao thông ổn định là mất rừng tới đó. Kiểm lâm không tài nào giữ được rừng, nếu ở đó có gỗ quý".
Theo ông Hằng, thì người dân thôn Đông Đằng ghi trong hương ước của thôn rất đơn giản: “Nếu ai lên rừng lấy gỗ, lấy củi sẽ bị đuổi ra khỏi hội hiếu”. Đuổi ra khỏi hội hiếu nghĩa là nếu gia đình gặp tang gia, thì cả làng không ai tới giúp, đưa tiễn người khuất trong gia đình về với tổ tiên. Rồi ngay cả việc cưới xin, nếu nhà ai bị đuổi ra khỏi hội hiếu thì dân làng cũng tẩy chay không tới mừng, hay làm cỗ giúp. Chính vì vậy, mà bao năm qua, người dân Đông Đằng không có ai vi phạm về việc bảo vệ rừng.
Không chỉ vậy, mà người dân còn có ý thức cao trong công tác bảo vệ rừng. Nếu phát hiện người ở nơi khác xâm phạm tới rừng ở làng mình, thì cả làng bảo nhau cùng đi ngăn chặn. Cách đây mấy năm dân làng đã bắt được một số người trèo núi vào rừng để kiếm ăn, giao cho Kiểm lâm huyện Bắc Sơn xử lý.
Ông Nguyễn Cao Cường, cán bộ Kiểm lâm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lạng Sơn cho biết: "Trước kia mình công tác ở Hạt Kiểm lâm Bắc Sơn, đã hướng dẫn bà con lập hồ sơ bảo vệ rừng nghiến. Khu vực 13ha này là rừng cộng đồng, nên hằng năm bà con được hưởng kinh phí tiền bảo vệ rừng. Đây cũng là khu rừng nghiến tự nhiên hiếm hoi còn sót lại trên xứ Lạng và được cộng đồng dân cư gìn giữ như báu vật.