Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Ruộng bậc thang mùa đổ nước

PV - 09:27, 14/02/2019

Mường Tè là huyện khó khăn bậc nhất của tỉnh Lai Châu, ít ai nghĩ có ngày sẽ có khách đến đây du lịch khám phá. Ấy nhưng thời gian gần đây, Mường Tè lại trở thành điểm ưa thích của những “phượt thủ” đam mê khám phá những cung đường uốn lượn, thấp thoáng bên những sườn núi là những thửa ruộng bậc thang vào mùa đổ nước…

baodantoc_ruong_bac_thang

Thu Lũm là một trong những địa phương có nhiều thửa ruộng bậc thang đẹp nhất nhì tỉnh Lai Châu. Từ sân trụ sở UBND xã Thu Lũm nhìn xuống bản làng, nắng sau mưa mở ra một không gian đẹp như một bức tranh thủy mặc.

Dõi mắt xa hơn, những thửa ruộng bậc thang hiện ra với vô vàn những tầng bậc loang loáng nước, chạy vòng theo thân núi dưới ánh mặt trời của buổi chiều tà. Vẻ đẹp của những chân ruộng bậc thang ấy vào mùa nước đổ lại càng trở nên đầy sức sống và sinh động hơn.

Ông Phùng Lòng Cà, Chủ tịch UBND xã Thu Lũm cho biết: xã Thu Lũm có hơn 80% dân số là đồng bào dân tộc Hà Nhì, kinh tế chủ yếu của đồng bào là nông nghiệp lúa nước. Do địa hình hiểm trở, chia cắt bởi núi đồi, diện tích đất thịt ít nên việc canh tác lúa nước của người dân trở nên vô cùng khó khăn. Để khắc phục tình trạng đó, người dân ở đây đã chọn các sườn núi, dốc để tạo thành những vạt đất bằng theo từng lớp để canh tác và dẫn nước từ các khe suối ở đỉnh núi xuống.

“Ở đây, để có được mảnh ruộng canh tác, người dân phải tốn rất nhiều công sức đào đất, san bậc từ đỉnh núi xuống chân núi. Cứ thế, những ô ruộng hình vòng cung chồng lên nhau tầng tầng lớp lớp như những bậc thang bắc lên trời xanh ôm theo dáng núi”, Chủ tịch UBND xã Thu Lũm Phùng Lòng Cà nói.

Ruộng bậc thang mùa nước đổ là một trong những thời điểm ruộng bậc thang đẹp nhất trong năm. Ruộng bậc thang mùa nước đổ là một trong những thời điểm ruộng bậc thang đẹp nhất trong năm.

Theo ông Cà, với người nông dân Thu Lũm, ruộng bậc thang minh chứng cho sự khéo léo cũng như tinh thần chịu khó chinh phục thiên nhiên. Với địa hình bị chia cắt mạnh, để tạo được những thang ruộng là cả một kỳ công.

Anh Lý Gạ Chừ, ở bản Pa Thắng, chia sẻ: Để làm được ruộng bậc thang, trước tiên là phải khảo sát địa hình đảm bảo 2 yếu tố, địa hình không quá dốc đứng và phải gần với các khe nước, khe suối để có thể dẫn nước về kênh mương. Tiếp theo là tiến hành việc đào, san bằng mặt đất để tạo thành ruộng bậc thang. Sau khi hoàn tất việc đào kênh mương thì bắt đầu tiến hành đào kênh nước hoặc bắc nước bằng ống tre, nứa từ nguồn về ruộng. Khó khăn lớn nhất trong quá trình làm ruộng bậc thang là do địa hình khó khăn, nên không thể sử dụng máy móc mà chủ yếu là dùng sức người và sức trâu, bò để san bằng.

Anh Chừ dẫn chứng: Gia đình tôi có 3 thửa ruộng bậc thang, để có được 3 thửa ruộng đó, cùng với sự giúp đỡ của người thân phải mất hơn 2 tháng mới hoàn thành. “Từ 3 thửa ruộng, mỗi năm gia đình thu hoạch từ 45 -50 bao thóc, mỗi bao là 50kg. Để giảm thiểu sức người, sức trâu, bò và tăng thu nhập, cả bản hiện đã có 15 hộ đưa máy cày vào áp dụng sản xuất nông nghiệp. Sắp tới gia đình tôi cũng sẽ mua máy cày để thuận lợi hơn trong canh tác”, anh Chừ cho biết.

baodantoc_ruong_2

Khác với một số địa phương thuộc vùng Tây Bắc, ruộng bậc thang thường trồng lúa một năm 2 vụ, ruộng bậc thang ở Thu Lũm mỗi năm chỉ có 1 vụ. Vậy nên, khi các nơi lúa còn xanh thì ở đây lúa đã chín vàng và cho ra những hạt thóc to, tròn, mẩy và căng, hạt gạo xay ra trắng, thơm và dẻo hơn.

Chủ tịch UBND xã Thu Lũm Phùng Lòng Cà tỏ ra rất tâm đặc vì theo ông, Thu Lũm được xem là xã có ruộng bậc thang đẹp và nhiều nhất trong các xã của huyện Mường Tè, tận dụng được khí hậu cũng như địa hình núi cao nên vẻ đẹp đó càng được tôn thêm.

Khi chiều tà dần buông xuống, những thửa ruộng bậc thang lại khoác lên mình vẻ đẹp bình yên đến lạ. Và có lẽ, bất kỳ ai khi đứng trong không gian mênh mông ấy, thấy hình ảnh này cũng có thể cảm nhận được sự vất vả và những nỗ lực mưu sinh của đồng bào Hà Nhì nơi đây. Những thửa ruộng bậc thang dù lớn hay nhỏ đều được “chạm khắc” một cách cẩn trọng, tỉ mỉ mang đến sự dễ dàng trong việc canh tác. Đồng thời, đó cũng chính là một trong những nét văn hóa thể hiện sự tài tình trong nghệ thuật “chinh phục” tự nhiên của người dân vùng cao.

HOÀI DƯƠNG