Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Sạt lở đất -Thiên tai và nhân tai: Sạt lở đất dưới góc nhìn “tai biến” địa chất (Bài 1)

Sỹ Hào - 22:05, 29/10/2020

LTS: Những ngày vừa qua, khu vực miền Trung đã xảy ra hàng loạt sự cố sạt lở đất, hàng chục người đã bị vùi lấp trong đất đá. Sau những thảm họa ấy, câu hỏi đặt ra là tại sao sạt núi, trượt lở đất khủng khiếp lại liên tiếp xảy ra ở miền Trung như vậy?


Sạt lở đất ở Phước Sơn (Quảng Nam) ngày 28/10/2020.
Sạt lở đất ở Phước Sơn (Quảng Nam) ngày 28/10/2020.

Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp đã khiến cho mưa lũ ngày càng cực đoan, triệt tiêu các yếu tố kháng trượt ở vùng đồi núi dốc, chia cắt mạnh. “Lũ chồng lũ” đã gây nên những “tai biến” về địa chất dẫn đến nhiều sự cố sạt lở đất liên tiếp, gây thương vong nặng nề ở khu vực miền Trung.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau

Sáng 29/10, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (PCTT) tổ chức họp khẩn để ứng phó với áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) suy yếu từ cơn bão số 9. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã thông tin những thiệt hại ban đầu sau khi bão số 9 đổ bộ vào các tỉnh miền Trung.

“Tính đến sáng nay, bão số 9 đã làm 2 người chết, 55 người mất tích. Nghiêm trọng nhất là 2 sự cố sạt lở đất ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam làm 53 người dân địa phương bị vùi lấp. Trong đó, vụ sạt lở ở thôn 1, xã Trà Leng vùi lấp 45 người; vụ sạt lở ở thôn 1, xã Trà Vân vùi lấp 8 người”, ông Tiến gần như nghẹn giọng khi đưa ra thông tin này.

Như vậy, hơn nửa tháng qua, khu vực miền Trung đã xảy ra 4 sự cố sạt lở gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm hơn trăm người thương vong. Đầu tiên là sự cố sạt lở ở công trình thủy điện Rào Trăng 3 (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) vùi lấp 17 người (đến sáng 29/10 mới tìm thấy thi thể 5 nạn nhân – Pv); vụ sạt lở này cũng đã khiến 13 người thuộc Đoàn tìm kiếm cứu nạn tử vong trong đêm 13/10.

Rạng sáng ngày 18/10, sạt lở đất ở xã Húc, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) cũng đã vùi lấp 22 cán bộ, chiến sỹ Đoàn kinh tế - Quốc phòng 337. Trước đó, tối ngày 17/10, ở thôn Tà Rùng, xã Húc cũng xảy ra sự cố sạt lở đất, vùi lấp 6 người trong một gia đình.

Nguy cơ những sự cố sạt lở đất vẫn treo lơ lửng khi mà hoàn lưu bão số 9 đã thành vùng áp thất nhiệt đới, gây mưa lớn trên diện rộng cho các tỉnh miền Trung. Đáng lo hơn, khi hoàn lưu bão số 9 chưa tan thì theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão số 10 (tên quốc tế là bão Goni) có khả năng ảnh hưởng Trung Bộ vào tuần tới.

Lượng mưa trung bình ở khu vực miền Trung năm nay cao hơn rất nhiều so với các năm trước (Nguồn ảnh IT)
Lượng mưa trung bình ở khu vực miền Trung năm nay cao hơn rất nhiều so với các năm trước (Nguồn ảnh IT)

Gia tăng “tai biến” về địa chất

Dưới góc nhìn địa chất, những sự cố sạt lở liên tiếp xảy ra, gây hậu quả nặng nề ở các tỉnh miền Trung trong những ngày vừa qua là do khu vực này đã lâm vào tình cảnh “lũ chồng lũ”. Chỉ từ giữa tháng 9 đến nay, liên tiếp 5 cơn bão, trong đó bão số 9 được đánh giá là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây đổ bộ vào khu vực này; gió bão vừa dứt là mưa xối xả.

Theo ông Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, sạt lở đất là sự dịch chuyển của đất đá xuống bên dưới sườn dốc. Với một sườn dốc khô thì các yếu tố kháng trượt (độ dính kết của đất đá) là rất lớn nên rất hiếm khi xảy ra sạt trượt. Nhưng khi mưa lớn kéo dài thì độ dính kết của đất đá ở sườn dốc bị yếu đi, đến thời điểm cả sườn dốc đã bị “sũng nước” thì xảy ra sạt trượt.

Ông Văn cho rằng, chỉ cần mưa với cường độ khoảng 100mm/ngày, hay mưa nhỏ vài chục milimét nhưng kéo dài cả tuần đến chục ngày là đủ để làm đất đá bị bão hòa nước. Khi đó, nếu tiếp tục có một trận mưa lớn đột ngột thì khả năng cao là sẽ gây ra trượt lở.

Vì thế, những sự cố sạt lở liên tiếp trong tháng 10 vừa qua ở miền Trung có nguyên nhân chính là do mưa lũ kéo dài, trên diện rộng. Nhiều địa phương ở khu vực này đã ghi nhận những kỷ lục mới về lượng mưa.

Như ở huyện A Lưới (Thừa Thiên – Huế), năm 1996, lượng mưa lịch sử được ghi nhận là 523mm/ngày thì tại thời điểm ngày 20/10/2020 đã lên tới 593mm/ngày. Còn tại Ba Đồn (Quảng Bình), lượng mưa lịch sử được ghi nhận năm 2010 là 536mm/ngày thì tại thời điểm ngày 20/10/2020 lên tới 756mm/ngày.

Tình hình mưa lũ ngày càng khó lường trước hết là do biến đổi khí hậu. Theo Tiến sĩ Tô Văn Trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến rất phức tạp và cực đoan trên phạm vi toàn cầu trong đó có Việt Nam. Bão lũ liên tục, mưa lớn cả về lượng, cường độ và thời gian vượt mọi dự kiến làm lũ dâng cao, đất đồi bị sạt lở; thậm chí ngay cả với những nơi đã được thiết lập doanh trại quân đội, tồn tại ổn định hàng chục năm qua như sự cố sạt lở ở Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337, ở xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.

Mưa lũ kéo dài khiến các yếu tố kháng trượt mất đi, là nguyên nhân xảy ra sạt trượt. (Ảnh minh họa)
Mưa lũ kéo dài khiến các yếu tố kháng trượt mất đi, là nguyên nhân xảy ra sạt trượt. (Ảnh minh họa)

Như vậy, sạt lở đất ở khu vực miền Trung là một “tai biến” về địa chất do tác động của mưa lũ trước biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khiến các yếu tố kháng trượt trong đất đá bị bào mòn. Nhưng “tai biến” địa chất này không chỉ do mưa lũ mà còn do nhiều yếu tố khác, đặc biệt là do cấu tạo địa chất đặc thù của khu vực miền Trung là nằm trên đới đứt gãy bề mặt vỏ trái đất – dẫn tới những trận động đất xảy ra thời gian qua; lại được “bồi” thêm bởi hoạt động khai thác khoáng sản “quá đà” của con người (nổ mìn, phá núi). Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn từ 1953 - 2006, cả nước đã xảy ra 448 trận lũ quét và sạt lở đất, trung bình 7 trận/năm. Trong giai đoạn từ 2000 - 2015, tổng số trận lũ quét và sạt lở đất là 250 trận, trung bình 15 - 16 trận/năm, gây ra nhiều thiệt hại về người và của: 779 người thiệt mạng, 426 người bị thương, 9.700 căn nhà bị sạt lở, hơn 100.000 căn nhà bị nước cuốn trôi, khoảng 75.000 ha trồng trọt, chăn nuôi bị ảnh hưởng. Riêng năm 2018, tại các tỉnh miền Bắc đã xảy ra 14 trận sạt lở đất, 82 người bị thương và thiệt mạng, phần lớn các trận lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại các miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt với nhịp độ có xu hướng gia tăng.