Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Sản phẩm nông nghiệp đặc sản đưa người dân Bá Thước thoát nghèo

Quỳnh Chi - 19:01, 03/07/2021

Với mục tiêu phát huy lợi thế cây trồng đặc sản phù hợp với thổ nhưỡng, năng lực sản xuất của đồng bào DTTS, huyện Bá Thước đã tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế. Từ chủ trương này đã tạo ra sản phẩm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch sinh thái, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.

Huyện Bá Thước có khoảng 60ha quýt hôi, tập trung tại các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, Cổ Lũng, Lũng Niêm
Huyện Bá Thước có khoảng 60ha quýt hôi, tập trung tại các xã Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Cao, Cổ Lũng, Lũng Niêm

Mới đây, huyện đã ban hành Kế hoạch Phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của huyện giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, địa phương đã tập trung phát triển 400 ha cây ăn quả như: Cam, bưởi, quýt hôi, tập trung trồng tại các xã: Lũng Cao, Lương Nội, Điền Quang. 

Trong đó, diện tích cây quýt hôi là khoảng 50 ha, được huyện Bá Thước xây dựng thành sản phẩm OCOP, trồng tại các xã Thành Sơn, Thành Lâm, Ban Công, Cổ Lũng, Lũng Niêm.  Hiện nay, cây quýt hôi Bá Thước đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Đưa chúng tôi đi thăm vườn quýt của gia đình nằm xen trong những tán rừng đặc dụng trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, chị Ngân Thị Phiều, dân tộc Mường, bản Pa Ban, xã Thành Sơn cho biết: Quýt hôi là giống cây bản địa phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Sau nhiều năm thoái hóa vì không được chăm sóc, nay giống quýt đã được phục tráng trở thành giống cây cho hiệu quả kinh tế cao.

“Vụ quýt vừa qua, có giá dao động khoảng từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, với 1ha quýt, mỗi vụ gia đình có thu nhập khoảng 50 triệu đồng’’, chị Phiều nói.

Một sản phẩm đặc trưng nổi tiếng mang thương hiệu của Bá Thước, đó chính là vịt Cổ Lũng. Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh và góp phần bảo tồn nguồn gen giống vịt bản địa quý hiếm này, huyện Bá Thước và xã Cổ Lũng đã tạo điều kiện các doanh nghiệp liên kết với các hộ dân nuôi vịt.

Từ năm 2019, 29 hộ nghèo và 40 hộ cận nghèo của 2 thôn trong xã cũng được tham gia dự án chăn nuôi vịt Cổ Lũng thương phẩm, theo hình thức đối ứng. Ngoài được cung ứng giống, thức ăn, thuốc thú y, các hộ còn được tập huấn kỹ thuật, giám sát, hướng dẫn cách chăm sóc nên đàn vịt phát triển khỏe mạnh. 

Hiện, đàn vịt Cổ Lũng đã lên tới khoảng 20.000 con, với khoảng 6 thôn và 150 hộ tham gia nuôi. Trong đó, có 7 hộ nuôi giống vịt bản địa Cổ Lũng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Vịt thương phẩm được tiêu thụ tại các nhà hàng, quán ăn trong và ngoài tỉnh với giá khá cao, từ 100.000 - 120.000 đồng/kg, giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo và cải thiện cuộc sống.

Quýt hôi là giống cây thế mạnh, đem lại thu nhập khá cho người dân huyện Bá Thước
Quýt hôi là giống cây thế mạnh, đem lại thu nhập khá cho người dân huyện Bá Thước

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bá Thước, ngoài trồng cây ăn quả và nuôi vịt Cổ Lũng, huyện đang phát triển diện tích trồng rau, củ quả an toàn thực phẩm với diện tích 100 ha tại các xã Cổ Lũng, Điền Lư, Điền Trung, Thành Lâm, Thành Sơn và thị trấn Cành Nàng được chứng nhận an toàn thực phẩm… 

Ngoài ra huyện Bá Thước còn có giống lúa nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng, mía tím cũng được địa phương xác định là sản phẩm đặc sản có lợi thế. Theo đó, đối với lúa gạo đặc sản tập trung tại các ruộng bậc thang ở các xã: Ban Công, Thành Sơn, Thành Lâm, Lũng Niêm, Cổ lũng và Lũng Cao, được trồng với diện tích khoảng 100 ha đã tạo cảnh quan du lịch, vừa là đặc sản phục vụ khách tham quan, du lịch tại địa phương.

Với chủ trương và các chính sách hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi đúng hướng, giúp người dân khai thác thế mạnh của địa phương vào mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bá Thước giảm nhanh, từ 25,31% năm 2016, xuống 2,26% năm 2020...

Tin cùng chuyên mục