Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sẵn sàng góp sức triển khai thực hiện tốt Đề án tại địa phương

Thanh Huyền (thực hiện) - 10:45, 22/02/2020

Ngày 15/2/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 12/NQ-CP triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án). Các địa phương vùng DTTS và miền núi đã sẵn sàng chung tay thực hiện Đề án với nhiều kỳ vọng đổi thay. Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc phỏng vấn nhanh lãnh đạo ở một số địa phương về vấn đề này.

Sẵn sàng góp sức triển khai thực hiện tốt Đề án tại địa phương

Ông Trần Hữu Chí, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lai Châu: Sẵn sàng cùng Chính phủ và các bộ, ngành triển khai thực hiện Đề án

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, linh hoạt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực của hệ thống chính trị các cấp, vùng DTTS và miền núi tỉnh Lai Châu đã có nhiều bước phát triển rõ rệt. Tuy nhiên, đời sống của đồng bào DTTS vẫn còn rất nhiều khó khăn với tỷ lệ hộ nghèo hiện nay là 20,12%. Là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống, trong đó có 5 DTTS rất ít người sinh sống với điều kiện rất khó khăn, chúng tôi rất phấn khởi khi Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện Đề án và mong mỏi vào sự đổi thay tích cực khi thực hiện Đề án.

Địa phương chúng tôi sẵn sàng cùng Chính phủ và các bộ, ngành triển khai thực hiện Đề án đạt hiệu quả và mong mỏi Chính phủ sớm có văn bản hướng dẫn để triển khai Đề án kịp thời.

Sẵn sàng góp sức triển khai thực hiện tốt Đề án tại địa phương 1

Ông A Lăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang (Quảng Nam): Tạo nền móng vững chắc, góp phần thay đổi đời sống đồng bào DTTS

Nam Giang là 1 trong 9 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, có hơn 90% đồng bào DTTS sinh sống. Trong những năm qua, kinh tế của huyện đã có bước tăng trưởng, hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư xây dựng. Tuy đạt được những kết quả tích cực, song Nam Giang vẫn là huyện nghèo, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, triển khai thực hiện Đề án Tổng thể phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi đáp ứng mong mỏi của địa phương, để tạo nền móng vững chắc, làm thay đổi bộ mặt KT-XH vùng đồng bào DTTS.

Đối với huyện Nam Giang, vấn đề khó khăn nhất là giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định cho đồng bào; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào vùng DTTS để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS…

Sẵn sàng góp sức triển khai thực hiện tốt Đề án tại địa phương 2

Ông Nguyễn Quang Duẩn, Bí thư Đảng ủy xã Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang): Mong muốn triển khai Đề án sẽ giải quyết bài toán sinh kế cho đồng bào DTTS 

Xã Bản Máy có gần 100% đồng bào DTTS. Trong đó có 37 hộ với 157 nhân khẩu đồng bào dân tộc Phù Lá đời sống rất khó khăn. Trong 37 hộ này, có tới 30 hộ nghèo và cận nghèo.

Làm sao để tạo sinh kế, làm sao để người dân có thu nhập vẫn đang là bài toán khó. Chính sách chung là chưa phù hợp mà phải có chính sách đặc thù, hỗ trợ tập trung để vực dậy bản nghèo. Vì vậy, chúng tôi rất mong mỏi khi triển khai thực hiện Đề án sẽ giải quyết được những khó khăn thách thức ở vùng đồng bào DTTS. Cùng với đó, là các chính sách hỗ trợ hạ tầng thiết yếu, giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản…